Xây dựng nền kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 10/01/2023
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đối với tăng trưởng và đầu tư. Trên thực tế, tại Việt Nam, quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã gắn liền với tư duy phát triển kinh tế nhiều thành phần và quá trình cải cách thể chế kinh tế. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng đã ban hành Nghị quyết ghi nhận vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, theo đó khối kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và hình thành được nhiều thương hiệu cạnh tranh. Xét về khía cạnh phát triển bền vững vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường, các vấn đề mang tính toàn cầu và khả năng thích ứng linh hoạt của kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế. Vì vậy hội thảo chính là cơ hội để Viện có thể trình bày những nghiên cứu ban đầu và mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ những chuyên gia, nhà nghiên cứu để hoàn thiện nghiên cứu.
TS. Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban, Ban nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày tham luận về một số kết quả nghiên cứu đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững, trong cải cách thể chế thúc đẩy kinh tế tư nhân gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững như nhiều nhiệm vụ liên quan đến khuyến khích, hỗ trợ khu vực tư nhân sản xuất, tiêu thụ bền vững; chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sạch; khuyến khích tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo, môi trường… Tiếp tục thực hiện đánh giá xếp hạng CSI của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, công bố công khai và nhân rộng áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Qua đó, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững được thể hiện trong nhiều khía cạnh như kinh tế phát triển về số lượng chủ thể kinh tế tư nhân, quy mô khu vực kinh tế tư nhân được cải thiện đáng kể, chiếm vị thế áp đảo trong danh sách doanh nghiệp đạt vốn hóa tỷ USD. Trong đó, hiệu quả hoạt động doanh thu thuần tăng với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 14,51%, cao hơn mức chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (13,84%), giúp đóng góp lớn cho nền kinh tế về GDP, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu nội địa, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đến thực hiện kế hoạch giảm phát thải, thị trường tài chính suy thoái, việc huy động vốn qua các kênh khó khăn khi xu hướng ứng dụng các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... còn vướng mắc nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển, TS. Luyến nhấn mạnh vào giải pháp cần phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực đặc biệt là đất đai, đầu tư vốn, nâng cao nhận thức về các cơ hội, thách thức và yêu cầu liên quan nhằm phát triển nhanh và hiệu quả kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là các khía cạnh về “kinh tế" trong mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến phục hồi/ tái tạo tài nguyên thiên nhiên thay vì cắt giảm khí thải, rác thải, tiêu hao nhiên liệu,... Đồng thời cần phải hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân thích ứng và tận dụng các cơ hội từ hội nhập quốc tế, hỗ trợ các chủ thể kinh tế tư nhân chuyển đổi số và phát triển kinh tế số gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, cần nâng cao phương thức hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn.
Ông Dennis Quennet - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh cho biết chuỗi cung ứng về kinh tế hiện nay đang thay đổi rất lớn, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn cầu, vì vậy, nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam cần phải được hội nhập rộng và cần tận dụng các cơ hội mở cửa để phát triển kinh tế tư nhân. Muốn hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân được thuận lợi, cần phải có chính sách cũng như ứng dụng công nghệ thông tin cải cách thể chế, đưa khu pháp lý tích cực thu hút tín hiệu tham gia từ nhóm kinh tế tư nhân tại Việt Nam, thông qua cải cách thể chế, tăng cường giao lưu, tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ nước ngoài, áp dụng vào nhu cầu thực tế tại Việt Nam.
Đối với những điểm nhấn cải cách thể chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững trong bối cảnh mới, TS. Duy Bình Giám đốc điều hành Economia đề cao sự quan trọng của nền kinh tế tư nhân trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và đầu tư tư nhân trong 10 năm qua đạt 2.89 triệu tỷ đồng. Đây là một con số đáng ghi nhận trong năm 2021 vừa qua, làm cơ sở tiền đề để phát triển kinh tế tư nhân bền vững trong những năm tiếp theo.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày về Cải cách cơ chế thực thi và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh mới, trong đó, ông nghiên cứu về thể chế phát triển doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như việc cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại, chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm, ít liên thông thủ tục hành chính, ít thủ tục thực hiện chất ở cấp độ 4; việc chuyển đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa thực sự mạnh mẽ, áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới chỉ được thực hiện mức độ nhất định trong lĩnh vực thuế và hải quan, chưa mở rộng ra các lĩnh vực khác; cùng với đó, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại dù có nhiều cải thiện nhưng chưa đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp, công tác thi hành án dân sự chưa đạt được hiệu quả cao,...
Do đó, ông đề xuất những giải pháp có thể tháo gỡ vướng mắc từ những tồn tại hạn chế như tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp; tiếp tục tiến hành chương trình cắt giảm các quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh một cách thực chất; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở hầu hết các lĩnh vực; thúc đẩy áp dụng quản lý theo hình thức rủi ro; xác định hỗ trợ môi trường kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp: tập trung vào việc rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết vụ án kinh doanh thương mại; hạn chế tối đa việc đình chỉ, tạm đình vụ án; giảm thời gian và tăng tỷ lệ thi hành án thành công; giảm triệt để việc hủy phán quyết trọng tài thương mại.
Qua đó, cần nghiên cứu tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và thực thi pháp luật thông qua việc bảo đảm công tác tham vấn đối tượng thụ hưởng chính sách trong giai đoạn xây dựng pháp luật, thực hiện các biện pháp pháp điển hóa, tập hợp hóa, hợp nhất văn bản pháp luật, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, nghiên cứu cơ chế diễn giải pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ,...
Kết luận tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định, để khu vực kinh tế tư nhân có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển bền vững, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế thông qua việc triển khai các quy định, thể chế và ban hành thực tiễn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xây dựng hướng phát triển mới, từ những tham luận, nghiên cứu cùng ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong hội thảo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương mới có thể xây dựng được những tham vấn, chính sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như cho Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân của đất nước trong giai đoạn đổi mới.