Liên Hợp Quốc kêu gọi thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng tái tạo

Thế giới - Ngày đăng : 13:26, 17/01/2023

(TN&MT) - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres vừa cho biết, năng lượng tái tạo là con đường đáng tin cậy duy nhất nếu thế giới muốn ngăn chặn thảm họa khí hậu, đồng thời chỉ rõ Kế hoạch năng lượng năm điểm cho một quá trình chuyển đổi công bằng.
image1170x530cropped.jpg

Đèn năng lượng mặt trời có thể sạc lại giúp các bé gái học bài khi trời tối ở Chad. Ảnh: UNICEF

“Án tử” cho nhiều người

Phát biểu trực tuyến tại Phiên họp thứ 13 của Hội đồng Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) vừa diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh, chỉ năng lượng tái tạo mới có thể bảo vệ tương lai của chúng ta, thu hẹp khoảng cách tiếp cận năng lượng, ổn định giá cả và đảm bảo an ninh năng lượng. Ông kêu gọi: “Hãy cùng nhau bắt đầu cuộc cách mạng năng lượng tái tạo và tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người”.

Người đứng đầu LHQ cảnh báo thế giới vẫn “nghiện” nhiên liệu hóa thạch và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang nhanh chóng tuột khỏi tầm tay.

“Theo các chính sách hiện tại, chúng ta đang trên đà chạm tới sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này. Hậu quả sẽ rất tàn khốc. Một số nơi của hành tinh chúng ta sẽ không thể ở được. Và đối với nhiều người, đây là bản án tử hình”, ông Guterres nhấn mạnh.

Các nguồn năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 30% điện năng toàn cầu. Ông Guterres cho biết con số này phải tăng gấp đôi lên hơn 60% vào năm 2030 và 90% vào giữa thế kỷ này.

Năm điểm chủ chốt trong Kế hoạch năng lượng

Kế hoạch Năng lượng Năm điểm trước tiên kêu gọi loại bỏ các rào cản về sở hữu trí tuệ để các công nghệ tái tạo quan trọng, bao gồm lưu trữ năng lượng, được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu.

Ngoài ra, các quốc gia phải đa dạng hóa và tăng khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và các thành phần cho công nghệ năng lượng tái tạo mà không làm suy thoái môi trường. Theo ông Guterres, điều này có thể giúp tạo ra hàng triệu việc làm xanh, đặc biệt cho phụ nữ và thanh niên ở các nước đang phát triển.

Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi các nhà hoạch định nhanh chóng phê duyệt các dự án bền vững trên toàn thế giới và hiện đại hóa lưới điện.

image1024x768.jpg

Tại Belarus, UNDP đã giúp xây dựng trang trại gió lớn nhất đất nước. Năng lượng gió có thể giúp Belarus trở nên độc lập về năng lượng vào năm 2050. Ảnh: UNDP

Đồng thời, ông Guterres chỉ rõ điểm thứ tư trong kế hoạch năng lượng trên là tập trung vào trợ cấp năng lượng. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch và giá cả phải chăng, đồng thời hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi này.

Điểm cuối cùng nêu rõ, cách đầu tư công và tư vào năng lượng tái tạo nên tăng gấp 3 lần lên ít nhất 4 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đề cập đến việc hầu hết các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đều ở các nước phát triển, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các nước hợp tác để giảm chi phí vốn cho năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn tài chính đến được những người cần nhất.

Ông nói thêm, các ngân hàng phát triển đa phương cũng phải tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, trong khi các quốc gia giàu có hơn phải làm việc với các cơ quan tín dụng để tăng quy mô đầu tư xanh ở các nước đang phát triển.

Tăng cường chủ quyền năng lượng

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Csaba Kőrösi nhấn mạnh thành công trong việc bảo vệ khí hậu phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tuy vậy, ông cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng mà chúng ta nhìn thấy trước là một chương trình nghị sự trong thời bình. Nó sẽ hoạt động như thế nào trong thời điểm xảy ra các cuộc đối đầu chính trị lớn khi nguồn cung cấp năng lượng bị biến thành công cụ xung đột?

Mặc dù những trở ngại có thể xảy ra trong ngắn hạn, cùng với khả năng gia tăng phát thải khí nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu, nhưng ông Kőrösi đã chỉ ra những lợi ích lâu dài của năng lượng xanh.

"Nếu chúng ta xem xét các xu hướng đầu tư, tác động lâu dài của cuộc xung đột có thể ngược lại. Từ năng lượng mặt trời đến gió, sóng và địa nhiệt, các nguồn năng lượng tái tạo đều tồn tại khắp nơi trên nhiều vùng địa lý, khí hậu. Việc sử dụng chúng có tiềm năng củng cố chủ quyền năng lượng”, ông Kőrösi cho biết.

image1170x530cropped-1-.jpg

Năm 2022, các thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu - lũ lụt, nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hàng triệu người và gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Ảnh: WMO

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đã vạch ra các bước phải thực hiện để năng lượng tái tạo chiếm 60% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030. Chúng bao gồm đầu tư vào các công cụ đo lường khoa học, tạo cơ chế theo dõi để đánh giá tiến độ, loại bỏ các rào cản sở hữu trí tuệ và củng cố quan hệ đối tác cho các sáng kiến năng lượng bền vững.

Nhấn mạnh hành động cấp bách, ông Kőrösi cho biết: “Chúng ta đang trong một cuộc chạy đua tuyệt vọng với thời gian. Chúng ta cần hành động táo bạo để hạn chế biến đổi khí hậu. Chúng ta có kiến thức, có phương tiện. Chúng ta cần có thêm ý chí”.

Mai Đan