TP. HCM: Dấu ấn chuyển đổi số về đất đai
Đất đai - Ngày đăng : 17:25, 15/01/2023
“Mở kho” dữ liệu
Từ tháng 6/2022, Sở TN&MT TP.HCM đưa vào hoạt động Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường. Nền tảng này gồm Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM (geodata-stnmt.tphcm.gov.vn) và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên môi trường (esb-stnmt.tphcm.gov.vn). Đây là nơi lưu trữ, chia sẻ 450 tệp dữ liệu tài nguyên và môi trường của toàn thành phố, gồm nhiều thông tin như phân khu; diện tích đất; quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất; độ cao mặt đất; tốc độ lún...
“Bản đồ số sẽ là công cụ giúp chính quyền TP.HCM quản trị bằng dữ liệu, có được cái nhìn toàn cảnh, nhưng vẫn nắm bắt tình hình ở những khu vực nhỏ nhất. Công cụ này sẽ mở ra bước chuyển đổi số quan trọng trong quản trị công” - Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Sở TN&MT TP.HCM Bùi Hồng Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trước đây, các bản đồ này chưa được đăng tải trực tuyến, tức là vẫn nằm trong “kho” của ngành TN&MT. Khi muốn lấy dữ liệu đất đai, các đơn vị phải gửi văn bản yêu cầu Sở TN&MT cung cấp thông tin. Tuy nhiên, với nền tảng này, các cơ quan Nhà nước được cấp tài khoản để lấy dữ liệu theo nhu cầu. Tức là thay vì một cơ quan quản lý Nhà nước muốn phát triển một ứng dụng quản lý, họ phải mất nhiều thời gian lẫn chi phí để xây dựng dữ liệu nền, thì giờ đây, Sở TN&MT cung cấp dữ liệu nền về kỹ thuật. Các ngành không cần xây dựng mà có thể dùng ngay để giải quyết vấn đề của từng ngành.
Ông Vũ Chí Kiên - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết: Dựa trên các tệp dữ liệu của nền tảng dữ liệu của ngành TN&MT (ảnh vệ tinh, thông tin địa chính, kế hoạch sử dụng đất…), quận đã phát triển ứng dụng “Bản đồ không ảnh tích hợp” để quản lý đô thị, quản lý đất đai. Ứng dụng cung cấp không ảnh (ảnh trên không) của quận qua các thời kỳ, kết hợp các lớp bản đồ thông tin địa lý (GIS) chuyên đề nên cơ quan chức năng có thể giám sát quá trình sử dụng đất bằng cách so sánh hình ảnh viễn thám các thời điểm khác nhau để thấy sự thay đổi.
Theo ông Kiên, ứng dụng này đã giúp cho quận Bình Tân triển khai công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thuận lợi, nhanh chóng hơn. Đơn cử, đối với công tác giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra không ảnh qua từng năm để xác định lịch sử, quy mô các công trình xây dựng trên đất của người dân (có trước hay sau quy hoạch dự án được công bố, có phép hay không có phép…) để lên phương án đền bù phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Từ đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án trên địa bàn.
Tương tự, tại TP. Thủ Đức, dựa trên nền tảng dữ liệu đất đai ngành TN&MT, địa phương này đã xây dựng ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý TP. Thủ Đức”. Ứng dụng được cập nhập thêm 88 lớp dữ liệu trên tất cả lĩnh vực như hạ tầng đô thị, quy hoạch, xây dựng, y tế, giáo dục, du lịch... nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP. Thủ Đức cũng đang phối hợp với Sở TN&MT xây dựng bản đồ số so sánh quy hoạch và hiện trạng đất nhằm phục vụ công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và cấp phép xây dựng.
Đối với ngành giáo dục, cũng dựa trên nền tảng chia sẻ dữ liệu đất đai ngành TN&MT, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã xây dựng “Bản đồ thông tin giáo dục TP.HCM”. Đây là sản phẩm bản đồ số, cung cấp miễn phí thông tin về toàn bộ trường học các cấp (trừ đại học) trên thành phố. Khi chọn một trường trên bản đồ, phụ huynh có thể xem thông tin như vị trí, đội ngũ giáo viên, số lượng học sinh, website, chương trình đào tạo... Tương tự, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải,… cũng đang triển khai nhiều ứng dụng dựa trên nền tảng dữ liệu đất đai do Sở TN&MT cung cấp.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, kho dữ liệu ngành TN&MT sẽ liên tục được bổ sung, cập nhật để đáp ứng nhu cầu của công tác quản lý Nhà nước và nhu cầu của xã hội. Hiện tại, Sở TN&MT đang hoàn thành dữ liệu về giá đất với quan điểm đảm bảo về mặt pháp lý và tính chính xác. Từ đó, có thể phục vụ cho doanh nghiệp và người dân truy cập để cập nhật vùng giá đất về giao dịch, về giá đất biến động.
Người đứng đầu ngành TN&MT TP.HCM cũng cho biết: Trong Kế hoạch chuyển đổi số của Thành phố, Sở TN&MT đã chọn lĩnh vực đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó hệ thống thông tin đất đai là nhiệm vụ rất quan trọng cần được quan tâm đầu tư, triển khai sớm. Sở TN&MT đã đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin đất đai đúng quy định của Bộ TN&MT, theo hướng tập trung, thống nhất. Hệ thống thông tin quản lý toàn diện những thông tin về đất đai: địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai, giá đất…
“Việc ngành TN&MT mở kho dữ liệu đất đai đã giúp hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; đồng thời, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng tới người dân và doanh nghiệp của chính quyền TP.HCM” - ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Hướng tới người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, không chỉ “mở kho” dữ liệu đất đai, Sở TN&MT TP.HCM còn triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng tiện ích trong lĩnh vực đất đai nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin, triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM năm 2022 khoảng 426.000 tỉ đồng, trong đó, nguồn thu ngành TN&MT đạt khoảng 42.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu ngân sách của thành phố.
Đơn cử, Sở TN&MT đã xây dựng và vận hành Cổng dịch vụ công đất đai tại địa chỉ: https://hcm.mplis.gov.vn. Tại đây cung cấp các chức năng phục vụ cho việc quản lý hồ sơ, điều hành công việc hàng ngày của lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, 11 chi nhánh; phục vụ nhu cầu tra cứu hồ sơ đất đai của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công đất đai cũng là cơ sở để các quận, huyện, phát triển các tiện ích phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
TP. Thủ Đức là địa phương đầu tiên của TP.HCM đưa vào hoạt động “Trang thông tin đất đai TP. Thủ Đức” với nhiều tính năng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tại đây, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng có sự liên thông, liên kết trong giải quyết các thủ tục hành chính về chuyển nhượng, thế chấp nhà đất trên địa bàn TP. Thủ Đức.
Đặc biệt, khi sử dụng, người dân và doanh nghiệp tra cứu được thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ chi tiết từng bước luân chuyển, nhận được tin nhắn về kết quả thông báo nghĩa vụ tài chính. Thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ được thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, nhận thông báo thuế, nộp thuế, nộp hồ sơ sau thuế qua môi trường điện tử và nhận kết quả qua bưu điện, chỉ đến nơi tiếp nhận hồ sơ 1 lần để nộp bản chính hồ sơ theo quy định.
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, Sở TN&MT cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp đầy đủ, nhanh chóng nhất những thông tin liên quan đến đất đai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuyển đổi số, phát triển nhiều những tiện ích trong lĩnh vực đất đai nói riêng, lĩnh vực TN&MT nói chung để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.