Việt Nam, Lào tăng cường kết nối, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Thời sự - Ngày đăng : 14:32, 12/01/2023

Sáng 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào được tổ chức tại Thủ đô Vientiane, nước CHDCND Lào. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam-Lào tăng cường kết nối, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên đánh giá cao và vui mừng về kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước trong năm 2022. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, hai bên đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận cấp cao. 

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ hai nước đã tập trung chỉ đạo triển khai các thỏa thuận hợp tác, cụ thể hóa bằng chương trình công tác của Chính phủ và nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành; việc thực hiện cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường và phát triển thiết thực và hiệu quả hơn.

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó, tin cậy, giữ vai trò nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hai nước. "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022" được tổ chức rất thành công đã tạo động lực và khí thế mới trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước. Hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa hai nước tiếp tục được duy trì thắt chặt và phát triển với vai trò trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp quản lý, ổn định vĩ mô. Hợp tác thương mại là điểm sáng, kim ngạch thương mại hai chiều vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 1,73 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2021.

Đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào cả năm 2022 đạt trên 180 triệu USD, tăng tới 52,5% so với năm 2021. Trong năm 2022 đã diễn ra 5 hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư cấp quốc gia; hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa các địa phương của hai nước cũng được đẩy mạnh.

Việt Nam-Lào tăng cường kết nối, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 2.

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ hai nước đã tập trung chỉ đạo triển khai các thỏa thuận hợp tác, cụ thể hóa bằng chương trình công tác của Chính phủ và nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một số dự án đầu tư lớn, quan trọng đã được cơ quan hữu quan của hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có hướng giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho ngân sách nhà nước Lào trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại Lào với kinh phí đạt khoảng hơn 100 triệu USD.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên đã thống nhất tập trung thực hiện tốt các tuyên bố chung, thỏa thuận của hai Bộ Chính trị, thỏa thuận hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 2021-2025 và các thỏa thuận khác; cụ thể hóa các ý kiến kết luận của hai Bộ Chính trị vào thỏa thuận Kế hoạch hợp tác giữa hai nước năm 2023 và sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị-đối ngoại-an ninh quốc phòng, đầu tư-thương mại, tạo chuyển biến mới trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật.

Hai bên khẳng định quyết tâm và nhấn mạnh yêu cầu hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, nhất là kết nối về thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, du lịch nhằm mở rộng không gian hợp tác và phát triển giữa hai nước.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, triển khai các công việc trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa với cả hai nước, làm việc nào dứt điểm việc đó; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, giải pháp, hỗ trợ nhau quản lý, ổn định vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh; nghiên cứu, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù về thương mại-đầu tư phù hợp với quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Việt Nam-Lào tăng cường kết nối, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 3.

Thành công của kỳ họp sẽ tạo ra động lực mới, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên thống nhất thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 từ 10-15% so với năm 2022; thúc đẩy hơn nữa hợp tác năng lượng.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào. Sớm tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án sử dụng viện trợ của Việt Nam và dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào.

Tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, nhất là để Lào có đường ra biển, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Nghiên cứu thí điểm khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang Đông-Tây, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiếp tục ưu tiên hợp tác giáo dục, đào tạo theo hướng chú trọng chất lượng cao; áp dụng các mô hình đào tạo mới như đào tạo từ xa, đào tạo liên thông với nước thứ ba…; chú trọng bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; quan tâm đào tạo nghề.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ; đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh; tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác như nội vụ, y tế, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, tăng cường trao đổi văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giao lưu nhân dân; khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau.

Việt Nam-Lào tăng cường kết nối, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các nội dung trên đã được cụ thể hóa vào các văn kiện kỳ họp được Chủ tịch Ủy ban hợp tác hai nước ký kết. Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ Việt Nam sẽ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan, phối hợp chặt chẽ với các đối tác Lào, triển khai ngay và thực hiện có hiệu quả các nội dung thỏa thuận tại kỳ họp. Chính phủ cũng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư,  kinh doanh tại thị trường Lào.

Hai bên tin tưởng rằng thành công của kỳ họp sẽ tạo ra động lực mới, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam- Lào.

* Trước khi dự kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp thực hiện.

Theo Chinhphu.vn