Sắc xuân biên cương
Xã hội - Ngày đăng : 01:54, 22/01/2023
“Lộc” rừng xanh…
Xuân sang, dưới chân núi Mẫu Sơn hùng vĩ, những rừng thông bạt ngàn đang rì rào trong gió. Gắn bó với rừng, rừng “trả lộc”. Hơn 80 hộ dân thôn Bản Tẳng, xã Khánh Xuân đã đổi đời từ rừng, hộ ít thì có hơn nửa ha, hộ nhiều gần 3ha. Theo chân anh Lê Văn Thắng tham quan hơn 2ha rừng thông của hộ gia đình, anh Thắng khoe: Hiện gia đình tôi có hơn 2.600 cây thông cho khai thác nhựa, mỗi năm cho thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng.
Được biết, từ những năm 1996, người dân trong thôn Bản Tẳng được hỗ trợ trồng rừng từ nguồn vốn dự án của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ. Sau 15 năm, rừng trồng đã cho khai thác nhựa. Nhờ đó, hơn 50% số hộ dân trong thôn đã có thu nhập từ rừng thông, bình quân từ 120 - 200 triệu đồng/hộ/năm.
Cây rừng đã giúp người dân thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, phát huy được lợi thế đất đai sẵn có. Năm 2002, từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án Việt - Đức, anh Hoàng Văn Kiên (thôn Nà Pán, xã Thống Nhất) triển khai trồng hơn 1ha thông. “Những ngày đầu, cũng có những băn khoăn, hoài nghi, có lúc cũng nản chí bởi thời gian chăm sóc dài mới cho thu hoạch được. Nhưng thấy cây trồng phát triển tốt, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, tôi vẫn mạnh dạn mở rộng diện tích lên 2ha. Từ năm 2018, cây thông đã cho khai thác nhựa, mang lại cho gia đình thu nhập ổn định từ 100 - 120 triệu đồng mỗi năm” - nở nụ cười rạng rỡ, anh Kiên tâm sự.
Nhờ những tấm gương dám nghĩ dám làm, mạnh dạn tiếp thu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Thống Nhất đã trở thành "điểm sáng" về trồng rừng ở Lộc Bình. Cái đói, cái nghèo, tập quán canh tác lạc hậu ngày nào đeo bám bà con đồng bào dân tộc Sán Chỉ nơi đây, đã được phủ sắc xanh no ấm của những rừng thông ngút ngàn. Toàn xã có 1.600 hộ thì 1.000 hộ đã tham gia trồng thông với tổng diện tích hơn 2.200ha.
Thời gian qua, Lộc Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, tổ chức thực hiện vệ sinh môi trường, giữ môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Năm 2023, huyện đặt mục tiêu trồng mới 1.200ha rừng. Đảm bảo 97% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 93% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch. 98% chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý; 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 83%...
Theo UBND huyện Lộc Bình, với hơn 80.000ha diện tích đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng của Lộc Bình đạt 64%, trong đó, có tới 51% diện tích đất có rừng là cây thông mã vĩ. Người dân Lộc Bình bảo nhau, cây rừng giúp đời sống đồng bào được nâng lên, phải cùng nhau chăm sóc, bảo vệ rừng. Bởi thế, tập quán canh tác đốt rừng làm nương đã không còn, thay vào đó là đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả đất canh tác hiện có.
Nghề khai thác nhựa, chăm sóc, bảo vệ rừng thông đã trở thành một mô hình kinh tế mang tính đặc thù, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, phủ xanh đất trống đồi trọc. Cùng với đó, công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ một huyện nghèo khó, sản xuất manh mún, Lộc Bình đã và đang vươn mình phát triển...
Phát triển nhanh, bền vững
Năm 2022 khép lại, kinh tế - xã hội của huyện Lộc Bình tiếp tục phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt. Trong năm, toàn huyện đã trồng mới trên 1.300ha rừng; khai thác hơn 11.000 tấn nhựa thông, hơn 12.800 m3 gỗ...
Giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ yếu đạt trên 110% so với kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 96 tỷ đồng, đạt 155% so với dự toán tỉnh giao. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,3%, hộ cận nghèo 8,4%.
Song, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động đến hệ thống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, phương thức canh tác cũng như cơ cấu sử dụng đất của người dân. Bên cạnh đó, mặc dù tính đa dạng sinh học trên địa bàn huyện còn khá cao, song thực chất đã bị suy giảm nhiều so với trước đây, và vẫn có xu hướng bị tác động, suy giảm.
Ông Hoàng Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trước thực trạng đó, Lộc Bình xác định kinh tế đồi rừng là ngành mũi nhọn, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo nhân dân tích cực đăng ký trồng, sau khi khai thác tiếp tục trồng mới, trồng dặm. Huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây.
Thông qua hoạt động trồng, bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, tạo công ăn việc làm, từng bước giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giảm áp lực vào việc khai thác các sản phẩm rừng tự nhiên. Đặc biệt, phát huy vai trò của rừng trong hấp thụ các-bon, giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng với kinh tế đồi rừng, huyện cũng đã phối hợp tốt với các ban, ngành của tỉnh kêu gọi đầu tư vào khu du lịch Mẫu Sơn, giải phóng mặt bằng để xây dựng thành công Hồ chứa nước Bản Lải, quy hoạch 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 270ha…
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, lựa chọn sản phẩm OCOP. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho cây trồng, vật nuôi là sản phẩm đặc sản và chủ lực của huyện như: Gà 6 ngón Mẫu Sơn, lúa chất lượng cao, khoai tây, khoai lang, nhựa thông, chanh rừng, dưa chuột…
Một mùa xuân mới nữa lại về. Với niềm phấn khởi, tự hào trước những kết quả đạt được trong thời gian qua và sức sống tươi trẻ của xuân mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lộc Bình quyết tâm thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ chung, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.