Sở TN&MT Sơn La xác minh, đảm bảo nguồn nước cho nhân dân bản Tà Xa, huyện Mai Sơn
Môi trường - Ngày đăng : 21:16, 17/01/2023
Theo phản ánh của người dân bản Tà Xa, trước đây, bản Tà Xa đã được đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn nhưng đường ống bị hư hỏng nên không sử dụng được. Đa số nhân dân phải sử dụng nước suối Nậm Pàn là nguồn cung cấp nước chính cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Song, khoảng 1 tháng trở lại đây, cuộc sống của người dân bị đảo lộn do nguồn nước suối bị ô nhiễm, có màu nâu đục, bọt trắng, mùi hôi. Người dân nghi vấn đây là ảnh hưởng của hoạt động xả thải từ nhà máy sắn, mía đường trên địa bàn.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Bon cho biết: Để làm rõ những kiến nghị của nhân dân, ngày 8/1, UBND xã đã tổ chức kiểm tra tình trạng nước suối tại 3 điểm phía trên và dưới khu vực xả thải của Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La theo chiều dòng chảy. Qua đánh giá trực quan, màu nước giữa các điểm như nhau, không có mùi ô nhiễm của sắn, mía đường. Theo dõi hiện trạng nước từ ngày 8/1 đến nay, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người dân bản Tà Xa không có nguồn nước đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt. UBND xã đã có văn bản đề nghị huyện có phương án cấp nước cho người dân. Xã cũng chủ động làm việc với Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn để khảo sát, xây dựng kế hoạch dẫn nước, song do kinh phí đầu tư lớn nên chưa thực hiện được.
Lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn cho biết: Liên quan đến phản ánh về tình trạng ô nhiễm nước suối Nậm Pàn chảy qua địa phận bản Tà Xa, xã Mường Bon, UBND huyện đã tiếp nhận thông tin từ ngày 4/1, đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát, thu thập dữ liệu, lấy mẫu tại khu vực nước có phản ánh ô nhiễm.
Qua xác minh bước đầu, ngày 4/1, hộ gia đình ông Lò Văn Đoàn bản Un, xã Mường Bon bơm nước từ ao nuôi cá ra mương thoát nước chung của bản Un và ra suối Nậm Pàn. Nước thải này cuốn theo bùn, cặn có tại mương thoát nước chung từ trước, do đó có màu xanh rêu, mùi tanh đặc trưng của bùn và nước ao.
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Sơn La vẫn hoạt động ổn định, không phát hiện dấu hiệu xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đơn vị vẫn thực hiện truyền dữ liệu từ hệ thống xả thải và quan trắc tự động về Sở TN&MT để giám sát theo quy định.
UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh lấy 2 mẫu nước tại vị trí trước và sau điểm tiếp nhận xả thải của Nhà máy tinh bột sắn Sơn La. Thời điểm lấy mẫu, Nhà máy có xả thải nhưng lưu lượng nhỏ, do đơn vị đã tái sử dụng khoảng 50% nước thải sau xử lý vào sản xuất.
Kết quả quan trắc ngày 14/1 của Trung tâm Quan trắc TN&MT cho thấy, chất lượng nước về cơ bản ổn định. Có 2 thông số vượt so với quy chuẩn, trong đó, thông số BOD5 có trong tất cả các loại nước thải; thông số Nitrit là đặc trưng của nước mặt. Thông số Xianua – đặc trưng của nước thải sắn nằm trong giới hạn cho phép.
Cũng trong ngày 14/1, Đoàn liên ngành của huyện tiếp tục kiểm tra nguồn nước suối, nguồn nước có màu xanh rêu, không có mùi hôi khó chịu. Ngày 16/1, UBND huyện đã phối hợp với Tổ công tác Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh tiến hành khảo sát, xác minh phản ánh về ô nhiễm môi trường tại khu vực bản Tà Xa.
Thời điểm kiểm tra, hiện trạng suối Nậm Pàn có màu xanh rêu, không phát hiện mùi hôi khó chịu. Đoàn công tác tiếp tục lấy 4 mẫu nước thải, trong đó, 2 mẫu tại bể chứa nước suối phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình trong bản để đánh giá chất lượng nước và mức độ ô nhiễm. Sau khi có kết quả quan trắc tại 4 vị trí lấy mẫu, UBND huyện sẽ thông tin kịp thời tới chính quyền địa phương để có thông tin chính thống tới người dân.
Về nghi vấn của người dân nguồn nước bị ô nhiễm do hoạt động xả thải của Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La và Công ty CP Mía đường Sơn La, theo lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn, không có cơ sở để khẳng định nguồn nước ô nhiễm do 2 đơn vị này.
Trên thực tế, suối Nậm Pàn đang là điểm tiếp nhận nước thải của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, nước thải sinh hoạt… của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức từ thượng lưu đổ về. Trong khi huyện Mai Sơn chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Với 2 cơ sở chế biến nông sản tập trung trên địa bàn huyện, trước và trong niên vụ 2022-2023, Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác có liên quan đối với các cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường của tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất.
Qua ghi nhận từ hệ thống camera giám sát và theo dõi sổ nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải, không phát hiện dấu hiệu các cơ sở xả thải trái phép.
Để làm rõ nguyên nhân nguồn nước bị ảnh hưởng, UBND huyện đã giao các phòng ban chuyên môn cùng xã Mường Bon rà soát lại công tác xử lý nước thải tại các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, các cơ sở có phát sinh nước thải trên địa bàn để có hướng xử lý với các trường hợp chưa đảm bảo. Tăng cường giám sát, nắm địa bàn để kịp thời phát hiện nếu có sự cố xảy ra.
Huyện cũng khuyến cáo tới người dân, kết quả quan trắc hàng năm cho thấy, nước suối Nậm Pàn chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, nếu sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải có các biện pháp xử lý nước đảm bảo.
Về lâu dài, để giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân bản Tà Xa, thời gian qua, UBND huyện đã khẩn trương giải phóng mặt bằng các hạng mục liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu công nghiệp Mai Sơn giai đoạn I - Hạng mục hệ thống cấp nước, với quy mô 5.000m3/ngày đêm.
Hiện nay, Hạng mục Hệ thống cấp nước khu công nghiệp đã thi công xong cơ bản các hạng mục chính gồm: Sửa chữa khu đầu mối, trạm thủy luân; trạm bơm đầu mối; tuyến kênh từ trạm thủy luân về khu xử lý; khu xử lý nước; công trình phụ trợ; cấp điện 35Kv vào trạm; đường ống cấp nước đạt 3.159/4.000m.
Hiện đang tiếp tục triển khai thi công hệ thống điện động lực, hố van, tuyến ống, mái che máy phát điện, một số hạng mục còn lại theo hồ sơ thiết kế. Dự kiến trong Quý I/2023, công trình đi vào hoạt động sẽ cấp nước sinh hoạt cho Khu công nghiệp Mai Sơn và các bản lân cận, trong đó có bản Tà Xa, xã Mường Bon.