Lắng nghe tiếng hát tre xanh
Xã hội - Ngày đăng : 22:50, 11/01/2023
Tre xanh xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao lên lũy lên thành tre ơi! - Những câu thơ về tre của nhà thơ Nguyễn Duy mà tôi được học từ bé như vang vọng lại trên hành trình cùng với Thanh Âm Xanh tới xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Nếu không nhờ Thanh Âm Xanh, tôi sẽ không biết được rằng, tre là loài thực vật “diệu kỳ”. Có lẽ, hiếm loài thực vật nào hội tụ nhiều đặc điểm hữu ích như tre, những đặc điểm này có thể dễ dàng tìm hiểu được trên mạng. Nhưng nếu không tận mắt chứng kiến, không tự mình cảm nhận, sẽ không thể biết được, ngoài những lợi ích đó, tre còn có ý nghĩa quan trọng như thế nào…
Thanh Âm Xanh - Dự án sử dụng âm nhạc làm công cụ truyền tải những thông điệp về tre và lợi ích của chúng nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường và trồng những cánh rừng tre trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Những nền móng đầu tiên
Xuất phát từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, đoàn chúng tôi gồm các lãnh đạo của tỉnh đoàn Yên Bái, UBND huyện Mù Cang Chải cùng nhiều bạn trẻ là những tình nguyện viên, học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa… phải trải qua quãng đường đồi núi dài mấy cây số mới tới xã Púng Luông - nơi được chọn trồng giống tre Mạy Khao Lam để thực hiện mô hình sinh kế giúp đỡ bà con vùng cao. Trên hành trình đó, tôi được chị Nguyễn Diệu Linh - người sáng lập Quỹ từ thiện Khăn Ấm Cho Em, và cũng là người sáng lập ra Dự án Thanh Âm Xanh - kể câu chuyện về tre.
Chị kể, từ lâu, chị đã ấp ủ ý tưởng sử dụng tre như “vũ khí” thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, bởi chị hiểu rõ, tre là ứng cử viên hàng đầu với khả năng tuyệt vời trong việc hấp thụ carbon và tạo ra oxy; trong tương lai, tre còn có thể là nguồn nguyên liệu thay thế cho gỗ, giúp hồi sinh những cánh rừng… Đúng như tên gọi - Thanh Âm Xanh - Dự án của chị sử dụng âm nhạc làm công cụ truyền tải những thông điệp về tre và lợi ích của chúng.
Câu chuyện dường như không có hồi kết khi nhắc đến những khó khăn, vất vả mà chị Linh cùng Thanh Âm Xanh phải trải qua khi mới bắt đầu Dự án. “Làm việc với cây tre không đơn giản, mình đã từng thất bại, không chỉ một lần, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào tre, mình vẫn kiên trì. Khâu tìm nguồn giống phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu là khâu tốn rất nhiều thời gian và công sức; sau khâu đó, kỹ thuật nhân giống, chăm sóc cũng đòi hỏi người trồng tre phải dành nhiều tâm huyết cho “công trình” của mình” - chị chia sẻ.
Sau nhiều bài học kinh nghiệm, chị đã tìm được Mạy Khao Lam - một giống tre bản địa vùng Tây Bắc Việt Nam, một loại tre có sức sống vô cùng mãnh liệt. “Chính quyền địa phương cùng bà con nông dân ở Mù Cang Chải luôn tin tưởng và ủng hộ Dự án, niềm tin ấy trở thành động lực cho Linh và các cộng sự tiếp tục chiến đấu, khó đến mấy vẫn sẽ trồng, vẫn sẽ quay lại để giúp người dân vùng sâu vùng xa” - chị chia sẻ với niềm tin như thể hiện rõ trên nét mặt.
Mặc dù trời mưa, đường lầy lội khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn, nhưng với sự hăng hái, lòng nhiệt huyết của các thành viên Thanh Âm Xanh, cùng câu chuyện lôi cuốn về những gian nan mà chẳng mấy chốc, cả đoàn đã tới nơi.
Cầm trên tay bầu tre non còn ẩm hơi nước của cơn mưa phùn vừa ráo, tôi còn lúng túng chưa biết phải làm gì thì các bạn cộng sự của Thanh Âm Xanh chẳng cần phải ai bảo ai, như đã quá rõ công việc của mình, phối hợp nhịp nhàng để đặt những “nền móng” đầu tiên cho công trình Công viên tre sinh kế. Các bác lãnh đạo cũng không quản mưa, không ngại bùn đất, xắn tay cuốc đất, gieo mầm cùng các bạn tình nguyện viên và người dân bản địa. Hình ảnh nhân dân và chính quyền đồng lòng như tiếp thêm niềm tin cho tôi vào một tương lai vững bền - khi cánh rừng tre sinh kế đầu tiên tại đây được hình thành. Những mầm tre này mang theo kỳ vọng về việc làm, thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống của bà con đồng bào dân tộc nơi đây.
Sau một ngày hòa mình với thiên nhiên núi rừng, ngắm nhìn những cành tre non nhỏ nhắn được trồng tại Sống Lưng Khủng Long, tôi thấy lòng bỗng nhẹ. Bởi tôi biết, những mầm xanh nhỏ kia, một ngày nào đó, sẽ đóng vai trò to lớn trong công cuộc cứu lấy Trái đất.
Tương lai những rừng tre hát
Những ký ức về chuyến đi hôm đó như ùa về trong lần thăm lại những mầm tre xanh nhỏ ngày nào cùng Thanh Âm Xanh vào khoảng thời gian giáp Tết. Gần nửa năm trôi qua, những mầm tre giờ đã phát triển. Không còn những cành tre nhỏ nhắn, thay vào đó là những cây tre cao và dài. Sự hân hoan thể hiện rõ trên khuôn mặt chị Linh và những bạn trẻ Thanh Âm Xanh khi thống kê cho thấy, tỉ lệ cây tre sống xót và phát triển khá cao.
Mặc dù cuối năm còn khá nhiều công việc đang “xếp hàng” chờ giải quyết khiến cho tâm trí tôi bộn bề suy nghĩ, nhưng khi đặt chân lại mảnh đất này, một cảm giác thân quen, an yên đến lạ bỗng ngập tràn. Có lẽ bởi cảm giác được gặp lại những “bé tre” do chính tay mình trồng, cảm nhận sự sống mãnh liệt của các bé; hoặc do hy vọng về những rừng tre ngợp bóng có khả năng thành hiện thực… Trước khi chào tạm biệt những “bé tre” để lên đường thực hiện nhiệm vụ khác, tôi xin phép đoàn được nán lại vài phút một mình. Nhắm mắt, hít một hơi căng lồng ngực với bầu không khí ẩm ướt của mùa đông miền núi, dỏng tai lắng nghe âm thanh của rừng già vĩ đại, tôi hình dung viễn cảnh về một rừng tre xanh bạt ngàn rợp bóng, một Việt Nam với rì rào tiếng hát của những rừng tre, để Mai sau, mai sau, mai sau…/ Đất xanh xanh mãi xanh màu tre xanh!