Lá dong vào Tết
Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 12/01/2023
Năm Nhâm Dần 1962, lúc đó tôi 12 tuổi, đang học học kỳ một của lớp 5. Hết Nhâm Dần là sang năm 1963 Quý Mão, năm này, bố tôi đến tuổi 60. Thực ra bố tôi sinh năm 1904, nghĩa là phải một năm nữa mới 60, nhưng nếu tính tuổi thọ, các cụ tính theo âm lịch, từ thời điểm hoài thai, nghĩa là sớm hơn dương lịch một năm.
Bố tôi 60 tuổi được tính là lên lão, thời ấy ai lên lão là phải khao thọ. Khao thọ quê tôi được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Năm 60 tuổi, dù bố tôi không muốn tổ chức khao thọ, song cũng phải có vài mâm cơm, trước để cảm ơn những người đã từng mời mình ăn thọ, quan trọng hơn là cho con cái sum vầy trong ngày Tết cổ truyền. Mà để có mâm cơm đầy thì phải có tiền. Nghĩ đi nghĩ lại, bố con quyết định tổ chức đi lấy lá dong rừng về bán.
Tháng 12 âm lịch năm ấy, lại trùng vào dịp được nghỉ học, thế là tôi theo bố và anh trai đi lấy lá dong. 12 tuổi mà đi vào rừng lấy lá dong xem ra còn nhỏ quá, nhưng hồi đó cuộc sống khó khăn nên nhỏ tuổi cũng tham gia lao động là chuyện bình thường. Phương tiện đi lấy lá dong là chiếc thuyền nan dài chừng hơn 5 mét và các dụng cụ đi rừng khác. Địa điểm nhắm đến là bản Nưa, cách Hòa Bình theo sông Đà lên khoảng 15 cây số, cách nhà tôi hơn 90 cây.
Sau ba ngày bơi, chèo thuyền mới đến được bản Nưa. Khi đến địa điểm thì thuyền đậu ở bờ sông, hồi đó an ninh tốt lắm nên không cần ai trông giữ cả. Sáng vào rừng lấy lá dong, chiều đem về bờ sông tập kết, tối ngủ ở thuyền. Từ bờ sông đến điểm có lá dong mọc phải đi một đoạn ngắn đường bằng, sau đó trèo ba đoạn dốc khá cao, tính cự ly cũng khoảng dăm sáu ki lô mét đường dốc. Sáng ra ăn cơm xong thì bắt đầu leo dốc vào rừng, mất khoảng hai giờ mới lên đến địa điểm lấy lá. Lá dong mọc trong rừng cây xen lẫn nứa, mỗi cây, khóm cao khoảng 2 mét mới đến lá.
Khi đến nơi, mọi người bắt đầu chia nhau ra tìm và lấy lá dong, bố lấy phần bố con lấy phần con theo khả năng gánh của từng người. Lá dong lấy được thì cứ 25 tàu cuộn lại thành một bó, nghĩa là bốn bó là 100 tàu. Lấy đủ số lá mình gánh thì chặt nứa chẻ lạt bó các bó nhỏ thành bó lớn như bó rạ, tôi còn bé nên phần chẻ lạt nứa phải nhờ bố. Xong xuôi, mỗi người hai bó, chặt cây rừng hoặc gốc nứa già làm đòn gánh để gánh về. Hồi đó sức tôi chỉ gánh được khoảng 500 - 600 tàu lá loại dài khoảng 70 - 80 xăng ti mét thôi.
Đường đi lên dốc đã rất vất vả, đường xuống gánh nặng còn khó hơn đi lên. Hôm nào trời mưa phùn thì không thể gánh xuống dốc được vì đường rất trơn. Trong đợt bố con tôi đi lấy lá dong cũng có ngày vào đến rừng nhưng không lấy lá được, phải về không vì trời mưa phùn.
Tôi nhớ năm ấy xóm Miễu tôi có ba thuyền đi lấy lá dong. Thuyền nhà tôi có ba bố con; thuyền thứ hai có ông Khâm Vạc và ông Thanh Sơn là hai anh em ruột; Thuyền thứ ba có anh Khê (Chì) và anh Chỉ Xuân). Anh Khê là anh em họ hàng nhà tôi.
Công việc đi lấy lá vất vả đã đành, lại thêm muỗi, vắt và còn khổ vì thiếu cái ăn, cái mặc. Ban đêm, ba bố con tôi ngủ trong chiếc thuyền nan, chỉ có một mảnh vải buồm (vải dùng để làm buồm khi có gió) để đắp thay chăn và cái bao tải gai để trùm chân. Lạnh thì rất lạnh nhưng do ban ngày làm mệt nhọc, vất vả nên lăn ra ngủ. Cái ăn cũng không có gì, lưng cơm lót dạ, thức ăn chủ yếu là canh cà chua nấu với rau cải bắp đem từ nhà đi.
Sau khoảng 10 ngày, ba bố con tôi lấy được khoảng hai vạn lá. Năm ấy, bố tôi phải dùng hai bó nứa kè mở rộng hai bên mạn thuyền mới chở hết lá về. Cứ một trăm lá bán được sáu hay tám hào gì đó, còn tùy vào lá tốt hay xấu và thời điểm cận Tết hay không.
Trong dịp lấy lá dong tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm đi rừng, ví dụ tư thế chặt cây nứa phải đứng như thế nào cho an toàn, chẻ lạt nứa ra sao, tất nhiên là cả cách cuốn bó lá dong, có một bài học rất có ích đó là nấu nước bằng ống nứa tươi. Nước lấy từ suối lên, cho vào ống nứa tươi, dựng nghiêng lên rồi đốt lửa, nước sẽ sôi mà không cháy ống nứa được, cốc để uống nước cũng làm bằng ống nứa.
Lần đi lấy lá dong ấy cũng mang về cho bố mẹ tôi một khoản tiền tiêu Tết kha khá, gia đình tôi cũng có một bữa cỗ tươm tươm gọi là khao thọ bố, thực ra là bố mẹ tạo cho con công việc để biết được giá trị của lao động mà thôi. Nhân dịp ấy, bố tôi có đặt một vế đối: “Ngày Một tháng Chạp, ông Mọ nhảy lên rừng, thịt cổ tàu dung về thọ lão”. Rồi nghe đâu có anh Lợi người làng đối lại: “Chiều Ba mươi Tết, chú Tiều leo lên dốc, bẻ cành lộc về để cầu trời”.
Bây giờ lá dong được trồng nhiều, không còn cảnh đi lấy lá dong rừng như xưa. Nhiều cái Tết đã trôi qua, song với tôi, lần đi lấy lá dong năm ấy tôi không thể nào quên được. Đây cũng là một trải nghiệm lớn trong cuộc sống của tôi.