Nậm Pồ (Điện Biên): Khó khăn trong việc cấp GCNQSDĐ cá nhân, hộ gia đình

Đất đai - Ngày đăng : 16:22, 07/02/2023

(TN&aMT) - Những năm trở lại đây, nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của đồng bào các DTTS ở huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có khởi sắc. Tuy nhiên, công tác này đang gặp không ít những khó khăn.

Hiện nay, huyện Nậm Pồ nằm trong tình trạng chung của cả tỉnh Điện Biên, chưa có bản đồ địa chính, chính quy, nên công tác cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết người dân đều phải bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn từ ngoài tỉnh vào. Trong khi cự li di chuyển từ ngoài tỉnh Điện Biên (tức Trung tâm TP. Điện Biên Phủ) vào đến huyện Nậm Pồ gần 200km. Chính vì vậy mà việc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cấp GCNQSDĐ của người dân ở huyện Nậm Pồ còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức chậm, dân trí thấp, với một loại hình dịch vụ đặc thù… không giống như các dịch vụ khác để người dân dễ dàng nhận diện. Và cũng không dễ tìm kiếm thông tin, đơn vị để mà thuê.

np-1.jpg
Một góc ảnh chụp huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện nay, Trung tâm chúng tôi không đủ điều để đo đạc, trích đo cho người dân vì chưa được cấp phép. Bà con muốn đo đạc hoặc trích đo thì phải thuê đơn vị tư vấn từ ngoài tỉnh vào. Theo quy định thì Trung tâm phải có ít nhất là 02 kỹ thuật trình độ đại học trở lên, đào tạo chuyên ngành mỏ địa chất hoặc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung về hoạt động đo đạc và bản đồ… Cùng với đó là phương tiền, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định trong định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện…

Trong khi đó, huyện Nậm Pồ cũng như nhiều huyện, thị khác của tỉnh Điện Biên đều chưa có bản đồ địa chính, chính quy. 15/15 xã của huyện Nậm Pồ chưa có đo đạc bản đồ, chưa có hồ sơ địa chính. Nên việc thực hiện trích lục không thực hiện được mà phải tiến hành trích đo … Trong khi đó nhận thức của người dân còn hạn chế, bất đồng ngôn ngữ. Cán bộ địa chính xã của Nậm Pồ trình độ chuyên môn còn hạn chế trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục cấp giấy còn lúng túng… Cùng với đó là phí dịch vụ tương đối cao (so với mức thu nhập của người dân), tất nhiên là theo từng loại đất, song có thể tạm tính, mỗi một lần trích đo diện tích dưới 100m2 đất ở nông thôn thì người dân phải mất phí khoảng 964.000đ. – Ông Lanh nói.

np-2.jpg

Góc ảnh chụp Trung tâm quản lý đất đai huyện Nậm Pồ

Được biết, năm 2022, toàn huyện Nậm Pồ cấp được khoảng 81 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa và chuyển đổi. Cả huyện Nậm Pồ mới thực hiện cấp sổ cho khoảng 3.000 GCNQSDĐ, chủ yếu đất lâm nghiệp theo chỉ tiêu của tỉnh Điện Biên và cấp theo dự án nhà ở các khu tái định cư của huyện. Trong khi đó, toàn huyện có khoảng 11.513 hộ, 6.000 nhân khẩu. Nhu cầu tách hộ bình quân mỗi năm khoảng 200 hộ.

Ông Lanh cho biết thêm: Nhu cầu tách hộ của người dân luôn tỷ lệ thuận với nhu cầu cấp đất ở, tương đương với đó là số GCNQSDĐ được cấp cho dân cũng phải ngần đó. Tuy nhiên thực tế thì không làm được do nhiều yếu tố… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát các loại thuế, phí… từ đất đai.

np3.jpg

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Nậm Pồ, thẩm định xác định vị trí thửa đất phục vụ công tác cấp Giấy CNQSDĐ trên địa bàn huyện.

Còn đối với bài toán 15 xã của Nậm Pồ hoàn thiện hồ sơ địa chính, có bản đồ địa chính, chính quy là việc làm không phải trong ngày một ngày hai mà phải trong cả một lộ trình dài hơi và cần có sự quyết tâm lớn của huyện, sự hậu thuẫn từ tỉnh. Để mỗi xã của Nậm Pồ có được bản đồ địa chính, chính quy địa phương phải chi ra khoảng hơn 10 tỷ đồng, 15 xã tương đương với đó là 150 tỷ đồng. Một con số quá lớn đối với một huyện nghèo như Nậm Pồ. Trong khi thu ngân sách của cả huyện còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc cấp GCNQSDĐ cho người dân ở huyện Nậm Pồ hiện đang gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn.

Trần Hương