Lạc vào đại ngàn Bạch Mã

Môi trường - Ngày đăng : 19:24, 20/01/2023

(TN&MT) - Để lên được đỉnh Bạch Mã phải trải qua cung đường gần như dốc đứng, quanh co theo sườn núi với những trải nghiệm tuyệt vời. Không chỉ có phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, Bạch Mã còn sở hữu hệ sinh thái rừng phong phú như một “kho báu” giữa đại ngàn Trường Sơn. Cũng chính vì thế, “cuộc chiến” giữ rừng lắm nỗi gian nan.

“Tuyệt tác” của thiên nhiên

Chúng tôi trở lại Bạch Mã vào một ngày cuối đông. Con đường lên đỉnh uốn lượn qua các sườn núi, bốn bề rừng xanh điệp trùng, hùng vỹ, thoắt ẩn thoắt hiện qua các tầng mây là các thảm thực vật đa sắc màu. Hành trình lên đỉnh Bạch Mã gần 16km bằng ô tô. Nằm ở độ cao từ 1.200m đến 1.450m, cách biển khoảng 10km nên khí hậu khu vực đỉnh Bạch Mã cực kỳ dễ chịu. Dọc đường, thấp thoáng sau cánh rừng mờ ảo hòa quyện với mây trắng là những ngôi biệt thự cũ với kiểu kiến trúc Pháp. Có cả thảy 139 lô được quy hoạch từ thời Pháp thuộc, hiện, ước tính còn khoảng gần 100 nền móng sót lại, trong đó, đã khôi phục khoảng 10 căn với từng nét riêng độc đáo, được đặt tên theo các loài động, thực vật nơi đây.

81-3-.jpg

Những phút dừng chân giữa núi rừng hoang vu.

B: Với 10/10 tiêu chí, các Quan chức về môi trường của ASEAN vừa thống nhất đề cử Vườn quốc gia Bạch Mã trở thành Vườn Di sản ASEAN lên cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN phê duyệt và dự kiến được trao chứng nhận tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17.

Dọc theo tuyến đường mòn Vọng Hải Đài, TS. Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết, Bạch Mã là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với những người yêu thích chim. Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận có hơn 363 loài, chiếm gần 40% tổng số loài chim của cả nước, trong đó, có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam.

Đi hết Vọng Hải Đài, chúng tôi bắt gặp khoảnh trời đầy mây trắng với đủ hình thù như ở trong tiên cảnh. Kỳ lạ thay, có những đám mây dày đặc như quấn lấy chân người, như những chú ngựa non quây lấy chủ đòi ăn. Chúng tôi tiếp tục theo xe về thăm tuyến đường mòn Ngũ Hồ. Đây là tuyến đường khám phá thiên nhiên mà chắc chắn ai cũng phải trầm trồ khen ngợi trước vẻ đẹp của tạo hóa. Những vách đá kỳ vĩ khổng lồ đã kiến tạo nên những thác và hồ nước trong xanh. Cây cối và vách đá dọc theo con suối nơi đây đều nhuốm màu rêu dày đặc, cổ kính, tạo nên cảnh vật khá là dị thường.

Leo xuống những vách núi, đu dây hoặc men theo các bậc cấp xuôi dọc xuống các thác và hồ nước tầm khoảng 1,5km, chúng tôi ra đến đỉnh thác Đỗ Quyên. Đây là ngọn thác nổi tiếng ở Bạch Mã với chiều cao gần 400m. Để đi xuống được chân thác phải chinh phục được gần 690 bậc cấp cao ngất ngưởng (mỗi bậc cao trung bình 30 - 45cm). Khi đến được chân thác chúng tôi vỡ òa khi ngắm nhìn những cây gỗ cao lớn và thác nước vô tận. Đây cũng là nơi thượng nguồn của sông Tả Trạch, một nhánh chính của sông Hương - linh hồn của xứ Huế mộng mơ.

Giữ rừng mãi xanh

Bạch Mã là khu rừng đầu nguồn quan trọng, là nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước sạch rất lớn, là nơi đem lại các giá trị đa dụng của rừng. Ấy vậy mà, nơi đây vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực của một bộ phận người dân do có hoàn cảnh khó khăn. Qua tìm hiểu, họ là “nạn nhân” của những kẻ “đầu nậu”, bị thuê mướn vào rừng để cưa gỗ, săn bắt thú và mang vác ra để lấy tiền công nhật.

81-1-.jpg

“Câu chuyện này trước đây khá phổ biến, tuy nhiên, nayđã giảm nhiều. Một số nhóm vẫn còn hoạt động lén lút. Các trạm kiểm lâm của vườn luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên nắm bắt đối tượng để có giải pháp phù hợp...”, ông Trần Châu Long - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng của VQG Bạch Mã chia sẻ.

Rừng rộng nhưng lực lượng bảo vệ thì ít, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, dù phải đối diện với nhiều gian nan nhưng trong hoàn cảnh nào, “người lính” vẫn luôn sẵn sàng vượt qua...

Bạch Mã dường như không có chỗ cho sự xô bồ, lòng người nhẹ thênh thang, tạm quên muộn phiền. Xa xa, chúng tôi nhìn về phía rừng bạt ngàn, xanh thẳm và suy ngẫm về sự hy sinh thầm lặng của những “người lính”. Mong một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Mong rừng mãi xanh.

Văn Dinh