Biến bất lợi thành thời cơ, nâng cao hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo
Thời sự - Ngày đăng : 14:19, 11/01/2023
Đó là lời khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ngành KTTV vào sáng 11/1 tại Hà Nội. Tổng cục KTTV phối hợp với Viện Khoa học KTTV&BĐKH tổ chức Hội nghị này. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã điểm lại một số kết quả đáng tự hào của Ngành KTTV trong năm qua. Cụ thể, thể chế, chính sách, pháp luật về KTTV tiếp tục được hoàn thiện ở tầm chiến lược quốc gia như Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 497 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch số 316 triển khai thực hiện Chỉ thị số 10; Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 1083 ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Song song với đó, Ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngành cũng đã làm tốt công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đã theo dõi và dự báo kịp thời 7 cơn bão và 2 cơn áp thấp nhiệt đới; 15 đợt không khí lạnh; 25 đợt mưa lớn diện rộng; 12 đợt nắng nóng. Ngoài ra, đã theo dõi và dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, triều cường, sóng lớn trên các vùng biển; đã thực hiện dự báo bản tin phục vụ các kỳ họp của Quốc hội và SEA Games 31. Đặc biệt đã khẳng định trình độ, sự dũng cảm trong việc nhận định và dự báo về cơn siêu bão Noru (bão số 4); nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của Ngành KTTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại.
Ngành KTTV Việt Nam đã vinh dự đón Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến thăm, làm việc và đánh giá cao các thành tích đạt được của Ngành trong công tác dự báo, cảnh báo sớm, cũng như vai trò đóng góp đối với các nước trong khu vực và thế giới thông qua nhiều hoạt động quan trọng.
Năm qua, công tác nghiên cứu khoa học đã được chú trọng hơn nữa với nhiều công bố nghiên cứu, bài báo quốc tế; tổ chức đào tạo trình độ tiến sỹ cho 30 nghiên cứu sinh và xây dựng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.
Cũng trong năm 2022, những thành tựu Ngành đã được đánh giá và ghi nhận của Đảng, Chính phủ, từ đó Chính phủ đã quyết định duy trì mô hình Tổng cục. Đây là thành tựu to lớn, làm động lực cho sự phát triển của Ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Tổng cục cũng có sự thay đổi với việc giảm 4 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục và tiếp nhận Trung tâm Hải văn từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT đã nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV&BĐKH với các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực liên quan trong thời gian qua.
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, để có được những thành tựu trên, có sự chung tay góp sức rất lớn của các đơn vị, của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành; cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các mặt công tác của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục và Viện, cùng sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị thuộc Bộ.
Thứ trưởng ghi nhận và biểu dương tập thể Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành KTTV đã góp phần quan trọng vào những thành tích chung của Ngành TN&MT trong năm qua.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Tổng cục KTTV và Viện Khoa học KTTV&BĐKH duy trì tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động các phương án trong những tình huống phức tạp nhất, tất cả đặt mục tiêu phục vụ hiệu quả sự an toàn của Nhân dân; tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.
Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài Bộ, tổ chức tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất, chính xác nhất phục vụ cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn; các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục thực hiện dựa trên tác động để người dân, cộng đồng xã hội nắm bắt kịp thời, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong công tác chủ động phòng chống thiên tai của nhân dân.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV. Sớm hoàn thành Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Rà soát mạng lưới, hệ thống thông tin, dữ liệu để bảo đảm hoạt động thông suốt của toàn Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV Quốc gia, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ cho mùa mưa bão năm 2023.
Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực KTTV. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới “Công nghệ 4.0”: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ khai thác dữ liệu lớn (BigData)....
Đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa; hoàn thiện trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi, dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ như: tố, lốc, vòi rồng, mưa đá… Nhanh chóng có biện pháp, giải pháp đánh giá chi tiết các tiềm năng năng lượng tái tạo phục vụ phát triển, góp phần quan trọng, hiệu quả thiết thực hướng tới mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo 2 đơn vị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế, vai trò Trung tâm hỗ trợ khu vực nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên cộng đồng Khí tượng thế giới. Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan, bộ, ngành để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông KTTV với các Bộ, ban ngành, cơ quan, địa phương và cộng đồng để chủ động nắm bắt kịp thời các bản tin, thông tin dự báo, cảnh báo.
Theo Thứ trưởng, Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, tổ chức; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho các đơn vị đi vào hoạt động ổn định ngay sau khi chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có hiệu lực thi hành; bảo đảm việc sáp nhập, kiện toàn, tiếp nhận không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, nhất là công tác phục vụ phòng, chống thiên tai.
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng, ý kiến tham luận và góp ý của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, trong thời gian tới, Ngành KTTV sẽ cụ thể hóa bằng những giải pháp, nhiệm vụ, chỉ đạo cụ thể đến toàn thể các đơn vị trực thuộc Tổng cục và Viện.