Hướng tới tín chỉ đa dạng sinh học với nguyên tắc công bằng

Môi trường - Ngày đăng : 09:57, 02/02/2023

(TN&MT) - Cuối năm 2022 vừa qua, gần 200 quốc gia trên thế giới đã đồng thuận thông qua “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu”, mở ra một bước chuyển mạnh mẽ mới nhằm giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.

Nhận định về xu hướng chuyển dịch có tính xanh hóa này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (ảnh) - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng, thời gian tới, chắc chắn thế giới sẽ hướng tới những sản phẩm cao hơn tín chỉ các-bon, đó chính là tín chỉ đa dạng sinh học.
PV: Là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn khi ký kết và tham gia các công ước liên quan đến đa dạng sinh học. Việt Nam đã thực hiện các yêu cầu quốc tế liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ:
Chúng ta đã có 5 Công ước và 2 Nghị định thư liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học với các nội dung liên quan tới bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, bảo vệ vùng đất ngập nước, quy định về tác động của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt các yêu cầu của quốc tế, được quốc tế đánh giá cao về nội dung liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và các khu đất ngập nước. Chúng ta đã xây các khu bảo vệ, bảo tồn trên mặt đất cũng như các khu bảo vệ, bảo tồn ở vùng đất ngập nước, khu vực ven biển, ngoài bờ biển và khu vực ngoài khơi.

anh-thay.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

Trong quá trình bảo vệ đa dạng sinh học, chúng ta đặc biệt quan tâm tới các khu vực sinh thái theo lưu vực sông từ thượng nguồn tới hạ nguồn, đến ven biển và ra ngoài biển xanh, đảm bảo được cân bằng sinh thái giữa các khu vực này.

Theo đánh giá chung của thế giới, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Chúng ta đã và đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học và tiến hành chia sẻ cơ sở dữ liệu với các nước. Đây là công cụ quản lý quan trọng cho công tác bảo tồn ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

PV: Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa những cam kết tại COP26, theo ông, việc bảo tồn đa dạng sinh học sẽ hỗ trợ tích cực thế nào để chúng ta thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ:
Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu, phát thải hiệu ứng nhà kính và đa dạng sinh học là một thể thống nhất. Rừng hấp thụ 1/3 các-bon, biển hấp thụ 1/3 các-bon. Vì vậy, bảo đảm được đa dạng sinh học, đảm bảo được cân bằng giữa nước ngọt - nước lợ - nước mặn, cân bằng giữa miền ngược - miền xuôi, thượng nguồn - hạ nguồn và khu vực ven biển… chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu hấp thụ các-bon và đảm bảo yêu cầu nâng cao tín chỉ các-bon.

Tôi cho rằng, bảo tồn đa dạng sinh học chính là cơ sở để chúng ta thực hiện tốt các cam kết tại COP26. Đối với Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rất rõ về cách thức để đạt được yêu cầu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

z3786839622123_1948d373ddbc5e56d677fbf755f60567.jpg
Ảnh: Kiều Đức Chung (VBCS)

Cụ thể, Luật đã quy định cụ thể về việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, lồng ghép các yêu cầu của kinh tế tuần hoàn trong việc tiết giảm sản phẩm vật liệu, giảm rác thải ra môi trường, cũng như các yếu tố tạo tác động tốt cho môi trường được đưa vào trong kế hoạch chiến lược của các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất.

Nội dung về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rất rõ nguyên tắc người phát thải phải trả phí và người bảo tồn được nhận tiền dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ đó. Quy định cụ thể nhất là quy định liên quan tới dịch vụ chi trả hệ sinh thái. Liên quan đến nội dung này, chúng ta cũng tìm cách bảo vệ được đa dạng sinh học.
Hiện nay, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đang nghiên cứu các yêu cầu liên quan đến tín chỉ các-bon và tín chỉ đa dạng sinh học.

Trong tương lai, tín chỉ các-bon và tín chỉ đa dạng sinh học sẽ là yêu cầu của thế giới để đảm bảo rằng các đơn vị sử dụng mất cân bằng làm phát thải các-bon và làm suy giảm đa dạng sinh học sẽ phải trả tiền cho các đơn vị bảo vệ, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học và hấp thu các-bon.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ chế chính sách bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đã ban hành thời gian qua? Và tín chỉ đa dạng sinh học phải chăng là công cụ mới để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động kinh tế và bảo tồn?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ:
Có thể nói, đa dạng sinh học là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam tham gia đầu tiên, từ cách đây 50 năm, khi chúng ta ký Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, và sau đó là Công ước Đa dạng sinh học. Như vậy, Việt Nam đã cùng với thế giới chia sẻ trách nhiệm với toàn cầu trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Qua các thời kì phát triển khác nhau, chúng ta đi từ xóa đói giảm nghèo tới phát triển kinh tế, đến nay, vấn đề về môi trường, đa dạng sinh học đã được đặt lên hàng đầu trong các Chương trình nghị sự của Việt Nam. Thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, trong đó, yêu cầu các nội dung liên quan tới đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã có Chiến lược về đa dạng sinh học để thực hiện nhiệm vụ trong Công ước, đồng thời cũng đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.

z3786839569105_2c1d7884c8f12030349c88c418bd8062.jpg
Ảnh: Kiều Đức Chung (VBCS)

Một dấu ấn đậm nét để đảm bảo cho công tác này là việc Thủ tướng Chính phủ cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đây là một trong những cam kết mạnh mẽ nhất của chúng ta. Tiên phong thực hiện cam kết, Việt Nam đã kí thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây chính là hỗ trợ của thế giới để Việt Nam có thể tiến tới mục tiêu về bảo vệ môi trường, chống suy giảm đa dạng sinh học và giảm phát thải.

Về tín chỉ đa dạng sinh học, như tôi đã chia sẻ, thời gian tới, chắc chắn thế giới sẽ hướng tới những sản phẩm cao hơn tín chỉ các-bon, đó chính là tín chỉ đa dạng sinh học.

Từ trước đến nay, chúng ta cho rằng, không khí, nước và đất đai là sản phẩm miễn phí của tự nhiên. Đến nay, đất đai, nước, chúng ta đều đã tính phí sử dụng. Thời gian tới, khi chúng ta thực hiện tín chỉ các-bon, không khí cũng sẽ được tính phí. Mục tiêu cao hơn nữa mà chúng ta hướng tới là đa dạng sinh học cũng phải được tính phí, thực hiện nguyên tắc chung ai làm mất thì phải bồi thường cho người sinh ra và bảo vệ. Đây là nguyên tắc mà chúng ta cần có nguồn lực và hỗ trợ tài chính của các nước phát triển - là những nước đi trước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thu hẹp đa dạng sinh học. Từ đó, chúng ta mới có thể thực hiện tốt những nhiệm vụ này. Bảo đảm rằng các nước phát triển bù đắp cho các nước đang phát triển, các đơn vị làm suy giảm đa dạng sinh học phải bù đắp cho các đơn vị bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu để thế giới có thể thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tống Minh - Đức Tâm (thực hiện)