Ước vọng đô thị xanh Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 01:15, 22/01/2023

Chưa bao giờ cụm từ “đô thị xanh” được nhắc đến nhiều như bây giờ.

Không chỉ trong giới kiến trúc, quy hoạch, mà đô thị xanh đã trở thành mục tiêu trong các kế hoạch, định hướng chiến lược phát triển đô thị của Nhà nước ta, gần đây nhất là Nghị quyết 06 của Đảng về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045. Đây cũng chính là điểm sáng làm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút người mua cho các dự án khu đô thị mới, chung cư mới.

vhocp_landscape_4-1-.jpg

Đi tìm khái niệm đô thị xanh

Đô thị xanh (Green Cities) là tổng thể quy hoạch xây dựng của 3 yếu tố gồm môi trường xanh - kinh tế xanh - xã hội xanh. Khái niệm về đô thị xanh - đô thị sinh thái gắn với xu hướng phát triển bền vững xuất hiện trên thế giới vào những năm 80 của thế kỷ XX, kèm theo đó là các tiêu chí cho đô thị xanh rất cụ thể như: không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, môi trường xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh cho đến dân cư xanh… Trong mỗi tiêu chí lại được giải nghĩa rất rõ, rất chi tiết các yêu cầu phải thực hiện. Tất cả đều hướng đến môi trường sống tốt đẹp, an toàn và bền vững cho con người.

Việt Nam đã qua hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế. Chưa bao giờ diện mạo đô thị lại đổi thay theo hướng văn minh - hiện đại như bây giờ. Đã có gần 40% dân số cả nước sống trong 863 đô thị. Dù còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển, nhưng đô thị vẫn là “nơi đáng sống” có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút ngày càng tăng dòng người nhập cư từ các vùng nông thôn đổ về, cho dù 10 năm trở lại đây, rất nhiều làng quê đã trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống người nông dân đủ đầy hơn khi Nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống và được cụ thể hóa bởi chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Thế giới ngày hôm nay đang đứng trước sự bất ổn bởi đại dịch, bởi những hiểm họa của thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra trên phạm vi toàn cầu với tần suất ngày càng tăng, sức tàn phá ngày càng lớn như động đất, sóng thần, bão lũ, lở đất… Biến đổi khí hậu không chỉ là quy luật của tự nhiên với chu kỳ hàng chục, hàng trăm năm, mà còn bởi chính con người gây ra trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa. Bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi bụi, khói, khí thải CO2 và chất độc do sản suất công nghiệp, do xây dựng, do giao thông cơ giới… thải ra. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt như dầu mỏ, than đá, nguồn nước sạch. Năm 2005, tại thành phố San Fransisco (Hoa Kỳ), một Hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 nước trong đó có Việt Nam để bàn về “Phát triển bền vững cho các đô thị”, đã thông qua “Hiệp định Thành phố môi trường của Liên hợp quốc 2005” (United Nations Urban Environmental Accords, 2005). Với thông báo này, Liên hợp quốc đã chính thức cảnh báo những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt tài nguyên tác động đến đời sống của cư dân, làm suy giảm sự phát triển nền kinh tế mà các thành phố trên thế giới phải đối mặt. Cũng trong năm 2005, theo đề xuất của Singapore, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã thông qua Chương trình “Xây dựng các thành phố môi trường của các nước ASEAN” với 4 tiêu chí cơ bản: Môi trường nước sạch; Môi trường không khí sạch; Môi trường đất sạch; Bảo tồn đa dạng sinh học.

2e5fcc27-1251-4fb9-b577-757e872ce6e9.jpg

Bằng những nỗ lực của mình, thành phố Hạ Long (năm 2009) và Đà Nẵng (năm 2011) đã từng được công nhận là “Thành phố môi trường ASEAN”. Điểm qua một vài sự kiện để thấy tầm quan trọng của xây dựng và phát triển đô thị xanh trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển.

Đô thị xanh - nền tảng để Hà Nội phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, đô thị xanh rất phù hợp với đô thị vừa và nhỏ, hay các khu đô thị có dân số khoảng 7.000 - 10.000 người, quy mô 40 - 50ha, mật độ từ 160 đến 200 người/ha và có khoảng cách tiếp cận với giao thông công cộng không quá 300m. Ở Việt Nam, cho đến nay, đô thị xanh vẫn chỉ là khái niệm chung chung chưa có định nghĩa rõ ràng, cụ thể, mà chủ yếu dựa vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành có đề cập đến phần xanh trong đô thị (hệ thống cây xanh, mặt nước, không gian xanh, không gian công cộng). Trong các đồ án quy hoạch chung của Hà Nội, tuy nội dung mỗi đồ án có sự khác biệt để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của Thủ đô, nhưng việc đảm bảo diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước theo quy định là yêu cầu bắt buộc để phê duyệt. Thế nhưng, từ quy hoạch được duyệt đến việc thực hiện quy hoạch lại không bao giờ là một. Đấy là thực tế diễn ra trong nhiều thập niên phát triển Hà Nội và cũng là của các đô thị nước ta.

Có nhiều nguyên nhân, như các văn bản pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch đô thị… chậm sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; năng lực lập quy hoạch còn hạn chế, thiếu tầm nhìn xa… đô thị hóa nhanh, thiếu kiểm soát, chạy theo tăng trưởng GDP bằng mọi giá mà thị trường bất động sản là tấm gương phản ánh rõ nhất, sinh động nhất; sự yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch và quản trị đô thị dẫn đến việc thực hiện quy hoạch thiếu tính bền vững, hay bị điều chỉnh làm cho đô thị phát triển không đồng bộ, thậm chí còn bị “băm nát”, các chỉ tiêu đặt ra về diện tích cây xanh, mặt nước, mật độ xây dựng… bị thay đổi theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản(!). Dẫu biết rằng, để trở thành đô thị xanh phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, trong đó, đầu tiên phải đảm bảo tiêu chí về cây xanh, công viên, vườn hoa, mặt nước, không gian công cộng. Bởi thiếu tiêu chí trên, đô thị sẽ trở nên vô cùng ngột ngạt và thiếu sức sống.

vhocp_landscape_39.jpg

Theo một nghiên cứu, hiện nay tại Hà Nội, đất dành cho cây xanh trong nội đô đạt chưa đến 2m2/người, chỉ bằng 1/10 so với đô thị các nước đang phát triển trên thế giới. Ngay tại nhiều khu đô thị mới, diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước cũng bị chủ đầu tư thay đổi tùy tiện theo hướng giảm tối đa để lấy đất cho xây dựng công trình. Còn trong thành phố, cây xanh cũng không được quan tâm đúng mức, thiếu chăm sóc, trồng mới để thay thế cây già cỗi, sâu bệnh. Các không gian xanh, không gian công cộng, mặt nước (hồ, đầm) cũng bị thu hẹp, bị san lấp để phục vụ cho sự phát triển như mở rộng đường đô thị, xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, xây dựng các chung cư, cao ốc, công trình dịch vụ thương mại. Hệ thống công viên, vườn hoa trong thành phố như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Hòa Bình, Tuổi trẻ… đã thiếu lại bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích và xuống cấp trầm trọng. Các dòng sông trong thành phố như Kim Ngưu, Tô Lịch… bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải, rác thải, trở thành những cống hở gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tính toán, diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị nếu đạt 20% - 50% đất đô thị, sẽ giúp làm giảm nhiệt độ từ 3,3 - 3,9oC.

Còn khi diện tích che phủ của cây xanh (thảm thực vật) được tăng lên 25%, hiệu quả của bóng mát và bay hơi sẽ làm giảm từ 17% - 57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí và giảm 40% - 50% cường độ bức xạ mặt trời. Cây xanh hai bên đường phố sẽ làm giảm 30% - 60% lượng bụi trong không khí. Nếu như có thể xây dựng các lâm viên trong thành phố, thì chỉ 1ha công viên rừng cũng đã hấp thu 1.000kg khí CO2 và thải ra 730kg khí O2 mỗi ngày, tương tự 1ha thảm cỏ (công viên) sẽ hấp thu 360kg khí CO2 và thải ra 270kg khí O2.

Ứng xử tử tế với đô thị

Vậy, làm thế nào để Hà Nội trở thành đô thị xanh? Không khó để có câu trả lời. Nhưng để thực hiện là cả một câu chuyện dài. Nó phụ thuộc vào nguồn lực, vào tư duy đổi mới và quyết tâm chính trị của chính quyền đô thị, vào các kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu, vào sự đồng thuận của người dân và toàn xã hội. Hà Nội là vùng đất ngàn năm văn hiến, có bề dày lịch sử và văn hóa, Hà Nội là Thành phố vì Hòa bình, là Thành phố Sáng tạo, là một trong những thành phố có sức hấp dẫn du khách nhất trên thế giới. Đấy là niềm tự hào, là điểm tựa thúc đẩy để xây dựng Hà Nội thành đô thị xanh. Muốn vậy, thành phố phải dũng cảm phát triển các không gian xanh, không gian công cộng hơn là lấy đất để xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại, khu thể thao… trong khu vực nội đô. Có kế hoạch trồng thêm cây xanh đô thị để đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh/người theo quy định. Việc Hà Nội đã hoàn thành Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh được phát động từ năm 2016, làm xanh hóa nhiều đường phố mới, cải thiện phần nào môi trường ô nhiễm trong nội đô là một thái độ ứng xử với đô thị rất tích cực, cần được nhân rộng. Mới đây, thành phố đã có Nghị quyết về công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo, chỉnh trang, đầu tư xây dựng 5 công viên; cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có. Kiên quyết không lấp hồ, ao, đầm để xây dựng, không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch… đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong xây dựng và phát triển Hà Nội theo hướng bền vững.

Các khu đô thị mới phải là các đô thị xanh, góp phần hình thành lối sống xanh trong đô thị. Các dòng sông chết và đang chết của thành phố như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu hay các hồ đầm đang bị ô nhiễm nguồn nước, đe dọa sự sống của các loài thủy sinh như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu sẽ được cải tạo, hồi sinh. Khuyến khích tạo điều kiện để người dân tham gia chủ động trong việc xanh hóa ngôi nhà của mình (trồng cây, hoa trên ban công, trên mái nhà), sử dụng tiết kiệm điện và nước sạch. Tận dụng tối đa vật liệu không nung trong xây dựng công trình. Kiến trúc nhà ở phải thông thoáng, đảm bảo thông gió, khí trời và ánh sáng tự nhiên, sử dụng điều hòa không khí một cách hợp lý. Không vứt xả rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng. Xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử và lối sống mới, nếp sống mới cho người dân. Đổi mới hệ thống giao thông công cộng, hoàn thành đúng thời hạn các tuyến đường sắt đô thị; phát triển xe bus mini, BRT… hợp lý, phù hợp với thực tế phát triển của thành phố lấy người dân là trung tâm phục vụ, hạn chế ô tô cá nhân, xe máy; khuyến khích giao thông xe đạp, xe máy điện để giảm thiểu khí thải ra môi trường…

Cùng với cả nước, Hà Nội cũng đang triển khai Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối, chuyển đổi số, kinh tế số. Nhưng dù phát triển theo cấp độ nào chăng nữa, tất cả đều vì mục đích cao đẹp: Để Hà Nội phát triển bền vững, giàu bản sắc văn hóa với những không gian sống an toàn, thân thiện giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Và khi ấy, sẽ có một Hà Nội xanh phát triển bền vững, xứng đáng là Thủ đô của một nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường trong thế kỷ XXI.

n KTS. Phạm Thanh Tùng Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam