Quỹ đầu tư “ảo” mạo danh Petrovietnam
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 18:49, 06/02/2023
Thời gian qua, lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tâm lý đầu tư với vốn nhỏ nhưng thu lời cao, các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tinh vi đã dùng nhiều chiêu trò tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân đầu tư “khủng” vào “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” để được “hưởng” hoa hồng cao mỗi ngày.
Cạm bẫy lừa đảo tinh vi
Chị L.N. (sn 1988, Ninh Bình) cho biết, vào giữa năm 2022, chị quen một người đàn ông có tài khoản facebook tên Hồ Quốc Lĩnh qua mạng và được giới thiệu về “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam”. Vì tò mò cũng vì tin tưởng về uy tín của tập đoàn lớn, chị N. thử góp vào. Ban đầu thấy có lãi tăng hàng ngày, chị N. khá yên tâm. Sau đó Lĩnh đề nghị chị tăng vốn lên gói 20 triệu để có lãi nhiều hơn. Chị N. trả lời rằng không có tiền, Lĩnh động viên và hứa sẽ góp “phụ” 10 triệu đồng nhưng chị không đóng thêm vào nữa và làm thủ tục rút tiền gốc về.
Khoảng vài tháng sau, một tài khoản facebook tên Anh Linh tiếp cận làm quen chị N. Người này giới thiệu là một phó phòng thiết kế của Tập đoàn Dầu khí, đang công tác tại Vũng Tàu. Trong hai tháng đầu làm quen, hai người chỉ nói chuyện như bạn bè, chia sẻ về công việc và cuộc sống hàng ngày. chị N. tuyệt nhiên không nghe đối phương đề cập gì đến quỹ đầu tư hay đòi hỏi bất cứ điều gì.
Trước Tết Nguyên đán, người đàn ông này bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về công việc của mình, theo như người này nói, vì được là nhân viên xuất sắc nên được Tập đoàn “thưởng” một suất đầu tư trong quỹ dự án và muốn dành “phần thưởng” này cho chị N. Do đã từng biết qua về quỹ này từ trước qua facebook tên Hồ Quốc Lĩnh và cũng đã rút được tiền về, chị N. nhanh chóng tin là thật. Chị N. được đối phương tạo cho một tài khoản mới, qua đó, chị chuyển khoản vào 2 triệu đồng. Sau đó, người này bắt đầu hối thúc chị tăng vốn lên gói 20 triệu. Thấy chị N. nói không có tiền, người đàn ông lại ngọt nhạt động viên, nói rằng “em có bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, số còn lại anh sẽ giúp”. Tin tưởng đối phương, chị N. chuyển khoản thêm 7 triệu đồng. Sau đó số tiền 13 triệu còn lại người đàn ông này cũng đóng thêm vào tài khoản của chị N. đúng như lời hứa. Số tiền trong tài khoản đầu tư mỗi ngày một tăng thêm khiến chị N. rất yên tâm.
Mọi chuyện tưởng chừng như tốt đẹp cho đến khi chị N. thử rút tiền nhưng không thể rút ra được nữa. Facebook Anh Linh nói rằng muốn rút tiền, phải nâng gói đầu tư, từ 20 triệu lên 50 triệu. Người này tiếp tục hứa hẹn sẽ phụ chị một phần, phần còn lại chị phải tự xoay xở, khi đủ số tiền 50 triệu, mới rút được phần vốn đã bỏ ra. Anh ta còn thúc ép chị đi vay mượn bạn bè, người thân, đồng nghiệp, thậm chí chỉ chị cách đi vay nóng. Đến khi chắc chắn không thể lừa thêm được nữa, gã lập tức chặn liên lạc với chị N. trên mọi nền tảng mạng xã hội, các số điện thoại thì không liên lạc được hoặc nhầm số.
Câu chuyện của chị N. vẫn chưa dừng lại. Khi chị đăng tin kêu cứu trên các fanpage liên quan đến ngành dầu khí thì một tài khoản facebook có tên Nguyễn Hoàng giới thiệu làm việc tại Tập đoàn Dầu khí tiếp cận chị. Hoàng khẳng định quỹ đầu tư kia là thật và phải nâng gói đầu tư thì mới rút được tiền. Sau đó Hoàng đề nghị chị N. đưa tài khoản đầu tư, cả tài khoản ngân hàng đã liên kết trên trang web petrovietnam.co để giúp chị lấy lại tiền. Rất may, lần này chị N. tỉnh táo hơn nên không cung cấp thông tin gì. Chị cho biết hiện cũng đã bị tài khoản Nguyễn Hoàng này chặn liên lạc.
Tương tự câu chuyện của chị L.N, chị A.P (sn 1987, ngụ Hải Phòng) biết đến “quỹ đầu tư” này qua một người quen trên mạng. Cuối tháng 12/2022, chị P. quen Vũ Thành Nhân, tự giới thiệu là một phó phòng nhân sự thuộc Tập đoàn Dầu khí. Với hình ảnh vẻ ngoài lịch lãm, điển trai, công việc ổn định đáng mơ ước tại một Tập đoàn lớn trên trang cá nhân, kèm theo đó là những tin nhắn tâm sự, những cuộc gọi hỏi han quan tâm hàng ngày đã giúp Nhân củng cố niềm tin từ chị P.
Sau hơn một tháng quen biết, Nhân bắt đầu nói về các dự án lớn sắp triển khai của Tập đoàn, về “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” - quỹ nội bộ và chỉ những cán bộ cao cấp trong tập đoàn mới được biết và yêu cầu chị không tiết lộ ra ngoài.
Khi đã dụ dỗ chị P. lên vốn đầu tư gói 200 triệu đồng nhưng chỉ phải bỏ ra 20 triệu, Nhân tiếp tục dụ dỗ chị lên gói 500 triệu và chỉ cần “có bao nhiêu góp bấy nhiêu”. Điều này đã khiến chị P. nghi ngờ và thử rút tiền. Tất nhiên, mọi lệnh rút tiền đều bị từ chối và sau đó thì Nhân cũng khóa chị P. trên mọi nền tảng mạng. Lúc này, chị mới vỡ lẽ, hốt hoảng tìm đến các fanpage của ngành Dầu khí để kiểm chứng độ xác thực của cái gọi là “Quỹ đầu tư dự án của Petrovietnam”.
Thực hư “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam”
Qua các câu chuyện trên có thể thấy, các đối tượng đều sử dụng phương thức lừa đảo “chăn nuôi”, ban đầu tiếp cận nạn nhân, tâm sự, chia sẻ các câu chuyện hàng ngày để tạo niềm tin. Sau đó sẽ mạo danh “cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, đồng thời lợi dụng thương hiệu Petrovietnam, hướng nạn nhân đến đường link petrovietnam.co, có tên gọi “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tại giao diện trang web này nổi bật nhất là hình ảnh các dự án của Petrovietnam, được đặt dưới các tiêu đề rất “kêu” như “Quỹ xây dựng đường ống dẫn dầu thô”, “Quỹ xây dựng công nghiệp dầu khí tự nhiên”, “Quỹ xây dựng quản lý phát điện”, “Quỹ xây dựng lọc hóa dầu”, “Quỹ thăm dò dầu khí Biển Đông giai đoạn III”… quy mô mỗi dự án từ 2.500 tỷ lên đến trên 25 triệu tỷ đồng, cùng các con số kêu gọi từ… 2 triệu đồng đến lớn nhất là 5 tỷ đồng một “suất” đầu tư.
Đối với những người dân không biết hoặc chưa có điều kiện tiếp cận thông tin ngành dầu khí, những con số % lợi nhuận của từng “dự án” mới chính là thứ gây sự chú ý nhất, với lãi suất từ 1,32% đến 12,15%/ngày.
Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra ít nhất 2 triệu vào quỹ này sẽ thu lời 26,4 nghìn đồng/ngày, tương đương 800 nghìn đồng tiền lãi sau một tháng. Còn nếu “mạnh tay” bỏ ra 20 triệu đồng, lãi suất này sẽ tăng lên 3,12%, tức 624 nghìn đồng/ngày, tương đương 20,8 triệu đồng/tháng.
Với con số lãi “khủng” như trên, từ đây nhiều nạn nhân sau khi đầu tư đã mất trắng, thậm chí còn chịu gánh nặng nợ nần bởi tin vào cơ hội kiếm tiền “việc nhẹ lương cao”. Mặt khác, uy tín và danh dự thương hiệu Petrovietnam bị mạo danh, xâm phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của doanh nghiệp.
Người dân cần nâng cao nhận thức, phải thật tỉnh táo để nhận biết các cạm bẫy, đặc biệt là các chiêu trò trên mạng đang giăng mắc khắp nơi. Những website được mở ra mà không đi kèm bất cứ ghi chú nào về cơ quan, tổ chức hay cá nhân đại diện, không có địa chỉ giao dịch cụ thể, không được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh thì cần tuyệt đối tỉnh táo xem xét kỹ trước khi xuống tiền đầu tư.