Thanh Hóa: Cần kiểm tra lại chất lượng công trình hồ Khe Than
Tiếng dân - Ngày đăng : 16:01, 02/02/2023
Theo tìm hiểu của Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, ngày 9/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3898/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn một số hồ đập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó có hồ Khe Than, thuộc xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống với diện tích lưu vực là 1,1 km2, đảm bảo diện tích tưới cho 37 ha đất nông nghiệp tại xã Tượng Sơn và khu vực lân cận.
Đến ngày 30/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 4469/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình, thì đập Khe Than được thiết kế bởi thân đập dựa trên cơ sở của tuyến đập hiện tại dài 967 m, chiều rộng 5 m; mái thượng lưu; mái hạ lưu; tràn xả lũ; cống lấy nước; kênh tưới…
Trên cơ sở đó, ngày 9/12/2019, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã hanh hành Quyết định 418/QĐ-BQLDANN về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03 (trong đó có hồ Khe Than): Thi công xây dựng công trình và cung cấp lắp đặt thiết bị công trình (bao gồm cả chi phí hạng mục chung) Dự án nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn một số hồ đập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và tự động hóa Đức Anh- Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Hùng Cường- Công ty Cổ phần xây dựng Hoàng Huy Thắng và Công ty TNHH Hùng Dũng. Giá trúng thầu là 42.482.534.000 đồng (hồ Khe Than được phê duyệt 8 tỷ đồng). Loại hợp đồng: Hợp đồng theo đơn giá cố định. Thời gian thực hiện hợp đồng thi công là 12 tháng + 12 tháng bảo hành.
Ngay sau khi được phê duyệt kết quả lựa chọn, Liên danh nhà thầu đã thi công và đến nay đã bàn giao công trình và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân khi công trình hồ Khe Than hoàn thành và đưa vào sử dụng thì xảy ra tình trạng nước thấm ra thân đập, gây mất an toàn hồ đập, nhất là những khi trời mưa bão, lũ lụt.
Có mặt tại hồ Khe Than vào thời điểm cận với mùa khô, mực nước trong hồ lúc này bình thường, hệ thống mặt đê; mái thượng lưu; mái hạ lưu; tràn xả lũ…đã được hoàn thiện theo như thiết kế. Dọc theo mái đê hạ lưu đang xảy ra tình trạng nước thấm ra ngoài cùng với tiếng nước chảy róc rách, khi lật tấm đan lên(từ chỗ nghe tiếng nước chảy), chúng tôi phát hiện thấy đường ống Pi 90 được nối từ chân đê ra đang chảy ra kênh tưới rất mạnh.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân đang chặt cây ở rừng đồi cho biết: Sau khi hồ Khe Than được xây dựng xong thì bất ngờ bị dò rỉ, thẩm thấu ra ngoài, những hôm đầu nước còn chảy lênh láng ra ngoài, nhưng thấy họ thu lại thành một đường ống cho chảy vào mương dẫn nước tưới thôn 9, ngay chỗ anh đứng không xa là đường ống đấy (một người dân cho biết). Nhưng không hiểu tại sao đến nay họ vẫn không xử lý dứt điểm mà cứ để chảy như thế này thì trời mưa to dài ngày, nước hồ dâng cao thì nguy hiểm lắm.
Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường. ông Lê Đại Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa thừa nhận hiện tại công trình hồ Khe Than đang thẩm thấu nước là đúng. Trong quá trình kiểm tra lưu lượng thấm mực nước hồ ở cao trình 19.85 thì lượng nước thấm bảo đảm cho phép. Tuy nhiên, sau đợt mưa ngày 26/5/2021 mực nước hồ dâng lên cao trình 20.1 thì lưu lượng thấm nhiều hơn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có Công văn đề nghị Đoàn Quy hoạch và thiết kế thủy lợi Thanh Hóa kiểm tra, tạm thời đặt 3 ống thu gom nước để dẫn về kênh dẫn nước tưới, đến nay chỉ còn 1 ống, chúng tôi cũng đưa ra giải pháp sử dụng khoan máy, khoan tại 3 vị trí tim đập và tiến hành đổ nước thí nghiệm để xác định hệ số thấm thực tế tại hiện trường cho từng lớp đất, nhưng từ tháng 6/2022 đến nay mực nước trong hồ chưa giảm nên không thể thực hiện được, ông Minh cho biết thêm.