Sức sống sông Đà
Xã hội - Ngày đăng : 01:54, 22/01/2023
Những năm tháng trước, dòng chảy tự nhiên của sông Đà mùa cạn nước trơ những thác ghềnh. Mưa lũ, nước dâng cao cuồn cuộn chảy… Nay sông hiền hòa, tĩnh lặng. Đôi bờ tả hữu, những ngôi nhà sàn Thái cổ lưu giữ hồn dân tộc… đông đúc quây quần... Ánh điện giăng hoa đang chia ánh sáng đi muôn ngả. Tất thảy là nhờ năng lượng của dòng sông.
Ký ức… dòng sông mẹ
Trong hồi ức của cụ ông Mào Văn Tre (94 tuổi) người Thái (ngành Thái trắng) ở thị xã nhỏ hẹp Mường Lay (tỉnh Điện Biên) thì: “…Từ thời cụ tôi, ông tôi, rồi đến bố tôi, bây giờ đến đời tôi và sau này là thế hệ con tôi, cháu tôi… đều gắn bó với sông Đà, như thể sông Đà là bạn thân. Tôi từng nghĩ, nếu không có sông Đà thì sao nhỉ? Chắc chắn người Thái bản Bắc chúng tôi sẽ buồn biết mấy. Những nam thanh nữ tú sẽ mất đi một người bạn, một người tâm tình tri cốt mà nói đúng hơn mất đi nhiều kỹ năng sống. Từ con sông ấy đã hình thành cho những chàng trai bản một kỹ năng đánh bắt, kỹ năng chèo bè vượt thác, tôm cá đầy sông, chỉ cầm chài đi về là có cá…
Trước sông Đà dữ dằn ghê lắm! Vào tháng 5, tháng 6 mùa lũ về sông Đà gào thét hung tợn. Nước đỏ đục ngầu, những thân gỗ to lao đi vun vút… không ai có đủ sức mạnh để ngăn cản cơn thịnh nộ của dòng sông. Nhà cửa, cây cối bị cuốn trôi như chiếc lá khô, người sống hai bên bờ sông luôn phập phồng lo sợ… Và cũng tại nơi đây, ngay khúc sông này, tháng 6/1990, Mường Lay xảy ra trận lũ ống kinh hoàng cuốn đi không biết bao sinh mạng, nhà cửa, tài sản của người dân, nhiều công trình bị phá hủy. Khi ấy, thủ phủ tỉnh Lai Châu đang đặt ở đây, mãi năm 1996, tỉnh rời về lòng chảo Điện Biên rồi đến năm 2004 chia ách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.” - Ông Tre kể.
Sông Đà được mệnh danh là dòng “độc Bắc lưu” bởi mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, riêng chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc. Sông Đà vốn là dòng sông được mệnh danh “hung dữ nhất” trong các hệ thống sông ngòi của Việt Nam với diện tích lưu vực khoảng 52.500km2, sông Đà cung cấp 55% lượng nước và là chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Hồng có nhiều thác ghềnh, độ dốc lớn, nước chảy xiết và là một trong những yếu tố làm nên 50% tổng các trận lũ lụt sông Hồng hằng năm, là mối đe dọa đối với các công trình đê điều của nhiều tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cũng chính từ mối hiểm họa đó mà con người khao khát chinh phục dòng sông.
Năm 1969, Ủy ban sông Hồng Việt Nam khảo sát đánh giá trữ lượng điện năng của toàn bộ lưu vực sông Đà khoảng 50,30 tỉ Kwh, tương đương 6.676MW. Từ cơ sở đó, chuỗi thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu được xây dựng để khai thác điện năng và cắt lũ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc trị thủy và con người chinh phục tự nhiên…
Đến nay, sông Đà đã trở thành con sông có nguồn điện năng lớn nhất Việt Nam.
Đôi bờ… nối những niềm vui
Sông Đà không chỉ có giá trị trong khai thác điện năng của quốc gia mà còn là dòng sông mẹ, dưỡng sinh đùm bọc anh em đồng bào các dân dộc Tây Bắc - một con sông góp phần đáng kể làm nên dáng vóc đất nước nơi miền biên viễn. Sự kế tiếp bồi đắp của dòng sông không chỉ đơn thuần theo quy luật tự nhiên mà còn hình thành nên bản quán của đồng bào các dân tộc sống hai bên bờ dòng “độc Bắc lưu”.
Sông Đà có tổng chiều dài khoảng 983km. Trong đó, có 440km chảy trên đất Trung Quốc và 543km chảy trên đất Việt Nam. Từ khu vực thượng lưu huyện Mường Tè, Lai Châu, sông Đà chảy dọc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và được hợp thủy bởi các phụ lưu sông Nậm Sin, Nậm Cúm, Nậm Bum và sông Nậm Mạ, Nậm Cha, Nậm Khen... chảy qua một số địa danh Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) rồi chuyển hướng nhập vào sông Hồng tại ngã ba Trung Hà (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội)
Thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) nhỏ hẹp nhất cả nước “chỉ trong một tầm tiếng gọi” là một trong những địa danh có sông Đà chảy qua.
Ông Điêu Chính Hanh - người Thái bản Ho Luông, TX. Mường Lay trần tình trong câu ví: “Sông Đà bây giờ đang chìm trong “giấc ngủ định kỳ” như một người dưỡng sức sau nhiều năm phá phách bất trị do chưa được con người thuần hóa. Mặt sông hiền lành này là nơi người Thái chúng tôi vẫn tổ chức hội đua thuyền đuôi én hằng năm và thỏa sức tăng gia nuôi thả cá lồng… xuồng bè xuôi ngược đánh bắt tôm ngon, cá béo không lo đựng phải đá ngầm hay thác ghềnh gì nữa…”
Không riêng chỉ có TX. Mường Lay, nhiều đoạn sông Đà nằm trên địa phận Sơn La, các hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái… đã rời non khai thác mặt sông, nuôi thả cá lồng định cư gắn bó với sông Đà.
Từ đây, người dân có thêm một nghề mới: Nghề nuôi trồng thủy sản. Và Thuận Châu (Sơn La) là một trong những địa phương có nhiều hộ dân tận dụng lợi thế nước của lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi cá lồng, điển hình nhất là xã Liệp Tè. Cả xã có khoảng 700 lồng cá lồng chủ yếu cá trắm đen và cá lăng. Trong đó, có 334 lồng cá là của các HTX nuôi trồng thủy sản, số còn lại là của các hộ dân.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Quàng Văn Hợp - thành viên HTX nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ tổng hợp Liệp Tè, nói: Năm 2022, gia đình anh có khoảng 15 lồng cá đảm bảo tiêu chuẩn diện tích nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap, xuất bán khoảng 1,3 tấn cá với giá 70.000đ/kg, doanh thu trừ chi phí còn 100 triệu đồng.
Những gia đình có thu nhập từ nghề nuôi cá lồng như gia đình anh Hợp không hiếm. Toàn huyện Thuận Châu có khoảng trên 200 hộ đã làm theo.
Có thể thấy, trước đây khi dòng sông Đà còn nguyên khai, chưa có tác động lớn của con người, sau những trận mưa lũ qua đi, những bãi bồi còn lại đất đỏ au lại xanh lên mầm khoai sắn của đồng bào Tây Bắc”.
Nay, ý nghĩa chung sức của dòng sông Đà lớn lao hơn. Không chỉ đơn thuần là những vựa cá tôm, những bãi bồi phù sa màu mỡ, sông Đà còn là con sông cung cấp nguồn điện năng lớn nhất nhì cả nước. Hệ sinh thái được bảo tồn, nguồn nước được sử dụng triệt để, đa lợi ích. Quốc gia có đủ điện năng, địa phương có thêm nguồn thuế, đồng bào no ấm yên bình sống quây quần đông đúc… Tất thảy là nhờ năng lượng của dòng sông.