Huyện miền núi ở Thái Nguyên giàu lên nhờ rừng xanh

Xã hội - Ngày đăng : 09:06, 28/09/2019

(TN&MT) - Tận dụng lợi thế là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất của huyện Phú Lương (gần 2.500 ha đất lâm nghiệp), những năm qua, Đảng bộ xã Yên Lạc (Phú Lương) đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo các xóm tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Xác định được tầm quan trọng của kinh tế rừng thời gian qua, Đảng bộ xã Yên Lạc đã đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Cụ thể hóa các Nghị quyết này, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con; hướng dẫn các hộ dân đưa các loại cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Hàng năm, xã đều kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng và các tổ quản lý bảo vệ rừng tại các xóm, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô ở địa phương. Nhờ đó, những năm gần đây người dân trong xã tham gia trồng mới và trồng lại hàng trăm ha rừng (trung bình mỗi năm, xã trồng mới lại từ 50-70ha rừng), đảm bảo ổn định độ che phủ rừng ở địa phương đến nay đạt gần 60%.

a3-dtmn.jpg
Hai cơ sở sản xuất gỗ băm của gia đình chị La Thị Vàng, xóm Mương Gằng xã Yên Lạc

Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động của xã. Đồng chí Trần Thanh Toàn, Phó Ban lâm nghiệp xã thông tin: Hiện tại, xã có 8 cơ sở thu mua, chế biến lâm sản, chủ yếu là xẻ và băm… bảo đảm đầu ra cho sản lượng gỗ khai thác từ diện tích rừng được thu hoạch của nhân dân trong vùng. Các cơ sở này đã và đang tạo nhiều việc làm cho người dân cũng như đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương.

Kiểm lâm Thái Nguyên diễn tập chữa cháy rừng

Có thể nói hơn 3 năm qua, kinh tế rừng đã làm thay đổi bộ mặt đời sống nhân dân và vùng nông thôn xã Yên Lạc. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 30 triệu người/năm (tăng 20 triệu so với năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42% (năm 2015) xuống dưới 9,5% (năm 2018). Đồng chí Nguyễn Chí Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lạc cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Yên Lạc sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu đạt xã nông thôn mới trong năm nay.

Minh Anh