Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé: Nơi “dưỡng - sinh” của động vật hoang dã

Môi trường - Ngày đăng : 15:55, 07/02/2023

(TN&MT) - Sau rất nhiều năm trăn trở… đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã có được danh sách các loài động vật hoang dã, có mặt và sinh sống ở nơi đây. Đó là một trong những cơ sở đầu tiên để Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé bảo vệ sự sống, sự phát triển của một số loài động vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam.

“Ngôi nhà” an toàn của động vật hoang dã

Mường Nhé! Xa xôi và diệu vợi. Ai muốn lên Mường Nhé thì phải trải qua hành trình dài hơn 200km từ TP. Điện Biên Phủ để có mặt tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Bây giờ đang vào mùa khô hanh, mùa gió Lào, mùa đồng bào đốt nương nên rất dễ xảy ra nạn cháy rừng. Chính vì vậy, đối với những người “gác rừng” thì đây là mùa cao điểm vất vả nhất trong năm. Và đây cũng chính là mùa nhiều thú hoang bị dính bẫy… đặc biệt là những khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

11-2-.jpg

Một cá thể khỉ được cán bộ Hạt kiểm lâm Mường Nhé thả về rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là một trong những “ngôi nhà” an toàn, đảm bảo cho sự phát triển, tính bảo tồn của hệ sinh thái rừng nói chung và đa dạng về loài thực vật bậc cao có mạch, cùng các loài động vật có xương sống nói riêng, là “nơi dưỡng, nơi sinh” của động vật hoang dã ở cực Tây Tổ quốc. Trong đó, có sự sống, sự xuất hiện của một số loài động vật hoang dã có giá trị bảo tồn cao thuộc Sách Đỏ Việt Nam. Theo kết quả điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có 458 loài động vật hoang dã. Trong đó, có 97 loài có giá trị bảo tồn cao thuộc Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam.

Ông Diệp Văn Chính - Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: “Rất nhiều năm rồi chúng tôi mới có được kết quả điều tra về đa dạng sinh học ở trong tay. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên để chúng tôi đề ra giải pháp bảo vệ động vật hoang dã trước sự xâm hại của con người cũng như môi trường sống của loài ở tại nơi đây”.

Theo ông Chính, năm 2022, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt kết quả nhiệm vụ điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Trên cơ sở đó, Khu Bảo tồn đã xây dựng hệ thống quản lý thông tin về thực trạng đa dạng sinh học theo kết quả điều tra để phân tích, xây dựng kế hoạch giám sát đa dạng sinh học có định hướng, thường xuyên, tập trung vào các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị tại Khu bảo tồn… Cùng với đó tổ chức các đợt điều tra đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc trưng, các loài quý hiếm, các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để có phương án quản lý, bảo vệ và bảo tồn cho phù hợp. Ngoài giải pháp về giám sát, điều tra BQL Khu Bảo tồn đã đưa ra giải pháp về quy hoạch, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt là phương án quản lý rừng bền vững. Nghiên cứu, quy hoạch bãi chăn thả gia súc và vùng sản xuất, nương rẫy của đồng bào DTTS ra ngoài khu vực rừng đặc dụng. Bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng tài nguyên rừng tự nhiên trong khu rừng đặc dụng. Đồng thời tổ chức bảo vệ nguyên trạng sinh cảnh ở 4 khu vực cư trú quan trọng của động vật hoang dã.

Giữ được rừng là có tất cả

Nhận định của Giám đốc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Diệp Văn Chính làm chúng tôi chợt nhớ đến những ngọn đồi trọc lốc đỏ au rất dễ nhận ra ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, trong đó có cả tỉnh Điện Biên. Hệ lụy của việc mất rừng tác động trực tiếp đến đời sống của đồng bào DTTS do thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất cho nông nghiệp và một loạt các yếu tố khác đi kèm. Trong đó, có cả việc mất đi hệ sinh thái, các loài động vật hoang dã cũng không còn nơi để trú ngụ. Thế nhưng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé - nơi duy nhất của tỉnh Điện Biên có diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn vẫn được bảo vệ tương đối tốt.

11-1-.jpg

Rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được bảo vệ tốt. Một góc ảnh chụp xã Chung Chải, xã là nơi vùng đệm của Khu bảo tồn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích 36.392,28ha, gồm 2 kiểu rừng chính: rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh (36.199,06ha) và rừng hỗn giao gỗ, tre nứa (193,22ha). Đây là nơi lí tưởng để các loài động vật hoang dã trú ngụ, sinh sống. Cụ thể: Thú có 97 loài, thuộc 24 họ và 9 bộ; chim có 260 loài thuộc 59 họ và 17 bộ; bò sát 65 loài bò sát thuộc 18 họ, 2 bộ và 54 loài ếch nhái thuộc 7 họ, 2 bộ. Đặc biệt, đợt điều tra đầu năm 2022, đơn vị đã xác nhận thêm 14 loài động vật có mặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, gồm 1 loài thú (cầy gấm), 13 loài chim (cò nhạn, cò ruồi, cắt lớn, rẽ giun thường, yểng quạ, phường chèo đỏ đuôi dài, chích hai vạch, khướu đầu hung, khướu ngực đốm, khướu mặt đỏ, kim oanh tai bạc, đớp ruồi cằm đen và đớp ruồi trán đen.

Nhiều năm trước đây, hiện tượng di cư tự do của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông đã khiến cho Khu Bảo tồn nhiều lần bị đe dọa, một số diện tích rừng khu vùng đệm của Khu Bảo tồn bị xâm hại. Đến nay, việc địa phương kiểm soát tốt hiện tượng di cư đã hạn chế được tình trạng cháy rừng, mất rừng, các loài động vật hoang dã vì thế cũng   được bảo vệ tốt hơn.

Để đánh giá lại những vụ vi phạm về vận chuyển động vật rừng ở tại Mường Nhé, ông Nguyễn Đình Cương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé, cho biết: Năm 2022, đơn vị đã xử lý 4 vụ vận chuyển động vật hoang dã, xử phạt số tiền 21 triệu đồng. Thu tang vật 1 cá thể nhím còn sống, 13 cá thể don còn sống và 20kg sản phẩm động vật là hoẵng.

Ông Cương, cho biết thêm: Đối với các cá thể là động vật hoang dã còn sống chúng tôi đã phối hợp với BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thả vào rừng đặc dụng theo quy định.

Cũng theo nhận định của Ban lãnh đạo BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, một trong những nguyên nhân dẫn đến một số loài động vật hoang dã có nguy cơ bị biến mất khỏi rừng Mường Nhé do sự săn bắt, đặt bẫy của một số hộ dân sống quanh vùng đệm của Khu Bảo tồn. Còn một nguyên nhân sâu xa nữa do bị mất rừng, cháy rừng, nạn chặt phá rừng của người dân. Tuy nhiên, yếu tố này ít xảy ra vì rừng tại Khu Bảo tồn được bảo vệ khá nghiêm ngặt, cùng với đó là công tác tuần tra bảo vệ rừng của các hộ dân, nhóm cộng đồng thôn bản ngày càng được nâng cao, nhiều giải pháp đồng bộ. Việc phòng chống cháy rừng cũng diễn ra thường xuyên… các thảm thực vật, trảng cỏ được phát dọn tránh tình trạng lửa leo cháy rừng, nhất là những tháng cao điểm của mùa khô hanh sau Tết Nguyên đán.

“Biết trước được các nguyên nhân, nguy cơ rừng bị xâm hại, động vật hoang dã bị mất an toàn, từ đó, có thể ngăn ngừa được những tác hại xấu, nguy cơ rủi ro làm mất rừng để sớm có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ đa dạng sinh học ở nơi đây. Trong đó có một số loài động vật hoang dã nhằm bảo tồn loài quý hiếm.” - ông Chính nói.

Trần Hương