VICEM tiếp tục giữ vai trò chi phối, bình ổn và phát triển thị trường xi măng
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 09:08, 08/01/2023
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Nam Khánh -Tổng giám đốc VICEM cho biết, năm 2022, VICEM gặp rất nhiều khó khăn khi xung đột giữa Nga và Ukraine tác động đến kinh tế toàn cầu với nhiều bất lợi; Trung Quốc duy trì chính sách “Zero Covid” để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện phong toả các cảng biển… đã ảnh hưởng đến giao thương của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng như: Xăng, dầu, than,… tăng cao, đặc biệt giá than nhập khẩu, đồng thời nguồn cung than khan hiếm. Cùng với đó, thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do “cung” vượt xa so với “cầu”; thị trường bất động sản trầm lắng cộng với việc giải ngân vốn đầu tư các công trình công còn chậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước...
Theo ông Khánh, trong năm 2022, VICEM đã tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình “Đổi mới - Sáng tạo” trong sản xuất để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tăng năng suất, nghiên cứu các sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường; Triển khai Đề tài “Nghiên cứu sử dụng chất thải nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng” tại Vicem Bút Sơn. Ngày 07/11/2022, Vicem Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép cho sử dụng chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng. Đồng thời, đẩy mạnh các Chương trình tối ưu hóa sản xuất, áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, cải tiến thiết bị, tập trung đầu tư chiều sâu trong sản xuất clinker, xi măng tại một số đơn vị thành viên. Việc cải tạo thành công hệ thống nung luyện clinker tại các đơn vị như: Bút Sơn, Hoàng Thạch, Hải Phòng và Hoàng Mai… đã góp phần tiết giảm tiêu hao nhiệt năng, điện năng, tăng năng suất và thích ứng với nguồn than nhiệt trị thấp, cải thiện rõ rệt hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các Công ty thành viên.
Việc triển khai các giải pháp rất quyết liệt và đồng bộ cho dù không thể giúp VICEM đạt kế hoạch đề ra nhưng cho thấy sự sáng tạo và trí tuệ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ - người lao động VICEM trong bối cảnh đầy những khó khăn và biến động khó lường này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong năm 2022 là thành quả của sự nỗ lực, bền bỉ, kiên trì, năng động, sáng tạo và nghị lực của toàn thể cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên và người lao động VICEM. Trong thành tích, kết quả tích cực chung của ngành Xây dựng năm 2022, có vai trò, đóng góp quan trọng của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn chung của cả nền kinh tế và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay và các diễn biến phức tạp của thị trường, VICEM vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Bộ giao, tiếp tục giữ vững vai trò chi phối, dẫn dắt, định hướng, bình ổn và phát triển thị trường xi măng, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, năm 2023 được xác định là năm có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng thách thức sẽ rất lớn đối với ngành Xây dựng nói chung và VICEM nói riêng, vì vậy, năm 2023, VICEM cần tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo các yếu tố thị trường, bám sát kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các Vùng và địa phương để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hoạt động 5 năm và hàng năm, cụ thể hóa từng lĩnh vực, từng hoạt động phù hợp với diễn biến thị trường và điều kiện cụ thể của Tổng công ty, đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời tham gia bình ổn, điều tiết thị trường xi măng. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án án sắp xếp, tái cơ cấu Tổng công ty VICEM giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của Tổng công ty. Giữ gìn, phát huy thương hiệu, truyền thống Tổng công ty xi măng Việt Nam. Tiếp tục quan tâm xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp nhà nước thông qua hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp thiết thực vào phát triển đất nước, an sinh xã hội, đi đầu ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường , minh bạch, không có tiêu cực, lãng phí.
Điều quan trọng nữa đó là VICEM cần xác định đúng cơ cấu đầu tư - sản xuất - dịch vụ phù hợp với thực lực của Tổng công ty và diễn biến thị trường. Tích cực, chủ động trong xử lý, cơ cấu lại các công ty thuộc Tổng công ty một cách hiệu quả, hợp lý, nhất là các Công ty đang gặp khó khăn hiện nay. Đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ - kỹ thuật, không ngừng nỗ lực làm chủ những công nghệ mới, tiên tiến và phù hợp với chiến lược phát triển trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Trong đó, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống, cần nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất theo lộ trình một số các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình ngày càng cao của ngành Xây dựng.
Phát huy truyền thống 93 năm Ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam cùng với tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả", tin tưởng rằng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục có những bước phát triển vững chắc và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới.
Cũng tại buổi lễ, Tổng công ty Xi măng Việt Nam vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 10 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng.
Sản lượng sản xuất Clinker đạt 20,65 triệu tấn, đạt 95,1% kế hoạch năm 2022 và giảm 3,8% so với năm 2021. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,56 triệu tấn, đạt 94,8% kế hoạch năm 2022 và tăng 1,7% so với năm 2021. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 27,46 triệu tấn, đạt 93,2% kế hoạch năm 2022 và giảm 6,7% so với năm 2021, trong đó: Tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, đạt 95,6% kế hoạch năm 2022 và tăng 5,6% so với năm 2021; Tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn, đạt 79% kế hoạch năm 2022 và giảm 45,6% so với năm 2021.
Tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022 và tăng 16,6% so với năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532,3 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5% (tương đương giảm 671,9
tỷ đồng) so với năm 2021.