Quảng Nam: Sóng lớn đánh sập kè cứng, dân lo sợ làng bị “xoá sổ”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:56, 06/02/2023
Dẫn chúng tôi tận mắt thấy các vết nứt gãy, nhiều khối bê tông bị bung ra ngổn ngang ở thân kè, ông Phạm Văn Mười, trú thôn Hoà Trung, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ cho biết, từ khi tuyến kè biển được xây dựng, cuộc sống của người nơi đây được bảo đảm ổn định, tuyến kè là bức tường chắn sóng, ngăn triều cường bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, kè biển bị triều cường xâm thực gây sụt lún, đứt gãy, người dân nơi đây luôn sống trong nỗi bất an.
“Nếu không sửa chữa kịp thời, kè biển rất dễ bị cuốn trôi theo dòng nước. Tuyến kè sạt lở chỉ cách đường bê tông 2m, nếu mà sạt lở tiếp tục đà lan rộng chắc chắn sẽ uy hiếp đến đất vườn và đường đi ra biển của ngư dân quanh khu vực này”- ông Mười lo lắng.
Bờ biển xã Tam Thanh có vai trò như một đê biển tự nhiên bảo vệ cho khu vực dân cư rộng lớn bao gồm nhiều công trình trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng của Quảng Nam. Xuất phát từ thực trạng biển xâm thực sâu vào đất liền, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư kè bảo vệ bờ biển. Dự án kè bảo vệ bờ biển Tam Thanh do Ban quản lý đầu tư dự án của TP Tam Kỳ làm chủ đầu tư hoàn thành vào năm 2006 nhằm chống sạt lở, triều cường, bảo vệ đường quốc phòng ven biển, các khu dân cư và du lịch phía đông TP.Tam Kỳ.
Ông Nguyễn Tấn Sơn, trú thôn Hòa Trung cũng cho biết, trước đó vào năm 2017, đoạn bờ kè này cũng đã bị sạt lở và được ngành chức năng khắc phục. Tuy nhiên, một thời gian thì tình trạng sạt lở, sụt lún lại xảy ra, các tâm ô vuông bê tông bung ra sụn lún tạo thành hố sâu nằm ngổn ngang, khiến người dân nơi đây lo lắng.
“Bờ kè này được xây dựng khá kiên cố mà chỉ sau hơn 15 năm đã sụt lún khiến người dân rất lo lắng. Vì vậy, bà con rất mong các cấp chính quyền sớm khắc phục tình trạng trên để ngăn sạt lở bờ biển không ăn sâu vào trong đất liền.”- ông Sơn kiến nghị.
Theo ghi nhận, bờ kè biển Tam Thanh, đoạn qua thôn Hoà Trung đã bị sóng đánh sạt lở, sụt lún nghiêm trọng với chiều dài hơn 200m, nhiều khối bê tông bị bung ra nằm ngổn ngang và tạo nên những hốc sâu hoặc tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm. Ngoài ra, một số đoạn dọc bờ biển Tam Thanh cũng bị sóng biển đánh tạo thành bờ vực cao từ 1- 2m, ăn sâu vào trong bờ từ 4 - 7m.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, đây là công trình bảo vệ bờ trực diện với biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, nước dâng trong bão, những năm gần đây với sự biến đổi khí hậu, hình thái thời tiết cực đoan, bất thường, gây hư hỏng, sạt lở, xói sâu vào thân kè tại nhiều vị trí, gây mất ổn định tuyến kè. Hiện địa phương đang cho trồng cây thông dọc những đoạn bờ biển Tam Thanh để ngăn ngừa tình trạng sạt lở. Ngoài ra, thành phố cũng đang làm đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ triển khai dự án xây dựng kè cứng và kè mềm.
“Với tình trạng hiện nay, tuyến kè bờ biển Tam Thanh đã không bảo đảm nhiệm vụ chống bão theo tần suất thiết kế. Chúng tôi sẽ giao cơ quan chức năng của thành phố và các chuyên gia khảo sát, đánh giá lại mới có biện pháp khắc phục. Công trình tuyến kè cứng này dài khoảng 5,5 km, và xây dựng đã lâu nên một số đoạn bờ kè đã xuống cấp như hiện nay”, ông Bùi Ngọc Ảnh cho biết.