Xuân về bên dòng Đà giang

Xã hội - Ngày đăng : 14:33, 02/02/2023

(TN&MT) - Nằm bên tả ngạn sông Đà, Quỳnh Nhai - vùng đất sơn thủy hữu tình được bao bọc bởi lòng hồ sông Đà, những dãy núi cao hùng vĩ, những cụm rừng xanh ngút ngàn, nơi quy tụ của đông đảo đồng bào Thái, Mông, La Ha, Kháng….

17 năm sau cuộc đại di dân lịch sử, đời sống của bà con nơi đây đang từng ngày khởi sắc.

Xanh hóa đất bạc màu

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc về việc xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, Quỳnh Nhai là 1 trong 3 huyện của tỉnh Sơn La thực hiện cuộc đại di dân ra khỏi vùng hồ thủy điện. Thời điểm đó, Mường Giàng tiếp nhận hơn 1.400 hộ dân từ vùng ngập lòng hồ đến tái định cư tại khu quy hoạch đô thị Phiêng Lanh, Phiêng Nèn, 2 điểm nông thôn Huổi Nghịu (bản Pá Uôn), bản Hốc và xen ghép tại một số thôn, xóm. Đến nay, tổng số hộ dân đã tăng lên hơn 1.700 hộ.
17 năm về nơi ở mới nhưng ký ức về cuộc đại di dân lịch sử vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức mỗi người dân Quỳnh Nhai. Ông Điêu Chính Vương (bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng) vẫn nhớ như in ngày tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc để về tái định cư tại bản Phiêng Nèn.

Bà con Quỳnh Nhai vui vụ thu hoạch dứa

“Băn khoăn, lưu luyến lắm chứ, rời khỏi mảnh đất đã gắn bó bao đời, nhưng vì dòng điện của Tổ

quốc, chúng tôi chấp hành nghiêm theo Đảng, Nhà nước. Hồi đầu chuyển đến nơi ở mới khó khăn lắm, không có ruộng, nương để sản xuất như nơi ở cũ. Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, chúng tôi bây giờ yên tâm tư tưởng, đời sống cũng đã ổn định, làm ăn khấm khá hơn” - ông Vương tâm sự.

Mường Giàng lúc ấy dù có tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng đời sống bà con chưa thoát khỏi cái đói, cái nghèo bởi tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Quán triệt sâu sắc tư tưởng phải đảm bảo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cho bà con, Quỳnh Nhai đã quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã từ giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường lớp học, trạm y tế đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống của người dân và phát triển kinh tế.

Ông Đặng Sĩ Định - Chủ tịch UBND xã Mường Giàng cho biết: Sau khi ổn định nơi ở cho các hộ dân tái định cư, Mường Giàng đã tập trung định hướng người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi gia cầm làm hàng hóa, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện… Những năm gần đây, tận dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, việc đưa cây ăn quả lên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày đã trở thành phong trào ở các xã, bản vùng cao. Nhiều hộ đã đầu tư chuyển đất trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng xoài, nhãn, dứa; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

a1-11-.jpg

Mường Giàng nhìn từ trên cao…

Nói rồi, ông Định dẫn chúng tôi đến thăm mô hình sa nhân của bà con người Mông Phiêng Ban. Trên khắp các sườn đồi dọc con đường vào bản là bát ngát màu xanh của những đồi chè, cà phê, sa nhân… Người Mông Phiêng Ban đã từ bỏ tập quán du canh du cư tự do, kiên định theo đường lối của Đảng, Nhà nước, ổn định cuộc sống trên mảnh đất quê hương. Nội dung cam kết “5 có, 5 không” được bà con dân tộc Mông thực hiện rất tốt.

Trong ngôi nhà gỗ to, rộng, khang trang, ông Sùng Gà Chống không giấu niềm tự hào: “Cơ ngơi này là từ cây sa nhân đấy. Năm 2012, tôi đến xã Phổng Lái (Thuận Châu) thăm người thân, thấy họ trồng sa nhân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn ngô, lúa nương. Tôi nghĩ chất đất, khí hậu ở Phổng Lái và Phiêng Ban tương đồng nhau nên đã mua 300 cây giống về trồng trên đất nương. 3 năm sau, vụ sa nhân đầu tiên thu về 72 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả từ cây sa nhân, tôi đã vận động các hộ trong bản cùng làm theo, riêng gia đình tôi hiện có 4ha cây sa nhân.

Từ những vùng đất nghèo, bà con Mường Giàng đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa.

Ưu điểm của cây sa nhân là dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, giá trị kinh tế cao và có khả năng chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Nếu như trồng ngô, trồng sắn chỉ giúp người dân đủ ăn, thì sa nhân đã giúp bà con nơi đây thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.

Những sườn đồi bạc màu, hoang hóa vì ngô sắn ngày nào, giờ đây đã phủ thêm màu xanh của cây trái. Mường Giàng hiện có gần 200ha cây ăn quả, chè, cà phê, dứa…; trên 50ha sa nhân, 15ha sả java; quản lý, bảo vệ trên 3.000ha rừng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,73%. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân phong phú, đa dạng, được gìn giữ, bảo tồn, phục dựng với Lễ cầu an của dân tộc La Ha, cây đàn tính, điệu múa của các dân tộc, lớp dạy chữ Thái, lễ hội đua thuyền truyền thống…

Chuyển đổi để thích ứng

Từ Mường Giàng, chúng tôi ngược về với Mường Chiên - khu trung tâm hành chính huyện năm xưa. Thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, hầu hết diện tích của xã nằm trong vùng ngập lòng hồ. Thời điểm đó, Mường Chiên còn 6 bản, trong đó, có 5 bản di vén. Khi nước hồ dâng, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tổ chức cho người dân trong xã tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả; mở các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, giúp bà con chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế trên đất nương. Với cách làm đó, xã Mường Chiên hiện đang khoanh nuôi bảo vệ hơn 4.000ha rừng; có 34ha cây xoài, nhãn ghép đang phát triển tốt…

Mô hình trồng sa nhân tại bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng.

Đặc biệt, từ năm 2018, cây mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm ở Mường Chiên, đến nay đã trồng được hơn 62ha, với hơn 17.000 cây. Dẫn chúng tôi thăm quan vườn mắc ca, anh Lò Văn Giang (bản Bon, xã Mường Chiên) khoe: Trước đây, trồng ngô, sắn, công việc khó khăn, vất vả, thu nhập lại thấp, bấp bênh. Giờ trồng mắc ca cho hiệu quả cao hơn, thu nhập của gia đình tôi cũng khá lên.

Ông Cầm Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Sau khi hoàn thành công cuộc di dân tái định cư, Quỳnh Nhai đã rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trồng 1.500ha cây ăn quả, 2.500ha dứa, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa Quỳnh Nhai hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025.

Quỳnh Nhai hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong tiếng trống, tiếng chuông rộn ràng, bà con Quỳnh Nhai đang tấp nập hoàn thành các công việc ngày cuối năm để chuẩn bị vui đón mùa xuân mới, với niềm tin kiên định vào một ngày mai sẽ càng tươi sáng, khởi sắc hơn.

Ghi chép của Nguyễn Nga