Hương vị Tết trong thơ xưa
Xã hội - Ngày đăng : 01:17, 22/01/2023
Tết đến, xuân về, nhịp hân hoan của trời đất và lòng người hiện ra một cách cụ thể qua việc chuẩn bị Tết của bà của mẹ. Những phiên chợ cuối năm đông vui, nhộn nhịp là dịp để người người, nhà nhà sắm sửa việc Tết. Dường như, những bận bịu cuối năm khác hẳn với cái bận bịu lo toan thường ngày. Vào thời điểm này, ai cũng muốn sắm sửa cho bản thân và gia đình một mùa xuân đủ đầy, đầm ấm.
Những vật phẩm chuẩn bị cho ngày Tết về căn bản vẫn là nông sản của vườn nhà, quê kiểng. Những thức món chưng biện trên mâm cỗ ngày xuân cho thấy tấm lòng của con người đối với tổ tiên, gia đình và môn khách. Món ăn ngày Tết thể hiện mối liên hệ mật thiết của đời sống sinh hoạt, kinh kế - xã hội trong truyền thống nông nghiệp của người Việt: Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà/ Cỗ bàn xong cả từ hôm qua/ Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba (Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính).
Ngày Tết, phong tục xin chữ, cho chữ, viết câu đối, khai bút đầu xuân còn đọng lại trong một vài bài thơ mới, mà mỗi khi đọc lại đều gieo vào lòng người mối hoài cảm vàng son đã nhạt phai. Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một khoảnh khắc như thế: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua.
Tập tục viết câu đối, xin chữ ngày xuân, khai bút đầu năm là gửi gắm cảm xúc, tâm tình, suy tư, hi vọng của mình vào trong câu chữ. Con chữ đầu năm như đường cày tịch điền của vua, ẩn chứa biết bao ý vị của người cầm bút: Thày tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực viết lên trên/ Trên những gì gì tôi không biết/ Giữa đề năm tháng, dưới đề tên (Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính).
Thường thì, hi vọng một mùa xuân mới an lành, trọn vẹn, người ta kiêng tránh những cãi cọ, đổ vỡ ngày đầu năm. Sáng mùng một Tết, đường sá trong làng, ngoài phố dường như tĩnh lặng. Tín ngưỡng xông đất đầu năm khiến cho việc đến nhà ai đó vào buổi sớm đầu xuân luôn được tính toán, thậm chí là dặn trước. Do đó, cứ phải sau chín, mười giờ, không khí xuân Tết mới tràn ngập các con đường (lúc ấy hoạt động xông đất gần như đã hoàn tất, việc đến chúc Tết đầu năm diễn ra thông thuận, thoải mái hơn, ít kiêng dè vì tập tục đầu năm): Sáng ngày mồng Một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi đượm nước hương (Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính).
Ngày Tết là dịp để mọi người sum vầy, đoàn tụ. Đây là thời điểm cháu con báo hiếu ông bà cha mẹ, về quê nhận mặt họ hàng, thăm hỏi đôi bên nội ngoại. Hoạt động này đến nay vẫn được lưu truyền bởi ý nghĩa thiết thực và giá trị kết nối con người, họ hàng, huyết thống: U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Bên miền quê ngoại của hai thân (Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ). Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba tết thầy là một phong tục thể hiện rõ đạo lí uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Tuy không hẳn nhất nhất tuân theo tuần tự ngày mồng như thế, nhưng phong tục này từ xưa đến nay vẫn được duy trì.
Phong tục ngày xuân trong Thơ Mới thể hiện rõ nhất qua các hoạt động du xuân, chơi Tết, thăm viếng họ hàng, lễ chùa,… Trong không khí ngày xuân, hoa đào khoe sắc, người người nô nức chơi xuân, áo khăn dập dìu rộn rã: Ngày xuân trẻ bức tranh gà/ Cụ già quần nhiễu đỏ lòa sang nhau/ Đàn ông khăn nhiễu đội đầu/ Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe/ Đàn bà yếm đậu vàng hoe/ Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng (Chơi xuân - Đoàn Văn Cừ); Chiều xuân sang chuyến đò đông/ Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi (Chiều xuân Trung Kì - Hồ Dzếnh)…
Trong sắc thắm của hoa đào, trên màu khăn áo tươi tắn, trong nụ cười, câu chúc, trong tiếng pháo nổ vang, trên má hồng thiếu nữ, trong dáng vẻ thành kính của người già, vẻ hoạt bát nhanh nhẹn của trẻ nhỏ… ẩn chứa ý niệm về một mùa xuân sung túc, an vui, tràn đầy hi vọng: Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ khăn thâm trầy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng nam mô (Xuân về - Nguyễn Bính).
Phong tục từ xưa xem việc đi lễ chùa đầu năm nhằm cầu chúc an lành, may mắn cho một năm mới: Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa/ Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang/ Lòng vui quần áo xênh xang/ Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua (Rằm tháng Giêng - Hồ Dzếnh). Lễ hội mùa xuân thường có hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ thể hiện tín ngưỡng dân gian trong việc thờ cúng các vị thần, thành hoàng, cầu mong hay tạ ơn sự phù hộ độ trì của thần thánh cho cuộc sống con người. Sau phần lễ là phần hội, ngoài việc mang đến cho con người khoảng thời gian thảnh thơi, nhàn nhã, với hi vọng năm mới sẽ không tất bật, bận bịu, còn là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau: Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh/ Đón tôi về xem hội ở làng bên/ Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền/ Người lớn bé mê man về hát bội/ Những thằng cu tha hồ khoe áo mới/ Và tha hồ nô nức kéo đi xem (Đám hội - Đoàn Văn Cừ). Mùa xuân là mùa của sự sống, sinh sôi và nảy nở. Có lẽ vì thế, du xuân, lễ hội cũng là dịp để trai gái gặp nhau, tỏ bày tình cảm, giao duyên, hẹn ước. Sau những hẹn hò trong buổi du xuân, đám cưới ngày xuân cũng tưng bừng như góp thêm sắc xuân, tình xuân vào cảnh xuân tươi thắm của đất trời: Người cô dâu hôm nay coi choáng lộng/ Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao/ Các bạn cô bằng tuổi cũng xinh sao/ Hai má thắm ngây thơ nhìn trời biếc (Đám cưới mùa xuân - Đoàn Văn Cừ).
Mùa xuân đi trên những sinh hoạt của con người, đọng dấu lại nơi từng phong tục. Sau mấy ngày ăn Tết, chơi Tết, du xuân, nhà nhà lại tiễn ông vải, tổ tiên về “thế giới bên kia”: Cây nêu - dấu Phật đuổi hung thần/ Cỗ mũ trên bàn cúng Táo quân/ Mùng bốn Tết xong làm lễ tiễn/ Giấy tiền ông vải đốt đầy sân (Năm mới - Đoàn Văn Cừ). Tục lệ này đến giờ vẫn còn bởi gắn liền với sinh hoạt ngày Tết: đón - đưa ông vải. Tết đến, sự sum vầy không chỉ giữa người sống, mà còn là sự hiện diện, chứng kiến của tổ tiên trong không gian thờ tự. Bởi thế, ngày tết vừa rất vui tươi, rộn rã nhưng cũng rất thiêng liêng trang trọng.
Xuân, Tết là ý niệm của con người về thời gian. Ngày xuân, đọc lại mấy vần thơ của thi nhân xưa, như một nhịp lắng đọng, chúng ta nhận ra những dáng xuân trong từng lời thơ thuở trước. Tại đây, những phong tục tập quán ngày xuân còn phong nguyên những nền nếp xưa cũ đã từng tồn tại trên mảnh đất này. Sắc thái ấy nói lên sự gắn bó một cách tự nhiên của con người với các giá trị truyền thống, hình thành nên văn hóa Việt Nam, chảy tự ngọn nguồn lịch sử.