Xu thế khí tượng thủy văn năm 2023 - những nhận định từ chuyên gia

Môi trường - Ngày đăng : 17:12, 15/01/2023

(TN&MT) - Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia vừa tổng quan về tình hình thời tiết năm 2022 và đưa ra nhận định về xu thế KTTV năm 2023.

Năm 2022, nhiều thảm họa liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu, lũ lụt, nắng nóng

Tại Hội nghị tổng kết thời tiết năm 2022 mới đây tại Hà Nội, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã tổng quan về tình hình thời tiết năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, các thảm họa liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu, lũ lụt, nắng nóng. Đặc biệt, 8 năm qua đang trên đà trở thành 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận, dù sự kiện La Nina kéo dài 3 năm nhưng tác động làm giảm nhiệt cũng chỉ trong thời gian ngắn và không đảo ngược được xu hướng ấm lên toàn cầu.

Ấn Độ và Pakistan chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 3,4/2022. Những đợt nắng nóng kỷ lục cũng được ghi nhận ở Trung Quốc, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 47độ tại Pinhao, Bồ Đào Nha vào ngày 14/7.

7ef44f4a810868563119.jpg

Nhà ở của người dân Pakistan bị mưa lũ giật sập. Ảnh: Reuters

Trong 3 tháng 6-8/2022, ước tính có khoảng gần 4000 ca tử vong ở Tây Ban Nha, hơn 1000 ca ở Bồ Đào Nha….

Lượng mưa kỷ lục vào tháng 7 và tháng 8 đã dẫn đến lũ lụt trên diện rộng ở Pakistan. 1/3 diện tích Pakistan bị ngập lụt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và thương vong về người. Theo thống kê, có ít nhất 1700 người chết và 33 triệu người bị ảnh hưởng, 7,9 triệu người phải di dời.

Tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó khu vực Điện Biên-Lai Châu cao hơn khoảng từ 0,5-1,0 độ; riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN cùng thời kỳ.

Trong nước đã xảy ra 14 đợt nắng nóng trên diện rộng, ít hơn hẳn so với năm 2021. Nắng nóng xảy ra muộn so với TBNN ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Bộ, các khu vực còn lại nắng nóng xảy ra xấp xỉ so với TBNN. Các đợt nắng nóng năm 2022 xảy ra trong thời gian ngắn, không kéo dài.

Tổng lượng mưa khu Tây Bắc, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ thấp hơn so với TBNN từ 5-20%, còn lại các nơi khác trên cả nước đều ở ngưỡng cao hơn từ 15-50% so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa tại Bắc Bộ kết thúc ngang TBNN, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ kết thúc muộn. Số ngày mưa vừa, mưa to trên các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với TBNN.

Cả nước ghi nhận 26 đợt mưa lớn diện rộng. Tần suất xuất hiện các đợt mưa lớn tập trung nhiều nhất trong tháng 4, 9, đây cũng là hai tháng có các đợt mưa xảy ra ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước. So với năm 2021, số đợt mưa lớn diện rộng trong năm 2022 ở Bắc Bộ xảy ra nhiều hơn, nhưng ngược lại ở Trung Bộ và Tây Nguyên, số đợt mưa lớn diện rộng lại ít hơn. Ở Nam Bộ tương đương so với năm 2021.

Về không khí lạnh (KKL), đã có 22 đợt KKL xâm nhập xuống nước ta, trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc và 7 đợt KKL tăng cường, ít hơn so với TBNN.

Số ngày rét đậm trong tháng 1/2022 đều thấp hơn so với TBNN từ 6-8 ngày. Tháng 2 số ngày rét đậm cao hơn từ 4-7 ngày. Tháng 12 số ngày rét đậm xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ; riêng vùng núi phía Bắc Bắc số ngày rét đậm cao hơn từ 4-7 ngày.

Năm 2022, trên khu vực Biển Đông đã có 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đơi (ATNĐ), số lượng bão/ATNĐ thấp hơn TBNN (12-13 cơn, mùa bão bắt đầu muộn (28/6) và kết thúc sớm (3/11).

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Lý Sơn mạnh cấp 10, giật cấp 12. Trên đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11-13; khu vực khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Kon Tum-Gia Lai có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Mùa lũ năm 2022, khu vực Bắc Bộ chủ yếu là lũ lớn trên thượng lưu các sông nhỏ, riêng vùng cửa sông Hồng - Thái Bình xuất hiện lũ lớn BĐ3. Nguồn nước các tháng lũ chính vụ thiếu hụt nhiều so với TBNN, từ 30-80%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà.

Ngập lụt tại nhiều đô thị, thành phố lớn ở khu vực đồng bằng cũng như vùng núi: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả), Lào Cai, Lai Châu, Tp Điện Biên Phủ (Điện Biên), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)… Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện 3 đợt lũ vừa và lớn trên diện rộng, tại Nghệ An, từ Nam Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên, xảy ra vào cuối tháng 9 và tháng 10.

Lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra tại các tỉnh vùng núi như: Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum...

Dự báo mùa thiên tai và diễn biến thủy văn năm 2023

Bên cạnh việc tổng quan về tình hình thời tiết năm 2022, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng đưa ra nhận định về xu thế KTTV năm nay. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, La Nina sẽ duy trì đến hết mùa Xuân năm 2023 với xác suất 70-75%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè.

Nắng nóng năm nay cao hơn năm 2022 (số đợt và mức độ gay gắt), nền nhiệt độ cao hơn năm ngoái. Ngoài ra, có khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.

hanooinanggaygat.jpg
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nắng nóng năm nay cao hơn năm 2022

Trong khi đó, tổng lượng mưa thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm; ít có khả năng mưa lớn diện rộng lịch sử, tuy nhiên mưa cục bộ, cường độ lớn sẽ vẫn có khả năng xảy ra trên phạm vị hẹp.

Tại khu vực Bắc Bộ, từ tháng 2-7/2023, nguồn nước trên các sông suối hệ thống sông Hồng-Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng Hạ lưu sông Hồng- Thái Bình trong tháng 1-2 xấp xỉ TBNN từ 10-20% do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân. Mùa lũ năm 2023, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn TBNN, riêng các sông suối nhỏ lớn hơn TBNN.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với TBNN, có sông thiếu hụt trên 50%; riêng một số sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi ở mức cao hơn TBNN.

Còn tại Nam Bộ, trong mùa khô năm 2023, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương TBNN (2012-2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022. Các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2,3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Mai Đan