Bắc Kạn đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung góp phần xóa đói, giảm nghèo

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 22:50, 07/02/2023

(TN&MT) - Thời gian qua, thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ các chương trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các hộ dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường.

Nhiều tiến bộ rõ rệt về cấp nước sinh hoạt nông thôn

Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới với 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng mới được 32 công trình với số hộ hưởng lợi 12.220 hộ, tương đương khoảng 50.000 người sử dụng. Hiện 27 công trình đã hoàn thành cơ bản và đi vào hoạt động hiệu quả. Cơ bản các công trình sau đầu tư đã thành lập được tổ quản lý, hộ gia đình được cấp đồng hồ đo lưu lượng nước, có đóng tiền sử dụng nước hằng tháng nên Tổ quản lý có kinh phí duy trì hoạt động, từ đó giúp công trình hoạt động bền vững hơn.

Cùng với đầu tư xây dựng mới, hằng năm, trên cơ sở đánh giá hiện trạng các công trình, đối với những công trình còn tận dụng được, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đều xây dựng kế hoạch sửa chữa. Đối với các công trình hư hỏng, không sử dụng, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, báo cáo đối với các công trình cần xử lý để trình đơn vị chuyên môn hướng dẫn thanh lý theo quy định.

ns-tp-bk-anh-1-1663899688009663519705.jpg
Hệ thống công nghệ xử lý nước bể lọc không van tự rửa tại Nhà máy cấp nước thành phố Bắc Kạn là công nghệ xử lý nước tiên tiến, vận hành đơn giản, tiết kiệm được chi phí sản xuất

Nhờ được đầu tư, đến nay, Bắc Kạn đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về cấp nước sinh hoạt nông thôn. Điều này được thể hiện qua những con số cụ thể như: Hiện toàn tỉnh có 661 công trình nước sinh hoạt tập trung với 25.699 hộ hưởng lợi; 98,36% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 42,5% hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam; 95,67% hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin công trình cấp nước tập trung nông thôn và Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh hằng năm.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, vận hành và khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh; phân cấp trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn làm cơ sở pháp lý cho các sở, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

06e025c945023e3890ef880b519a4085a.jpg
Nước sạch đến với bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn

Tuy nhiên, phần lớn các công trình không thu tiền nước; một số công trình thu tiền nước nhưng giá thấp, các khoản thu này được sử dụng cho chi phí tiền điện, sửa chữa thường xuyên thiết bị, trợ cấp cho Tổ quản lý... nhưng thu không đủ chi; nhiều công trình hư hỏng không có nguồn kinh phí để sửa chữa. Đa số công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao, vì vậy vẫn để xảy ra tình trạng phá hoại cơ sở vật chất. Một số công trình hiệu quả sử dụng hạn chế, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước so với thiết kế trước khi xây dựng đạt thấp...

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình nước sạch, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tham gia quản lý, sử dụng, bảo quản các công trình nước sinh hoạt tập trung. Tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, các công trình còn đảm bảo nguồn nước, có thể khắc phục, sửa chữa được thì duy tu, sửa chữa phục vụ Nhân dân, giảm tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn thành lập Tổ quản lý công trình; nâng cao năng lực cho Tổ quản lý, vận hành công trình; lập phương án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình. Chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng, khoanh nuôi rừng. Tuyên truyền Nhân dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được sử dụng để bảo vệ nguồn nước và chất lượng nguồn nước.

Tiếp tục đầu tư xây dựng 24 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2023 - 2025.

Theo đó, sẽ có 24 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã: Côn Minh, Lương Thượng, Cường Lợi, Trần Phú, Kim Lư, thị trấn Yến Lạc (Na Rì); Bành Trạch, Khang Ninh, Địa Linh (Ba Bể); Thượng Quan (Ngân Sơn); Mai Lạp, Thanh Thịnh (Chợ Mới); Xuân Lạc, Đại Sảo, Phương Viên, Quảng Bạch, Yên Thượng, Bình Trung, Bằng Lãng, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn).

dsc_0143_20220329101528.jpg
Nhà máy xử lý nước sạch bàn giao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân xã Bộc Bố và các xã lân cận thuộc huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn

Tổng mức đầu tư của Dự án là trên 59 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Việc đầu tư xây dựng các công trình này nhằm cung cấp nước sinh hoạt tập trung cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo và gia đình chịu thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ, sinh sống ở vùng khó khăn chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh qua đó giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao mức sống, thúc đẩy sự phát triển về chính trị, kinh tế - xã hội của khu vực, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Thủy Nguyễn