Văn Chấn (Yên Bái): Lan toả phong trào trồng cây ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:06, 29/01/2023
PV: Thưa ông, phong trào trồng cây đầu xuân đã được huyện hưởng ứng và giữ gìn như thế nào?
Ông Đặng Duy Hiển: Cách đây vừa tròn 63 năm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, toàn dân ta đã thực hiện "Tết trồng cây” đầu tiên. Từ đó đến nay, "Tết trồng cây” theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp Tết đến, Xuân về.
Thấm nhuần lời dạy của Người trong những năm qua, huyện Văn Chấn đã tổ chức tốt các phong trào trồng cây, trồng rừng với với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, diện tích rừng trồng hàng năm trên 3.100ha, vượt kế hoạch được giao; độ che phủ rừng của huyện đạt 58,6%, là huyện đứng thứ 4/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh về độ che phủ rừng.
Huyện cũng nhận thức rõ việc trồng cây, gây rừng sẽ góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong năm 2023 huyện được giao 3.100ha, huyện sẽ phấn đấu 3.500ha, riêng trong ngày hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão 2023 huyện sẽ trồng 100ha, trong tháng 3 trồng 1.500ha, hết quý II sẽ hoàn thành kế hoạch 3.100ha, tiếp tục trong tháng 7 sẽ vượt mức kế hoạch và trồng mới thêm 500ha.
PV: Thưa ông, huyện có kế hoạch như thế nào để tiếp tục lan toả phong trào trồng cây ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn huyện?
Ông Đặng Duy Hiển: Để lời căn dặn của Bác trường tồn mãi mãi cho thế hệ mai sau và nhiệt liệt hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão năm 2023. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Tạo phong trào sâu rộng để "Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng” gắn với phát triển kinh tế xanh, bền vững, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.
Huyện sẽ tiếp tục đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương và nhân dân toàn huyện hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Đồng thời, cần nâng cao ý thức, có biện pháp trong công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.
Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm bảo vệ, phát triển kinh tế rừng bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
PV: Để phát triển rừng theo hướng bền vững mang lại hiệu quả kinh tế huyện đã có kế hoạch như thế nào? Thưa ông!
Ông Đặng Duy Hiển: Trong năm 2022, huyện đã trồng 3.171ha, hoàn thành 100% chỉ tiêu. Để thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, huyện đã ban hành Quyết định số 981/QĐ-UBND ngày 20/6/2022 về việc kiện toàn Ban đại diện cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ, nhóm hộ trên địa bàn huyện Văn Chấn; Công văn số 630/UBND-NLN ngày 20/6/2022 về việc tập trung triển khai kế hoạch cấp chứng chỉ rừng FSC năm 2022 trên địa bàn huyện Văn Chấn. Cùng với đó, đã phối hợp với Công ty TNHH Wood Yên Bình, UBND các xã, thị trấn, thực hiện cấp chứng chỉ FSC năm 2022 với diện tích 3.000ha.
Cùng với đó, huyện đã triển khai dự án quế hữu cơ, hiện nay toàn huyện có khoảng trên 9.000ha. Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã (chủ yếu các xã vùng thượng huyện), tiến hành tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia sản xuất quế hữu cơ với diện tích 1.000ha.
Để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng năm 2023 là 3.100ha huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, tạo khí thế và duy trì phong trào trồng rừng ngay từ đầu năm; phấn đấu trồng rừng vào vụ xuân đạt 70% kế hoạch giao.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; duy trì hoạt động các vườn ươm hiện có để chủ động về nguồn cây giống. Chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn theo hướng thâm canh; quan tâm tới các loài cây thảo dược, cây bản địa đa mục đích như: Lim xanh, Sến mật, Trám, Giổi xanh; các loài cây trồng có năng suất cao như: Keo, Bạch đàn…với mục tiêu nâng cao chất lượng rừng, tăng tính đa dạng sinh học, nâng cao tính ổn định, khả năng phòng hộ của rừng và chuyển dịch từ những cây ngắn ngày giá trị thấp sang những cây có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng, thúc đẩy các hình thức liên doanh liên kết và thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp.
Mặt khác, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra toàn bộ diện tích rừng hiện có, phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu giảm thiểu các vụ vi phạm phát phá, lấn chiếm rừng. Duy trì theo dõi diễn biến, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các xã, quyết tâm không để xảy ra vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại về rừng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!