Khơi nguồn phát triển kinh tế biển xanh

Biển đảo - Ngày đăng : 01:14, 22/01/2023

(TN&MT) - Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển đã triển khai được hơn 4 năm; đã có nhiều quyết sách đưa ra để phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít rào cản, điểm nghẽn cần khơi thông để đạt được mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Nhân dịp Xuân mới, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tâm huyết với biển, đảo nước nhà đã đóng góp ý kiến trí tuệ, sáng kiến khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế biển xanh.

T.S. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Thời cơ lớn để nhanh chóng phát triển bền vững kinh tế biển

Có thể nhận thấy, bên cạnh những thách thức thì thời điểm này chính là thời cơ rất lớn để nước ta tập trung và nhanh chóng phát triển bền vững kinh tế biển. Các kế hoạch, chương trình, đề án về cơ bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó đã phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng với thời hạn hoàn thành cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện đến năm 2025 và năm 2030.

ong-ta-dinh-thi.jpg

T.S. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Tôi cho rằng, có một vài vấn đề cần hết sức quan tâm. Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân về phát triển kinh tế biển và phải biến nhận thức thành hành động cụ thể, nhất là đối với những người có trách nhiệm trực tiếp ở các ngành, cơ quan liên quan và địa phương có biển.

Thứ hai, phải đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện mô hình cơ chế và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Thứ ba, phải khơi thông các nguồn lực đầu tư, ưu tiên thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển. Khẩn trương nghiên cứu, thành lập Quỹ (hoặc Chương trình) phát triển kinh tế biển xanh để ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới, đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.

Thứ tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách trong một số ngành, lĩnh vực như: Thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để sớm được EC gỡ bỏ thẻ vàng. Quản lý hiệu quả các nguồn vốn biển tự nhiên và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Điều tra đánh giá được tiềm năng một số nguồn vốn biển tự nhiên, đặc biệt là năng lượng tái tạo ở biển; Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển; Tiên phong khu vực về xây dựng và thực hiện các chính sách giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, quan trắc môi trường biển, biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống cho nhân dân các khu vực biển, đảo…

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam:

Quy hoạch không gian biển là nhiệm vụ then chốt

Để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vấn đề xây dựng và triển khai Quy hoạch không gian biển là nhiệm vụ then chốt. Quy hoạch không gian biển vừa là phương thức, vừa là công cụ quản lý/quản trị biển, vùng bờ theo không gian nhằm đạt được mục tiêu kép, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế biển hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng xanh lam, thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, bảo đảm vững chắc các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.

a(1).jpg

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Quy hoạch không gian biển đã được đưa vào Luật Quy hoạch (2017) với tư cách một quy hoạch cấp quốc gia và đang trong quá trình xây dựng để trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, quá trình triển khai đến nay, bên cạnh các nỗ lực cũng bộc lộ sự khác biệt khó tránh về nhận thức, về tổ chức thực hiện và về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)…, cho một loại hình quy hoạch mới mẻ trong bối cảnh khó khăn về thông tin đầu vào cho quy hoạch. Do đó, cần phối hợp, chia sẻ, học hỏi để đảm bảo tính tương thích tối đa (có thể) của sản phẩm quy hoạch, để hạn chế và loại trừ thói quen làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội biển truyền thống đang “ám ảnh” trong quá trình làm quy hoạch không gian biển (MSP).

Hiện, MSP chỉ được thực hiện ở cấp quốc gia, cho nên chỉ có thể cung cấp cho các ngành, địa phương và các bên liên quan khác một khuôn khổ phát triển (khai thác, sử dụng, bảo tồn) và quản lý không gian biển quốc gia, phù hợp với quy định của UNCLOS và Luật Biển Việt Nam 2012. Các ngành, địa phương đang cần triển khai phương án sử dụng không gian biển cụ thể trong bối cảnh xung đột lợi ích, sử dụng không gian biển đan xen phức tạp. Để xử lý vấn đề này, các ngành, địa phương (theo thẩm quyền) cần tiến hành phân vùng chức năng biển chi tiết cho từng đơn vị phân khu không gian do MSP quốc gia phân bổ. Phân vùng chức năng biển là công cụ kỹ thuật hỗ trợ dựa vào hệ sinh thái để bảo đảm tính bền vững của các phương án khai thác, sử dụng không gian biển.

Các nguyên tắc xây dựng MSP quốc gia chính là mức độ tuân thủ của các cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch, các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư vấn kỹ thuật xây dựng MSP và các bên liên quan đối với các vấn đề có tính bản chất, các thuộc tính vốn có và chức năng của MSP. Ngoài ra, MSP tôn trọng điều tiết của “quy luật thị trường” trong việc lựa chọn ngành hàng, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của từng ngành/lĩnh vực khai thác sử dụng các phân khu không gian biển được giao /cấp phép sau khi MSP được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua. Yếu tố thị trường cũng là một điểm mới theo tinh thần của Luật Quy hoạch 2017.

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh:

Nỗ lực để cảng biển phát triển xứng tầm

Với nhiều thuận lợi để phát triển cảng biển, đặc biệt có vịnh nước sâu Sơn Dương, vị trí gần đường hàng hải quốc tế, ở trên bờ nằm ngay sát quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh. Những năm qua, Hà Tĩnh đã rất nỗ lực trong việc đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển, đơn cử như việc tỉnh ký “Biên bản ghi nhớ” với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc hợp tác khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương. Từ đây, cảng Vũng Áng đã đón nhiều chuyến tàu container của các công ty là thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đến xuất/nhập hàng container đi các cảng trong nước.

Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ các chuyến tàu container qua cảng Vũng Áng.

vo-trong-hai.jpg

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Nhờ có ưu thế của hệ thống cảng biển, Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, số vốn lên đến hàng chục tỷ USD trong thời gian qua. Trong đó phải nói đến dự án mang tính động lực phát triển - luyện gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã đầu tư chuỗi nhà máy sản xuất linh phụ kiện phụ trợ cho công nghiệp ôtô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao; cảng biển tổng hợp và khu logistics…

Tuy nhiên, Hà Tĩnh xác định, từng đó là chưa đủ so với những tiềm năng, lợi thế mà nơi này có sẵn. Do vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX (2021 - 2025), xác định: Trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển là 1 trong 4 trụ cột để phát triển; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đẩy nhanh việc quy hoạch chi tiết đồng bộ cả trên bờ và dưới nước ở khu vực cảng Sơn Dương, Vũng Áng cũng như ở một số nơi khác, tỉnh Hà Tĩnh xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, rốt ráo thực hiện, nỗ lực đưa cảng biển Hà Tĩnh phát triển xứng tầm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam:

Cần khuyến khích xây dựng và thực thi các chuỗi giá trị nuôi biển bền vững

Nghị quyết 36 NQ/TW của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định phát triển bền vững ngành thủy sản là một trong những đột phá, trong đó Chiến lược cũng đã quyết định giảm cường lực khai thác và tăng cường phát triển nuôi trồng thủy hải sản.

Tuy nhiên, hiện nay do chưa có Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch phát triển các tỉnh thành phố và các khu vực, nên việc giao khu vực biển cụ thể cho người nuôi hải sản gặp nhiều khó khăn. Đây là điểm nghẽn lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp nuôi biển, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân. Chính vì vậy, cần thiết phải khẩn trương hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia trình Chính phủ thẩm định và Quốc hội thông qua; các địa phương cũng cần chủ động trong việc tích hợp nuôi trồng thủy sản đã có vào quy hoạch tỉnh, trình Hội đồng nhân dân và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm.

pgs-huu-dung.jpg

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam

Bên cạnh đó, việc giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để bớt phiền hà cho doanh nghiệp, ngư dân. Bởi hiện nay, việc thực hiện thủ tục hành chính giao khu vực biển có tới 2 cơ quan Nhà nước thực hiện (chưa kể phải lấy ý kiến của 5 - 7 cơ quan khác với nhiều giấy tờ, thủ tục chồng chéo), rất phiền phức và mất thời gian.

Đồng thời, cần xem xét xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam về lĩnh vực nuôi biển công nghiệp, làm cơ sở pháp lý kỹ thuật cho quản lý Nhà nước cho các vấn đề như yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho cơ sở và phương tiện nuôi, an toàn sinh học cho vật nuôi và vùng nuôi vật liệu an toàn cho môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển…

Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải chỉ định hoặc giao nhiệm vụ cho cơ quan thực hiện việc đăng ký đăng kiểm cho cơ sở và phương tiện nuôi biển; làm cơ sở cho việc ký kết và thực hiện các hợp đồng bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ nuôi biển, đặc biệt đối với nuôi biển trong vùng biển từ ngoài 3 hải lý. Đối với nhóm đối tượng quan trọng và đông đảo nhất trong nghề nuôi biển là các hợp tác xã và hộ ngư dân nuôi biển trong vùng dưới 3 hải lý, cần ban hành chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi vật liệu lồng bè truyền thống sang sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường như HDPE và composite.

Cần có các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các vùng nuôi biển tập trung; khuyến khích cộng đồng xây dựng và thực thi các chuỗi giá trị nuôi biển bền vững, phát triển các mô hình tích hợp nuôi biển bền vững với các ngành kinh tế biển khác, như dịch vụ du lịch, năng lượng biển, dầu khí, vận tải biển…

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam:

Du lịch kết hợp nuôi biển công nghệ cao sẽ tạo ra những loại hình giải trí mới

Khai thác thủy sản là ngành kinh tế biển xanh quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, các ý tưởng quy hoạch không gian biển dường như quan tâm nhiều đến khuyến khích khai thác hải sản xa bờ. Điều này phù hợp nhưng cần lưu ý rằng, khai thác vùng lộng (gần bờ) đang đóng vai trò quan trọng trong nghề cá và còn gắn bó lâu dài với ngư dân việt Nam. Nhiều vùng biển không xa bờ là ngư trường của nhiều loài di cư, di chuyển theo mùa và nguồn lợi này rất quan trọng với nền kinh tế, giải quyết việc làm cho 2 triệu ngư dân và duy trì các hoạt động kinh tế kèm theo (chế biến, giao thương). Hơn nữa, ngư dân nhiều địa phương không có kinh nghiệm, truyền thống đánh bắt xa bờ.

pgs-ts-vo-si-tuan-696x616.jpg

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài học cho việc đánh bắt và khai thác thủy sản gần bờ vào những năm 1990 cho thấy, việc khai hoang phát triển ao đìa nuôi trồng thủy sản đã hủy diệt hầu hết diện tích rừng ngập mặn ven biển. Hiện nay, nhiều ao đìa nuôi không hiệu quả đang bị bỏ hoang, chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng và việc phục hồi rừng ngập mặn chỉ được thực hiện ở quy mô rất nhỏ.

Chính vì vậy, trong Quy hoạch không gian biển, việc Quy hoạch không gian cho khai thác thủy sản trên vùng biển gần và xa bờ là rất cần thiết nhằm đưa ra một chiến lược quản lý nghề cá phù hợp, giảm khai thác quá mức và chấm dứt tình trạng khai thác hủy diệt.

Quy hoạch không gian biển chúng ta đang xây dựng không thể loại bỏ nuôi trồng thủy sản trong các vũng, vịnh. Việc cần làm ngay là giảm diện tích quy mô nuôi trồng đối với các khu vực tập trung quá nhiều lồng bè. Điều này sẽ giúp tăng cường lưu thông nước, tăng sức tải sinh thái, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nước và trầm tích ở vùng nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Vấn đề nuôi biển ngoài khơi là một hướng đi không thể né tránh, vấn đề cốt lõi để quy hoạch nuôi lồng vùng biển mở là phải có công nghệ nuôi phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về thời tiết khí hậu và có hiểu biết sâu sắc về đặc điểm hải dương học vùng nuôi.

Việc quy hoạch không gian cho du lịch biển nên được thực hiện theo quan điểm tổng thể, liên ngành. Không gian du lịch cần gắn kết với bảo tồn biển nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn mà thiên nhiên ban tặng và là nền tảng đảm bảo tính khác biệt, cũng như hỗ trợ du lịch sinh thái phục vụ khách du lịch đẳng cấp cao. Du lịch kết hợp với nuôi biển công nghệ cao sẽ là hướng đi tạo ra những loại hình giải trí mới. Nuôi thiên nhiên các loại hải sản có giá trị kinh tế cao có thể được triển khai ở các vùng biển đang được giao cho các doanh nghiệp du lịch quản lý.

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh:

Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy các lợi thế tự nhiên

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.

1945016_99_17183623.jpg

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh

Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường gắn với sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới của vịnh Hạ Long, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với năng lực quản lý và phát triển du lịch bền vững của Quảng Ninh. Đồng thời, các ngành, địa phương của tỉnh cũng luôn chủ động đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, những giải pháp quản lý phù hợp, chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các dự án phát triển du lịch. Cũng như khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Nhờ cách làm mới mang tính đồng bộ, giải pháp hiệu quả, hoạt động du lịch đã có bước tiến quan trọng, bước đầu xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh. Du lịch dần khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh, đóng góp cho ngân sách địa phương với tỷ lệ ngày càng tăng.

Sự phát triển của du lịch đã thúc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Kim Liên - Đức cảnh - Phạm Hoạch (lược ghi)