Thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh tế tuần hoàn: Lợi thế của doanh nghiệp Việt

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:09, 09/02/2023

Theo “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022”, doanh nghiệp có quy mô từ siêu nhỏ đến vừa chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp hiện nay.

Nếu tiếp cận được nguồn lực hợp lý, doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh quyết sách kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) để tận dụng những thuận lợi do cơ chế chính sách mang lại.

Doanh nghiệp đã chú ý đến KTTH

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường, doanh nghiệp tiếp cận mô hình KTTH dựa vào lợi ích kinh tế có thể giải quyết ba vấn đề chính, đó là giảm khai thác tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh - nhất là những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu thô từ tài nguyên thiên nhiên và thải trực tiếp ra môi trường theo mô hình kinh tế tuyến tính trước đây - chuyển sang mô hình KTTH sẽ đạt hiệu quả cao về kinh tế và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường.

thumbnail_anh-1.jpg
Trạm phát điện bằng khí biogas tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Bình Dương

Thực tiễn áp dụng KTTH ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy, Việt Nam đã dần hình thành những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm và các doanh nghiệp riêng lẻ. Việc hình thành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) từ năm 2019 đánh dấu việc kinh doanh theo hướng tuần hoàn bắt đầu trở thành xu hướng mới. Đến nay, nhiều thành viên của Liên minh đã trở thành những hình mẫu trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Với mục tiêu tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, những tập đoàn đa quốc gia trong Liên minh có vai trò dẫn dắt, xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Về bức tranh chung áp dụng KTTH tại Việt Nam, kết quả khảo sát, điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế (CIEM) năm 2022 đã chỉ ra, tỷ lệ các doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn dưới các hình thức và mức độ khác nhau dao động từ 36% - 48,6%. Những hình thức phổ biến gồm: Sửa chữa và bảo trì, sử dụng và phân phối lại, tân trang và sản xuất lại, tái chế và thu hồi vật liệu, sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm, sử dụng nguyên liệu hữu cơ.

Đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả. Năm 2030, các dự án KTTH trở thành một phần động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu dựa trên năng lượng tái tạo...

Khi tiếp cận mô hình KTTH, những yếu tố nội tại doanh nghiệp tác động đến quá trình chuyển đổi là kết quả hoạt động của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, công nghệ, sản phẩm đầu ra, đặc trưng ngành, lĩnh vực kinh doanh… Những yếu tố tác động đến từ bên ngoài như: cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thông, khan hiếm nguồn tài nguyên đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm năng khách hàng, giáo dục thay đổi hành vi, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước, những quy định của Nhà nước liên quan như phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, nhận thức của các nhà hoạch định chính sách.

KTTH - điều kiện tất yếu cho phát triển

Nói về thuận lợi của doanh nghiệp Việt, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung về KTTH đã được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cùng với đó, có nhiều công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quản lý chất thải rắn…

Đặc biệt, một trong những thay đổi là cơ chế EPR đã chuyển từ tự nguyện tại các Luật năm 2005 và 2014 thành cơ chế bắt buộc. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định tại Điều 54 về trách nhiệm tái chế chất thải và Điều 55 về trách nhiệm xử lý chất thải. Luật cũng quy định việc xử lý chất thải phải tuân theo quy trình theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn. Nếu không tuân thủ đúng quy định, một mặt doanh nghiệp phải chịu những hình thức xử phạt theo pháp luật, mặt khác, doanh nghiệp cũng tự mình hạ thấp khả năng cạnh tranh trên thị trường sản phẩm xanh, giảm phát thải.

Hiện nay, KTTH đã trở thành xu thế chung toàn cầu và được nhiều quốc gia lựa chọn. Như vậy, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm, thiết kế, chuyển giao công nghệ… trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thực hiện.

Khi áp dụng mô hình KTTH, doanh nghiệp vừa được hưởng các cơ chế hỗ trợ theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan khác, vừa tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về những vi phạm liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng, các vấn đề chuyển đổi lao động, việc làm cũng được giải quyết. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay, doanh nghiệp cũng có sự hỗ trợ đắc lực từ chuyển đổi số và công nghệ.

Một trong những động lực quan trọng nữa là các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ coi việc xây dựng nền KTTH là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu này. Hiện nay, các bộ, ngành đã giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển KTTH. Một số tổ chức chuyên sâu về nghiên cứu và tư vấn triển khai mô hình KKTH ở các cấp vĩ mô, cấp trung gian và vi mô (doanh nghiệp) cũng đã được thành lập. Cùng với hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện, Việt Nam đang ngày càng nâng cao vai trò của KTTH với công cuộc phát triển xanh của đất nước.

Ý kiến chuyên gia


Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: 

Cần xây dựng các chuỗi liên kết, mạng sản xuất để kiếm tìm cơ hội
Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi các doanh nghiệp đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ khâu đầu vào nguyên liệu, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải… Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn cho sự chuyển đổi mô hình của doanh nghiệp, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nguồn lực này chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi chờ những hướng dẫn cụ thể, phía doanh nghiệp cần chủ động tận dụng các cơ hội mới để đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế của doanh nghiệp và những khó khăn cần khắc phục.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Một trong những vấn đề quan trọng là cần xây dựng có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến nước ngoài để tăng cường sự kết nối doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chú trọng phát triển thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH gồm thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tư vấn chuyên gia trong việc chuyển đổi sang mô hình KTTH, từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ… tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp. Chú trọng truyền thông chuyển đổi sang mô hình KTTH của doanh nghiệp để xã hội hiểu và ủng hộ doanh nghiệp, tạo nên hình ảnh mới của doanh nghiệp từ nâu sang xanh dựa trên lợi ích tổng thể mang lại kinh tế, xã hội và môi trường của doanh nghiệp từ mô hình KTTH.

Ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng Ban Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD):

Tập trung hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi

Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Do đó, cần tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất.

Ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng Ban Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)

Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về KTTH, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, doanh nghiệp.

Từ phía Chính phủ, cần có cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn lực cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn việc chuyển đổi mô hình KTTH với cắt giảm phát thải carbon. Tập trung vào các hỗ trợ quan trọng như vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển và kết nối thị trường. Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện KTTH nói chung và triển khai kinh doanh theo hướng tuần hoàn nói riêng. Điều này sẽ tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn.

PGS. TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam:

Đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực phù hợp

Phát triển KTTH trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi phải hình thành nền kinh tế tri thức và năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) cao. Tuy nhiên, hoạt động R&D trong các doanh nghiệp ở Việt Nam còn ít, sự gắn kết giữa các tổ chức R&D với các trường đại học và các doanh nghiệp lỏng lẻo. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

thumbnail_pgs.ts-phung-chi-sy.jpg

PGS. TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn. Việc ứng dụng các công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như ứng dụng công nghệ số còn rất ít. Quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của doanh nghiệp chưa chuyển biến để đáp ứng việc đầu tư công nghệ cao cho quá trình phục vụ KTTH.

Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi bổ sung kiến thức và con người, do vậy, doanh nghiệp sẽ gặp những trở ngại nhất định, buộc phải đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới phù hợp.
Ngoài ra, thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ để vận hành đồng bộ với xu hướng của thế giới. Một trong những nguyên nhân là chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa và chất thải để làm căn cứ áp dụng các biện pháp của KTTH, xem chất thải là tài nguyên dẫn đến chưa hình thành được thị trường chất thải và nguyên liệu từ chất thải, ví dụ như thị trường vật liệu và sản phẩm có thể tái chế, xúc tiến năng lượng tái tạo,…

Hoàng Ngân (Tổng hợp)

Trung Nguyên