Nhà của gấu

Môi trường - Ngày đăng : 19:24, 20/01/2023

(TN&MT) - 7h, tiếng chuông reo rộn cả khu trại gấu rộng hơn 100ha của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tại xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan). Những chú gấu nhanh nhẹn bò ra giữa khuôn viên bán tự nhiên, trèo lên những cây cột có hộc to để tìm kiếm đồ ăn, ánh mắt hồ hởi…

Chúng có những cái tên rất đáng yêu: Thái Vân, Thái Giang, May, Bình Yên, Nhí Nhố, Misa… gắn liền với số phận khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung - đã từng là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật trái phép, bị nuôi nhốt, hút mật.

49 cá thể, 49 số phận…

Mỗi chú gấu sống tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là một cuộc đời, có khi bị giam cầm, bị hành hạ, có khi đang trên đường bị vận chuyển buôn bán, sắp bị giết thịt, lại có khi là gấu con đáng thương bị lạc mẹ…

Lê mình trên đám cỏ xanh mướt, một cá thể Gấu ngựa bị tụt lại phía sau, hai chân sau cao hơn hai chân trước khiến việc di chuyển của nó thực sự khó khăn. Thi thoảng nó ngã chúi mặt xuống đất, rồi tiếp tục bò về nơi có mật ong thơm ngọt. Đó là Hai Chân, được giải cứu vào tháng 11/2017, sau 10 năm bị nuôi nhốt để lấy mật - đây một trong ba cá thể đầu tiên được giải cứu về cơ sở.

u.jpg

Chú gấu Thái Giang thoả thích vui đùa trong hồ bơi ở khu bán hoang dã

Chị Quách Thị Lành, nhân viên chăm sóc gấu chia sẻ, lúc được phát hiện, nó chỉ còn có hai chân sau, hai chân trước đã bị cưa cụt mất do nhu cầu về súp tay gấu, rượu tay gấu. Hai Chân được đưa về chăm sóc, với sức khỏe rất yếu sau một thập kỷ phải sống trong một chiếc chuồng sắt chật chội. Nó bị căng thẳng, suy dinh dưỡng, phải chịu đau đớn do tuyến thượng thận phình to và quá trình hút mật khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.

“Hầu hết các con gấu bị nuôi nhốt được cứu hộ về đây đều mắc các bệnh như viêm túi mật, răng miệng, viêm gan, béo phì, viêm khớp, vì chúng được nuôi trong những chuồng, cũi chật hẹp, không có ánh sáng và bị chích hút mật lâu năm”, chị Lành cho hay.

Về chung “một nhà”, được “hồi sinh”

Mong muốn giải thoát những cá thể gấu không may mắn đang bị nuôi nhốt tại các trang trại gấu tư nhân, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn nạn buôn bán, nuôi nhốt gấu trái phép. Đồng thời, chăm sóc phục hồi sức khỏe, thực hiện các nghiên cứu khoa học tiến tới đưa chúng trở lại thiên nhiên, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình do Tổ chức quốc tế Four Paws đầu tư xây dựng và khánh thành ngày 7/3/2019 tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan với tổng diện tích khoảng 10ha, đủ chỗ cho khoảng 100 cá thể gấu.

Đến nay, cơ sở đã hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án với diện tích rộng 3,6 ha. Nơi đây trở thành ngôi nhà chung của nhiều cá thể gấu được tổ chức phúc lợi động vật quốc tế Four Paws giải cứu khỏi các trang trại nuôi nhốt lấy mật trái phép hay hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.

dd.jpg

Những chú gấu được tự do vui đùa

“Chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường để giúp loài gấu có cơ hội được thực sự sống cuộc đời của gấu. Đây sẽ là nơi chúng được sống, được bảo vệ và phục hồi khỏi những tổn thương suốt thời gian dài”, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng bộ phận giáo dục và truyền thông của Cơ sở nói.

Quả thật như vậy, từ khi về với Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, Hai Chân được thăm khám sức khỏe, chăm sóc y tế, hàng ngày được ăn rất nhiều rau, củ quả, mía, mật ong… và hơn cả, sau gần 20 năm sống trong cũi sắt, lần đầu tiên chú được nếm trải cảm giác tự do, được thoải mái vui đùa giữa thiên nhiên.

Gắn bó, chăm sóc những chú gấu được cứu hộ từ những ngày đầu cơ sở thành lập, ông Bùi Văn Phúc, nhân viên của cơ sở nhớ lại, từ một cá thể gấu bị căng thẳng, mang trên mình nhiều bệnh mãn tính, bạn Hai Chân trở thành một cô gấu vui vẻ, hoạt bát, dành nhiều thời gian ở khu bán hoang dã. Bạn trở về sống đúng với đặc tính tự nhiên của loài và có thể thoải mái thể hiện nét tính cách nhí nhố của mình. Cũng bởi vậy, các cô chú ở đây không gọi cái tên Hai Chân nữa mà gọi cô gấu này bằng một cái tên khác là “Nhí Nhố”.

Còn Gấu Long, từ khi được cứu hộ và được các nhân viên tại đây chăm sóc, gấu Long đã ăn dễ dàng hơn, có thể dùng bàn tay để giữ thức ăn và cắn từng miếng nhỏ. Thể trạng của gấu Long đang dần cải thiện, có cơ, khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn.

Sau khi ở nhà gấu từ 1 đến 2 tuần, gấu sẽ được cho ra khu bán hoang dã. Ở khu này, chúng tôi cũng cố gắng giữ lại nguyên vẹn địa hình, các cây xanh đã có ban đầu, với các quả đồi nhỏ, tạo độ dốc cho gấu vận động và dần phục hồi được bản năng tự nhiên. Để luyện gấu tích cực sử dụng khứu giác, thị giác cũng như sự khéo léo của cơ thể để tìm kiếm thức ăn, các nhân viên chăm sóc thường giấu thức ăn trong các ống tre, hốc cây, trên cành.

Đến nay, hầu hết các chú gấu được đưa về đây đều có tiến triển về sức khỏe tốt và dần làm quen với môi trường bán hoang dã, từng bước phục hồi các bản năng của mình. Đây được coi là chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn gấu nói riêng, bảo tồn động vật hoang dã nói chung.

Tuyết Chinh