Người Urenco “đi” chợ Tết

Xã hội - Ngày đăng : 18:30, 14/01/2023

(TN&MT) - Thịt cá, bánh chưng, rau xanh, măng miến mộc nhĩ nấm hương bánh mứt,… họ - những cán bộ, công nhân môi trường đô thị Hà Nội Urenco vào chợ sắm Tết, gương mặt thảnh thơi tươi vui, tay xách nách mang.

Bức tranh ấy chỉ có trong tưởng tượng.

Người Urenco đâu có nhiều thời gian đi chợ Tết.

Nói đi chợ Tết ở đây là nói đến việc họ dọn rác ở các phiên chợ Tết mà thôi.

Bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp đổ đi, người dân các khu phố và ngoại ô trên địa bàn Hà Nội bắt đầu đi sắm Tết. Ngoài các điểm mua sắm lớn như siêu thị thì chợ là nơi việc mua sắm cho Tết diễn ra khá tập trung, vì thế, chợ Tết bao giờ cũng đông hơn thường ngày. Rác thải ra từ chợ Tết cũng vì thế mà tăng lên, nhất là rác từ các ngành hàng thực phẩm và rau cỏ.

Chợ họp từ sáng cho đến tận 7, 8 giờ tối mới tan. Tầm đó, người Urenco cũng mới bắt đầu thu gom rác về điểm tập kết. Hàng dãy thùng rác đủ loại, ướt nhoẹt, dính nhoen nhoét, nào xương nào da lông nào vây vẩy cá nào rau măng…

Nhưng không phải buổi chợ nào cũng kết thúc lúc 7, 8 giờ, bởi phiên chợ 29, 30, hoặc phiên 28, 29 (với những năm không có Ba mươi), chợ sẽ kết thúc tầm 9 giờ tối. Tức là giờ ấy, công nhân môi trường phụ trách địa bàn mới bắt đầu quét dọn, thu gom, tập kết và chờ xe đến chở đi.

z4008348978090_0535d032da382be5b015f9fe392a03ab.jpg
Người Urenco cứ chịu thương chịu khó cho phố phường sạch sẽ thơm tho

Thu gom rác ở các chợ truyền thống vất vả đã đành, tiêu chuẩn thùng cũng yêu cầu cao bởi do tính chất của rác. Thùng sử dụng cho việc thu gom, vận chuyển phải là thùng kín để tránh việc nước rỉ rác chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Vận chuyển rác từ điểm tập kết về bãi cũng diễn ra khá muộn để tránh ảnh hưởng đến môi trường từ quá trình vận chuyển. Nếu việc phân loại rác đang diễn ra thuận lợi ở đâu đó thì nhiều năm nay ở các phiên chợ Tết, việc phân loại rác trong nhịp thời gian hối hả này quả không hề xảy ra. Những người công nhân muốn hạn chế sự trộn lẫn giữa rác thải thực phẩm và rác nhựa thì chỉ có cách tự tay mình phân loại trước khi thu gom mà thôi.

Chợ phiên sau Tết có khá hơn đôi chút, ấy là việc tiêu thụ thực phẩm ít hơn, thời gian kết thúc buổi chợ cũng sớm hơn. Có khác, là chợ họp ở ngoài đường, cổng chợ. Trong chợ, người bán hàng còn lo quét dọn vị trí của mình và nếu không quét thì cũng sẽ có một vệ sinh viên nhắc nhở. Còn ở ngoài đường, cứ hết chợ là chủ hàng ra về, “nhường” rác lại cho công nhân vệ sinh môi trường tự thu gom và “nhường” đường lại cho công nhân vệ sinh môi trường tự quét dọn.

Đó là chưa kể đến các kiểu chợ Tết chỉ lập ra vào thời điểm cận Tết như chợ hoa. Những cây quất, cành đào bị bỏ lại, cồng kềnh nghễu nghện trên xe rác. Người vác nó lên xe đến nơi tập kết rác vừa đi vừa nghĩ: Ai cũng “bỏ” đi chợ Tết như mình thì có thể, một lượng hoa, cây cảnh sẽ không có người mua, và cuối năm, số phận của nó sẽ là thế này.

Chợ đầu mối lại có lịch họp riêng. Không mổ xẻ thịt cá như chợ Tết truyền thống, tuy nhiên, chợ đầu mối bắt đầu họp từ 3, 4 giờ sáng và kết thúc trước tầm 6, 7 giờ. Bình thường giờ đó là giờ đường phố đã được dọn dẹp sạch sẽ để đón chào ngày mới, thì ở những điểm chợ này, việc quét dọn, thu gom, vận chuyển sẽ diễn ra lúc 6, 7 giờ và cũng phải rất khẩn trương để hạn chế cản trở giao thông giờ cao điểm, khi lượng xe đổ về Hà Nội quá lớn trong dịp Tết.

e6be5be3c6f11eaf47e0-1-.jpg
Những mùa xuân cứ theo chân người Urenco về với Thủ đô.

Nhiều năm, người Urenco đã quá quen với việc “đi” chợ Tết thế này. Những người có thâm niên “đi” chợ Tết sẽ ít xao xuyến hơn so với những người mới nhận nhiệm vụ, tất nhiên, không loại trừ những người đã có thâm niên “đi” chợ Tết nhưng tâm hồn mẫn cảm. Sao không xao xuyến được khi mảng kia của bức tranh là tấp nập bán mua thì mảng này, dẫu có ngồi trên tổ kiến vì chưa kịp sắm sanh cho Tết cũng phải cầm lòng bởi nguyên tắc không làm việc riêng trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Mà có tranh thủ sắm Tết thì đồ đạc cũng không biết để vào đâu cho hợp vệ sinh. Thôi thì, nếu ai chưa kịp bố trí sắp xếp việc nhà thì đành cố cậy nhờ hậu phương hoặc người thân vậy.

Đó còn là chút tủi thân khi ở nơi hàng Tết đủ loại bày ra trước mắt thôi thúc cảm giác cần mua, muốn mua, nhưng chi tiêu thì có hạn. Năm 2022, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội tầm khoảng 9 triệu, thưởng Tết rơi vào 5 - 7 triệu/người. Với thu nhập và giá cả như hiện nay, hẳn họ không dám vung tay quá trán để chi tiêu cho Tết.

z4008348891475_2ad7fdf640272df2b0fd8be29d6e422f.jpg
Tác giả chụp hình lưu niệm với người Urenco

Thế nhưng, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào thì người Urenco vẫn gắn bó với công việc mà họ đã lựa chọn. Đôi bận phân vân rồi qua giây phút dùng dằng lại tự nhủ, nghề chọn người chứ người đâu có chọn được nghề. Nói thế nhưng cũng không hẳn thế, vì ở đây, cơ bản là người chọn nghề rồi gắn bó với nghề, như một sự cảm thương, thương mình, thương đồng nghiệp, nếu cha mẹ anh chị đã từng làm ở đây thì thương cả những người thân. Cớ sao bao người ở lại mà mình lại ra đi.

Còn một lý do giữ chân công nhân mà chỉ những người trong nghề đã trải qua mới thấu cảm, ấy là tình thương mến, sự quan tâm của lãnh đạo và các phòng ban chức năng. Ở đây, ngoài Quỹ Công đoàn, họ còn xây dựng một quỹ riêng, quỹ này do cán bộ, công nhân viên, người lao động tự nguyện đóng góp. Quỹ dành để quan tâm, động viên, chia sẻ khó khăn vào những dịp người lao động phải chi tiêu như dịp Tết, bắt đầu vào năm học, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau…

Có một mái ấm Công đoàn hoạt động hiệu quả trong Công ty. Có một mái nhà chung là Công ty TNHH Một thành viên môi trường đô thị Hà Nội Urenco. Ở đó, dù gia cảnh riêng của mỗi người có dư dả hay thiếu thốn thì mỗi dịp Tết đến xuân về, vòng tay ấm áp của Công ty đủ sức níu chân họ lại. Buồn vui rồi cũng sẽ qua, thiếu hay đủ thì trông lên chẳng bằng ai nhưng trông xuống cũng chẳng ai bằng. Vất vả thì thường nhật, chẳng ai lao động mà không vất vả, thêm một chút vất vả trong những dịp “đi” chợ Tết cũng có thấm vào đâu.

Mới đây, người dân Đà Nẵng động viên nhau dọn nhà sớm để san bớt lượng rác cồng kềnh vào dịp cận Tết, bớt dồn việc cho công nhân môi trường. Hà Nội và các tỉnh, thành khác nên chăng cũng học tập theo. Thế nhưng, đó là việc dọn nhà, còn đi chợ thì không ai đẩy lên sớm được; trừ đồ khô, chẳng ai mua thịt cá gà bò sớm chứa vào tủ lạnh, lại càng không thể mua rau cất sớm được. Lại nữa, ai cũng có công việc hằng ngày, việc đi chợ sắm Tết chỉ dồn vào mấy ngày giáp Tết, chẳng có lý do gì mà thay đổi.

Thì thôi, người Urenco cứ chịu khó “đi” chợ Tết. Người Urenco cứ chịu thương chịu khó cho phố phường sạch sẽ thơm tho. Tết chỉ là một góc thôi, còn nhiều góc cần đến bàn tay, cây chổi của công nhân môi trường. Mà bên cạnh công nhân thì còn có Ban Giám đốc, các phòng, trung tâm… mấy ai ở nhà vào dịp Tết đâu. Công nhân dọn dẹp xong thì Trung tâm Điều hành sản xuất mới đi nghiệm thu, nghiệm thu xong thì Ban Giám đốc mới đi kiểm tra lần cuối. Cả một tập thể bên nhau trong dịp Tết đến xuân về, các cấp các ngành và người dân cũng rất biết ơn, vất vả nhưng ấm áp.

Và cứ thế Tết này qua Tết khác, có những người công nhân vẫn đều đặn “đi” chợ Tết, và có những mùa xuân cứ theo chân người Urenco về với Thủ đô.

Nguyễn Dương Mộc Hương