Thừa Thiên – Huế phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023
Môi trường - Ngày đăng : 21:48, 31/01/2023
Độ che phủ rừng hơn 57%
Năm vừa qua, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt, ổn định độ che phủ rừng đạt hơn 57%. Toàn tỉnh trồng mới hơn 5.863 ha rừng, tăng 6,8% so với năm trước. Trong đó, trồng mới gần 1,7 triệu cây xanh, gieo ươm 2 triệu cây giống bản địa phục vụ mục tiêu trồng rừng bản địa gỗ lớn và các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng rừng thông qua hoạt động quản lý rừng bền vững.
Đến nay toàn tỉnh có hơn 11.400 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 đạt 130 triệu USD, tăng khoảng 50 triệu USD so với năm trước.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, trồng rừng gỗ lớn, rừng bản địa, hỗn giao đa loài là mục tiêu, xu hướng của tỉnh trong phát triển rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế. Theo đó, năm 2023, ngành lâm nghiệp tiếp tục rà soát quy hoạch 3 loại rừng để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Các ban ngành đang rà soát diện tích rừng trên địa bàn tỉnh để phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng bền vững.
Theo Sở NN&PTNT, phấn đấu năm 2023, toàn tỉnh nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt hơn 57,1%; diện tích trồng rừng tập trung 6.200 ha, trồng rừng gỗ lớn 1.300 ha; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 550 ngàn m3 (tương đương khoảng 6.000 ha); sản xuất 20 triệu cây giống; chăm sóc 18 ngàn ha rừng; khoán bảo vệ rừng 180 ngàn ha; khoanh nuôi tái sinh 950 ha; trồng 900 ngàn cây phân tán...
Trồng rừng giúp phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, chính quyền và nhân dân tỉnh đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Do đó, hoạt động phục hồi và tái tạo các giá trị cảnh quan thiên nhiên thông qua các hoạt động trồng cây, gây rừng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo thêm các điểm tham quan để phát triển du lịch.
“Với mục tiêu phát triển rừng bền vững, các cơ quan, ban ngành, địa phương và nhân dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, cần xem việc trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực. Trồng cây, trồng rừng không chỉ góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa thiên tai, chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế lũ lụt, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, mà còn làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế...”, ông Minh nói.
Hưởng ứng Tết trồng cây mừng Xuân Quý Mão 2023, Phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, tại khu di tích Chứng tích lịch sử Chín Hầm – TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, lãnh đạo tỉnh cùng các lực lượng ra quân trồng 60 cây các loại mai vàng, sala, tùng bút, huỳnh liên.
Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế hãy chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc trồng cây, gây rừng; người người trồng cây, trồng cây nào tốt cây đó; các địa phương phấn đấu trồng cây, gây rừng năm 2023 hoàn thành và vượt về số lượng và chất lượng so với kế hoạch đề ra; song song đó, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, cộng đồng để bảo vệ cây xanh đã trồng trong khu vực công cộng; trường học, làng mạc, cây xanh ven đường, bảo vệ và phát triển rừng tập trung; đồng thời tăng cường ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, chặt phá cây xanh ven đường, săn bắt trái phép động vật hoang dã…
Dịp này, nhiều địa phương và đơn vị trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã phát động “Tết trồng cây”. Cụ thể, thị xã Hương Thủy trồng 60 cây bàng Đài Loan dọc tuyến đường Trưng Nữ Vương; huyện Quảng Điền trồng cây 50 cây hoàng mai tại khuôn viên di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Đình làng Thủ Lễ; huyện Phong Điền trồng 40 cây giáng hương trên tuyến đường thị trấn Phong Điền; huyện Phú Vang trồng gần 70 cây dầu rái có chiều cao hơn 3m ở tuyến đường Hồ Đắc Đệ; Công an tỉnh trồng 20 cây nhạc ngựa tại khuôn viên trụ sở Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ; HueWACO trồng cây tại Nhà máy nước Vạn Niên; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trồng trên 3.000 cây giống lim xanh và thông (do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ) trên diện tích hơn 20.000 m2, tập trung chủ yếu tại các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích lăng vua Gia Long, lăng vua Thiệu Trị và lăng vua Đồng Khánh...