Rộn ràng đôi cánh mùa Xuân
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 06:55, 16/01/2023
Ảnh vệ tinh “made in Việt Nam”
Ngày 4/10/1957, khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất đã mở ra cho nhân loại một phương thức mới để quan sát Trái đất và nghiên cứu vũ trụ bao la. Ảnh vệ tinh có thể mang đến hình ảnh phủ trùm một diện tích rộng lớn từ hàng chục đến hàng trăm km - điều mà chưa nhiếp ảnh gia nào có thể thực hiện bằng máy ảnh thông thường.
Ông Lê Minh Sơn - Giám đốc Đài Viễn thám Trung ương (Cục Viễn thám quốc gia) đã gắn bó với những bức ảnh vệ tinh gần 40 năm. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên chuyên ngành bản đồ viễn thám Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã được tiếp cận các ảnh vệ tinh của Liên Xô. Những bức ảnh này là thành tựu của một ngành công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hồi đó nên chưa bao giờ ông Sơn nghĩ đến một ngày, ông lại trực tiếp nhận một bức ảnh từ vệ tinh do chính Việt Nam phóng lên vũ trụ.
“Đó là hồi 11 giờ ngày 9/5/2013 (giờ Hà Nội), sau 48 giờ phóng thành công lên quỹ đạo, VNREDSat-1 - vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam - đã thực hiện thành công việc chụp ảnh và truyền ảnh tức thời xuống trạm thu ảnh mặt đất tại Hà Nội”, ông Sơn chia sẻ.
“Nhóm ảnh đầu tiên chúng tôi nhận được có hình ảnh cực Bắc Tổ quốc Lũng Cú (Hà Giang), hòn đảo cực Nam Phú Quốc và Thủ đô Hà Nội. Khác với những bức ảnh hồ Gươm lung linh trong sương sớm của các nhiếp ảnh gia, ảnh vệ tinh chụp toàn cảnh Hà Nội với hồ Gươm như một trái tim xanh. Hình ảnh vừa lạ vừa quen gây xúc động mạnh”, ông Sơn chia sẻ mà vẫn như còn nguyên cảm xúc ấy.
Thật ra, ảnh vệ tinh không còn xa lạ với những người như ông Sơn bởi trước khi nhận ảnh từ VNREDSat-1, chúng ta đã mua nhiều ảnh vệ tinh từ các quốc gia như Liên Xô, Pháp… để sử dụng. Nhưng nhận được bức ảnh từ vệ tinh đầu tiên của Việt Nam, ông Sơn trào lên niềm tự hào bởi mong mỏi bao lâu nay, những bức ảnh được chụp bằng vệ tinh “made in Việt Nam” đã thành hiện thực.
Chủ động thu nhận siêu dữ liệu
Gần 10 năm qua, VNREDSat-1 đã và đang cung cấp hàng ngàn ảnh phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, đồng thời, đóng góp tích cực phục vụ an ninh quốc phòng quốc gia. Ảnh vệ tinh VNREDSat-1 được các chuyên gia trong lĩnh vực vũ trụ, viễn thám đánh giá cao bởi tính ưu việt của nó trong cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao gần như ngay sau khi chụp. Tuy nhiên, do chiều rộng dải chụp chỉ khoảng 17,5km nên ảnh vệ tinh VNREDSat-1 không đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh phủ kín diện tích lớn. Ngoài ra, ảnh của VNREDSat-1 là ảnh quang học nên việc chụp ảnh phụ thuộc tương đối nhiều vào thời tiết.
Ông Lê Minh Sơn cho biết, để phục vụ cho các nhu cầu cần diện ảnh chụp rộng và độ phân giải cao, Việt Nam đã ký hợp đồng mua ảnh chụp SPOT 6/7 của Pháp từ năm 2014. Song song với việc khai thác ảnh từ Pháp, chúng ta đã nâng cấp trạm thu ảnh vệ tinh để tự thu nhận được ảnh từ SPOT6/7.
Tháng 3/2021, Bộ TN&MT công bố tới các bộ, ngành địa phương thông tin về dữ liệu và siêu dữ liệu ảnh viễn thám SPOT 6/7 độ phân giải 1,5m thu được tại Trạm thu ảnh viễn thám quốc gia do Cục Viễn thám quốc gia quản lý và vận hành. Từ đây, chúng ta thêm chủ động về nguồn ảnh cũng như tiết kiệm không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
Ảnh từ vệ tinh SPOT 6/7 có độ phân giải mặt đất 1,5m toàn sắc và 6 - 8m đa phổ, kích thước ảnh có độ phủ rộng từ 60 - 120km bề ngang. Với độ phân giải mặt đất cao, ảnh viễn thám SPOT6/7 được áp dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập bản đồ trực ảnh địa hình tỷ lệ trung bình đến lớn (1/25.000 -1/10.000).
Việc thu nhận trực tiếp ảnh vệ tinh SPOT 6/7 có độ phân giải cao tới 1,5m đã cho phép giám sát với mức độ chi tiết cao, làm tăng hiệu quả của cung cấp các số liệu khách quan, độ phủ trùm lớn, đa thời gian, cùng lúc nhiều đối tượng giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo được chính xác, kịp thời, đồng bộ.
Đặt niềm tin vào “thế hệ số”
Công nghệ viễn thám, công nghệ vệ tinh là những công nghệ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai bởi ước mơ khám phá vũ trụ không ngừng nghỉ của con người.
Ông Sơn cho rằng, hàng loạt những ứng dụng công nghệ hiện đại nhất như công nghệ dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), máy học… hay các nền tảng siêu dữ liệu như Google Earth Engine, Amazon Web Service, Hadoop… đều cần thiết trong việc sử dụng, khai thác, ứng dụng dữ liệu viễn thám.
Bởi thế, ông Sơn luôn dành sự kỳ vọng cho các bạn trẻ - những người được xem như “thế hệ số” dẫn dắt tương lai. Họ sẽ sáng tạo và nghiên cứu, ứng dụng, viết tiếp những trang sử của ngành Viễn thám Việt Nam.
Nói về tương lai gần hơn, ông Sơn chia sẻ, trong năm 2023, Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng một trạm thu mới tại Hà Nội để thu nhận dữ liệu viễn thám ra-đa và quang học độ phân giải siêu cao. Trạm thu này đi vào hoạt động sẽ giúp Việt Nam thu được nhiều ảnh độ phân giải cao đáp ứng yêu cầu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ về viễn thám, đưa công nghệ viễn thám trở thành một trong các trụ cột của hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Trên bầu trời cuối đông, những cánh én đang báo tin xuân tới. Trong quỹ đạo Trái đất cao và xa hơn, hàng trăm vệ tinh vẫn đang bay, miệt mài quan sát, thu thập dữ liệu chuyển về mặt đất. Từ những bức ảnh vệ tinh ấy, người “chiến sĩ bản đồ” thời 4.0 bằng sức vóc, trí tuệ và sự sáng tạo đã đi tiên phong trong việc vẽ nên dáng hình đất nước, góp phần xây dựng quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, gìn giữ chủ quyền Tổ quốc…