Hồi sinh Sa Ná

Môi trường - Ngày đăng : 06:55, 15/01/2023

(TN&MT) - Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã “hồi sinh” mạnh mẽ sau trận lũ lịch sử năm 2019. Trong không khí cả nước mừng Đảng mừng Xuân, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đi lên từ đổ nát, hoang tàn đến xây dựng và phát triển của bản làng vùng cao Sa Ná nơi biên cương.

1. Trong ký ức của nhiều người về trận "đại hồng thủy" năm 2019 tại bản Sa Ná, xã Na Mèo thuộc huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), sáng ngày 3/8/2019 mãi mãi là nỗi đau không bao giờ quên. Bản Sa Ná khi ấy được gọi là “chảo lũ” khi mà toàn bộ nhà dân, trường học đều bị ngập trong nước và bùn đất. Hàng vạn m3 nước bị tích tụ ở thượng nguồn suối Son sau đó bất ngờ đổ về cuốn trôi người và tài sản. Đây là dòng suối dài khoảng 15km chạy quanh các sườn đồi, triền núi trước khi hoàn mình vào sông Luồng ở bản Bo Hiềng. Theo nhiều người dân, suối Son ngày thường vốn rất “hiền hòa”, nước không tới đầu gối, dân bản có thể lội qua đi rừng hoặc về trung tâm xã Na Mèo. Thế nhưng mưa lớn vào tháng 8/2019 kéo dài đã khiến con suối dâng nước bất thường, mang theo đất đá, cây gỗ từ thượng nguồn, cùng bao nỗi đau ập đến bản làng vốn thanh bình nơi miền biên xứ Thanh.

64-3-.jpg

Nhìn cảnh bình yên này, ít ai biết được bản Sa Ná đã từng hứng chịu trận lũ kinh hoàng.

Lũ đi qua, để lại Sa Ná một màu tang thương, khung cảnh xác xơ, cuộc sống người dân trắng tay, bà con trở về nhà với nước mắt lưng tròng khi tất cả gia sản một đời dành dụm đã biến mất chỉ trong vài phút. Những tiếng khóc xé lòng vang lên giữa đại ngàn khiến ai cũng đều xót xa, bởi chỉ trong có chớp mắt nhà cửa, người thân của họ đã bị dòng nước lũ lạnh lẽo cuốn trôi.

Những mất mát to lớn cả về người và tài sản khiến ai cũng đều bàng hoàng và bất ngờ, cả Việt Nam hướng về Sa Ná với mong muốn xoa dịu nỗi đau mất mát, ổn định đời sống bà con.

2. Trong chuyến công tác đưa tin về cơn lũ, tôi vẫn nhớ như in về cuộc hành trình đầy khó khăn cùng lực lượng chức năng tiếp cận Sa Ná. Để tiếp cận nơi đây, các y, bác sĩ, lực lượng biên phòng, công an phải dùng mô tô nước vượt dòng nước hung dữ, vào chăm sóc người bị thương và tiếp tế lương thực. Con đường duy nhất để vào Sa Ná đã bị nước lũ chia cắt. Ngoài việc dùng mô tô nước vượt dòng lũ dữ để vào được nơi đây, chỉ còn cách mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ đi men theo đường rừng ven bờ sông Luồng với quãng đường 10km.

64-2-.jpg

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang được tăng cường, nhân dân trong vùng tự nguyện vận chuyển lương thực, thực phẩm vào Sa Ná để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân. Đồng thời triển khai phân chia lực lượng tìm kiếm người mất tích, tháo dỡ nhà cửa bị đổ sập…. Ngay sau đó, các ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đến tâm lũ Sa Ná để trực tiếp chỉ đạo các phương án cứu trợ, chia sẻ nỗi đau mất mát động viên về tinh thần, vật chất cho bà con. Cùng với lực lượng tại chỗ, bà con Sa Ná cũng nhận được tình cảm chia sẻ của nhân dân trong cả nước. Nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã hành trình cả chặng đường dài tìm về bản vùng biên Sa Ná để trao quà và động viên tinh thần cho những gia đình bị thiệt hại.

Sau trận lũ, bản Sa Ná nhanh chóng được tái thiết, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dành 52.000m2 đất rừng sản xuất để xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho 51 hộ dân. Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện Quan Sơn đã yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa dân vào nơi ở mới. Với sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, khu TĐC bản Sa Ná đã được hoàn thành trước thời hạn trong thời gian kỷ lục 3 tháng. Ngày 29/11/2019, người dân bản Sa Ná hồ hởi chuyển về nơi ở mới ở khu TĐC, bắt đầu một cuộc sống mới, đánh dấu một cột mốc để Sa Ná hồi sinh.

3.Trở lại nơi đây sau 3 năm, Sa Ná với tôi bây giờ là một diện mạo hoàn toàn khác. Con đường đất lầy lội năm nào nay đã được trải nhựa mới “cứng”, khu TĐC mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đường bê tông quanh bản, nhà cửa kiên cố, hàng cây xanh và hoa nở rộ dẫn vào các điểm trường, nhà văn hóa quy mô, trường học đầy đủ cơ sở vật chất, sân thể thao, hàng tá sự thay đổi đó đã khiến tôi vô cùng choáng ngợp.

Những mất mát đau thương do thiên tai gây ra đã là quá khứ, một mùa xuân mới lại về, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng người dân Sa Ná và bản làng biên giới đang thực sự hồi sinh với niềm tin mãnh liệt về một năm mới bình an và phát triển.

Được biết, ngay sau khi ổn định về nơi ở, vấn đề phát triển kinh tế Sa Ná tiếp tục được chính quyền huyện Quan Sơn quan tâm chú trọng, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn khao sát, tính toán cơ cấu đất đai, bố trí cơ cấu vật nuôi cây trồng, phù hợp với điều kiện bản Sa Ná. Chú trọng đầu tư phát triển các loại vật nuôi như lợn đen bản địa, gà đồi, bò, nuôi lợn hướng nạc,…

Sau khoảng thời gian nỗ lực, đoàn kết của cả chính quyền địa phương và nhân dân, Sa Ná hôm nay từ một bản nghèo nay đã trở thành Bản Nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Quan Sơn. Ông Ngân Phúc Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết: Bản Sa Ná là bản đầu tiên của xã Na Mèo đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân đã ổn định và phát triển hơn nhờ tập trung sản xuất nông lâm nghiệp, trồng lúa nước, khai thác sử dụng hiệu quả Vầu, Luồng, lâm sản phụ,…Một mùa Xuân mới lại sắp đến, người dân và chính quyền nơi đây đang gấp rút tân trang lại đường xá, khuôn viên để chuẩn bị đón Tết Quý Mão 2023. Đi dọc bản làng, không khí đón xuân hối hả, niềm vui tràn trề thể hiện rõ trên nét mặt của mỗi người dân nơi đây. Người tưới hoa, người dọn vệ sinh ngõ xóm… tất cả tạo nên một Sa Ná tươi đẹp sau khoảng thời gian đầy biến cố.

Cũng vừa kịp chuẩn bị cho gia đình một cành đào nhỏ, anh Ngân Văn Kẻm - Trưởng Bản Sa Ná hồ hởi: Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm mà người dân Sa Ná mới có một nơi ở khang trang, đẹp đẽ. Những nỗi đau về trận lũ năm 2019 đã vơi đi nhiều, đời sống kinh tế xã hội nhân dân đã dần ổn định, phát triển. Bà con Sa Ná rất tin tưởng và cảm ơn Đảng và Nhà nước, đồng thời rất trân trọng khu TĐC mới. Nhân dân tự giác trồng thêm cây xanh, đường hoa, quét dọn vệ sinh định kỳ hằng tuần, nhắc nhở nhau thu gom rác thải đúng quy định.

Thu Thủy