Thơm thảo lá lành…
Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 13/01/2023
Miền Trung khúc ruột nghĩa tình, nơi ấy thường gắn liền với gió Lào và bão tố. Nhiều khi, đến chiếc lá cũng không đủ lành để gói một cái gì đó bởi sau những trận cuồng phong, những chiếc lá mẹ ước muốn để dành đã bị bão gió đập tả tơi, rách nát. Thực ra, cây chuối có ở nhiều nơi, khắp mọi miền quê. Thân chuối mềm, mọc thẳng đứng, tàu lá chuối tán rộng, lúc vừa nhú còn non, lá có màu cốm, nõn nà, được bẹ chuối và những chiếc lá già chở che. Lá già sẽ dần ngả màu xanh đậm, khô dần, xuội xuống quanh thân và gốc. Ở quê thường dùng cả lá khô, lá héo và lá tươi. Khi chiếc lá vừa khô, tàu lá đã rũ xuống, người ta thường rọc hai mép dọc sống lá, mang về ép thật thẳng, lau chùi sạch, dùng để gói các loại bánh, trái, thực phẩm đều tốt. Lá chuối tươi cũng được dùng phổ biến. Những ngày tháng Chạp ít nắng, người ta cắt cả tàu lá xuống, đem hơ vào lửa cho chuyển sang màu xi măng sậm, hoặc phơi giữa gió hanh cho lá héo lại. Lá lúc ấy khó rách và dễ dùng.
Trong ký ức của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh bộ đội Sư đoàn 441 thuộc Quân khu 4, đóng quân ở Trung tâm huấn luyện Khe Lang những năm 70, 80 của thế kỷ XX. Ở đây, bộ đội được huấn luyện rất kỹ trong ba tháng “tân binh” để chuẩn bị tham gia tình nguyện phục vụ trên đất bạn Campuchia. Những ngày áp Tết, bộ đội được lệnh vào rừng cõng lá chuối rừng, lá dong về đơn vị gói bánh. Bộ đội đi từng đoàn trên dốc núi, mỗi toán đều có người chỉ huy. Lá được cắt, bó bằng dây rừng cẩn thận, mỗi người một gánh về đơn vị.
Trong những đoàn đi rừng ấy, có người gánh củi khô, không phải ai cũng được phân công cắt lá, hái lá. Phải là những người có kinh nghiệm mới làm được. Lá rừng được chọn là những chiếc thẳng, bánh tẻ, không quá già không quá non. Khi các anh nghỉ giải lao ở lưng chừng dốc Hạ Sĩ, lũ trẻ chúng tôi lùa trâu lân la làm quen, cảm thấu những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt những người lính trẻ măng trong cái giá rét như cắt thịt bên triền đồi. Chúng tôi thấy những gánh lá được các anh bó gọn, thẳng thớm, đẹp mắt. Thấy tôi mân mê bó lá chuối rừng, mấy anh còn đùa: Chẳng mấy mà đến lượt chú em rồi.
Lá dong không phổ biến ở vùng đồng bằng. Chỉ gần Tết mới có lá dong chuyển từ trên miền núi xuống bán cho người gói bánh chưng tết. Còn hầu hết các loại dùng để gói vẫn là lá chuối. Hồi nhỏ, để có tiền mua sách vở, đóng học các loại, lũ trẻ chúng tôi thường rọc những tàu lá chuối, cuộn lại thành bó, lấy cọng làm dây, buộc gọn, mang ra chợ bán cho người bán hàng dùng để gói thực phẩm, quà bánh, chè tươi, có khi còn gói trầu, vôi, cau… Lá chuối chứa nhiều nước, giữ độ ẩm cao, giúp bảo quản được khá lâu độ tươi nguyên các loại thực phẩm, rau, lá, quả quấn trong nó. Đến như chút ruốc hôi, mắm tôm, muối… người bán hàng ở chợ cũng cho vào túm lá chuối vấn lại rất khéo mắt. Nếu là lá khô, khả năng giữ nhiệt tốt, thường dùng làm nút chai, hũ, rải đều lên bề mặt các loại hạt giống chống ẩm mốc. Tôi còn được nghe bác tôi kể những năm thực hiện phong trào Bình dân học vụ, không có giấy, bút… người học muốn viết chữ, luyện chữ, đều phải lấy lá chuối trải ra, lấy gai tre không cần nhọn lắm làm bút, lật mặt dưới của lá chuối lên và vẽ hình rồng rắn dần dần thành nét chữ. Hóa ra, thời ấy, lá chuối còn tác dụng cho học trò nghèo hơn cả giấy viết bây giờ.
Lá chuối thực sự thân thuộc hơn với nhà nông. Những buổi cày đồng, mẹ vẫn thường dùng lá bọc cơm nắm cho tôi mang theo. Cơm được nấu từ sớm, vắt kỹ, nén chặt, dùng lá chuối bọc lại, bọc khác là mấy quả cà, bọc khác nữa là nhúm muối vừng... Ngoài cùng là chiếc mo cau bọc lại giữ nhiệt, có dây đeo toòng teng bên hông. Đến lúc trâu mệt, người đói, thả cho trâu giải lao gặm cỏ, người thì dỡ cơm ra ăn giữa đồng, cái nắm cơm dậy mùi lá chuối lúc này sao mà ngon đến lạ. Ăn xong, lá chuối có thể bỏ luôn xuống ruộng cày và chỉ cần thời gian ngắn là lá có thể phân hủy, không như túi ni lông. Không những cày đồng mà làm mọi việc ở đồng xa đều mang theo cơm; bánh trái mua ở chợ cũng được gói trong lá. Phần lớn thức ăn đều dùng lá chuối để lót, để gói. Mùa gieo mạ, lá chuối khô còn dùng để ủ ấm ruộng mạ, tránh rét cho mạ non. Lá chuối còn dùng để làm con bù nhìn giữa đồng vắng, trông như những Thần nông. Người làng quan niệm, sau khi dựng bù nhìn giữa ruộng, nhất là những mảnh ruộng gần bìa làng, phải dùng vài chiếc lá sim, lá mua, mở miệng bù nhìn ra bỏ vào trong và niệm vài câu thần chú. Chỉ cần có vậy, khi lá chuối khô phất phơ giữa gió đồng là không bóng chim, mống chuột nào dám bén mảng phá phách mùa màng của họ. Lá chuối cũng có thể dùng làm thực phẩm cho trâu, bò, có thể dùng làm phân xanh, lá khô đem nhóm bếp… Tôi thường thấy cha tôi đào hố sâu, bỏ mùn đất và không quên rải một ít lá chuối khô xuống để gieo bầu, bí.
Có lần gánh nước giếng xa về nhà đổ vào chum, vại dùng dần, người tôi thấp, thùng cao… vượt được dốc đê đem nước về nhà thể nào nước cũng sóng sánh. Có cụ bà nhìn thấy cười tươi bảo: “Này con, bà chỉ cho, con bỏ vào thùng vài tấm lá chuối tươi, nước sẽ không còn sánh ra ngoài nữa!” Vâng lời bà cụ, tôi đã làm vậy và không có giọt nước nào sánh được ra ngoài. Đúng là có những kinh nghiệm truyền đời của người dân quê, càng đi xa, càng lớn lên mới thấy thấm thía biết bao.
Những ngày áp Tết Nguyên Đán, nhà khá giả hay bần hàn đều lo nghĩ đến việc chuẩn bị ít lá để dành gói bánh Tết. Người ta chọn những tàu lá chuối vừa tầm, không quá già cũng chẳng quá non, cắt xuống, rọc bỏ sống lấy lá, đem phơi trong gió hanh nhẹ hoặc bỏ rùm rơm hơ qua lửa, lá sẽ héo và dai thêm, gói thứ bánh nào cũng cần đến lá như bánh ú, bánh tét, bánh chưng, bánh mật bột nếp… Lá nấu cùng bánh có mùi đặc trưng. Khi nấu sôi đã tỏa mùi ngào ngạt. Ngày đông bên bếp lửa than hồng, mở nồi bánh đang sôi ra, thấy mấy cái mũi lũ trẻ cứ hít hà mùi thơm thơm của lá bánh, nước bọt đã tứa đến chân răng, thèm ăn một miếng, ăn lúc này không có gì ngon bằng. Chỉ chờ bánh chín, mẹ kéo lên chiếc bánh con cho chúng tôi thử trước.
Đi xa, trở về chợ quê trong chiều đầu đông giá rét, tôi chợt nhận ra, dường như có nhiều mai một bởi những loại bao gói hàng hóa ở chợ quê. Nếu người ta không còn dùng lá gói quà bánh nữa, liệu rằng sự thân thuộc, thơm thảo lá quê và giá trị nhân văn trong câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, có còn không!?
Ngày cuối đông 2022