Lạng Sơn: "Dồn" lực hướng đến mục tiêu thành phố xanh
Môi trường - Ngày đăng : 15:57, 07/02/2023
Được khởi công từ tháng 2/2022, Dự án Công viên bờ sông Kỳ Cùng đoạn từ cầu Đông Kinh đến khách sạn Đông Kinh là một trong những công trình chỉnh trang đô thị trọng điểm của thành phố với tổng vốn đầu tư 214 tỷ đồng. Dự án hoàn thiện góp phần tạo không gian xanh hai bên bờ sông Kỳ Cùng, xây dựng không gian sinh hoạt công cộng đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn, thể dục thể thao của người dân.
Năm 2022, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo đột phá. Đến hết năm 2022, kinh tế phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng một số ngành kinh tế chủ yếu đạt 12,2%. 19/22 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng đạt và vượt mục tiêu. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 73,5% so với kế hoạch đề ra.
Cùng với Dự án này, hàng loạt các dự án như: Cải tạo khuôn viên, chỉnh trang hồ Phai Loạn; kè bờ trái sông Kỳ Cùng, đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh; kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng giai đoạn III, phường Chi Lăng; công trình chỉnh trang hệ thống đèn chiếu sáng đường Lý Thường Kiệt… đã và đang được triển khai với quyết tâm cao nhất.
Theo lãnh đạo thành phố Lạng Sơn, triển khai thực hiện Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 5/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về Xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về: Quản lý trật tự đô thị, chỉnh trang đô thị và giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cấp, xây dựng hạ tầng đô thị; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050…
Trên cơ sở đó, năm 2022, thành phố đã thực hiện 55 dự án, chủ yếu là các công trình cải tạo vỉa hè, xây dựng hạ tầng khu dân cư, đường giao thông, công viên, chỉnh trang và nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị. Kêu gọi thu hút một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư như Khu đô thị Phú Lộc I+II, Phú Lộc III, IV; Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I và Nam Hoàng Đồng I mở rộng…
Đặc biệt, thành phố đã xây dựng 67 tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị, được người dân đồng lòng ủng hộ, chủ động góp sức, góp của để tổ chức lắp thêm đèn chiếu sáng, vẽ tranh tường dọc các tuyến phố, duy trì thực hiện giữ vệ sinh chung các tuyến đường.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2025. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện báo cáo phương án mở rộng thành phố Lạng Sơn theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Cao Lộc vào thành phố.
Song song nhiệm vụ phát triển đô thị, thành phố đã quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, nhất là tại các tuyến phố chính, khu vực trung tâm. Nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải, đảm bảo các tuyến đường phố luôn xanh - sạch - đẹp.
Tăng cường quản lý, chăm sóc cây xanh; cải tạo, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh tại các trụ đảo giao thông, dải phân cách, vỉa hè trên một số tuyến đường. Thực hiện chuyển đổi hệ thống điện chiếu sáng công cộng theo hướng tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt đô thị toàn thành phố. Đời sống vật chất, tinh thần, nếp sống văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Năm 2023, tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn thành đô thị xanh, sạch, thông minh, hiện đại, UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo, tập trung chỉnh trang hạ tầng đô thị một số phường trọng điểm để tạo điểm nhấn trên toàn thành phố. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại của công dân; tạo mặt bằng sạch giao các nhà đầu tư. Tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng vỉa hè, đường giao thông nông thôn…
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư một số khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị ven sông Kỳ Cùng; công viên, trung tâm hội chợ, các điểm vui chơi giải trí… Điều chỉnh địa giới hành chính để tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Qua đó, đưa Lạng Sơn thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn.