Lũ lụt ở Pakistan đẩy 9 triệu người vào cảnh nghèo đói

Thế giới - Ngày đăng : 16:55, 07/01/2023

(TN&MT) - Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa cho biết thêm 9 triệu người có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo đói trong số 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tàn khốc vào mùa hè năm ngoái ở Pakistan.
image1170x530cropped-1-(1).jpg
Sau trận lũ lụt và gió mùa gần đây, bệnh sốt rét và các bệnh khác đang gia tăng trong cộng đồng người dân ở Pakistan. Ảnh: UNICEF

Cảnh báo này được đưa ra trước Hội nghị quốc tế về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Pakistan vào tuần tới tại Geneva (Thụy Sĩ).

Đại diện thường trực của Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc tại Pakistan - ông Knut Ostby cho biết, hơn 1.700 người đã thiệt mạng trong thảm họa lũ lụt xảy ra vào hăm ngoái. Ngoài ra, ít nhất 2 triệu ngôi nhà bị phá hủy, cùng với khoảng 13.000 km đường bộ, 3.000 km đường sắt, 439 cây cầu và 4,4 triệu mẫu đất nông nghiệp đã bị hư hại.

Theo ông Ostby, nước vẫn còn chưa rút ở một số khu vực, nhiều người chưa thể quay lại sinh kế thường ngày và vẫn phải phụ thuộc vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Ông ước tính, có khoảng 9 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói do tác động của lũ lụt tại Pakistan vào mùa hè năm 2022.

Ông Ostby cảnh báo, mặc dù lũ lụt ở Pakistan là "chưa từng có", nhưng hình thái thời tiết cực đoan này có thể xảy ra tại các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Ông giải thích mùa màng đã bị thất thu từ vụ thu hoạch trước. Trong khi đó, giá lương thực đang tăng lên và có thể đẩy gấp đôi số người vào tình trạng mất an ninh lương thực, tăng con số đó từ 7 lên 14,6 triệu người.

Nhắc lại những lo ngại đó, Đại diện thường trực của Pakistan tại Liên Hợp Quốc Khalil Hashmi cho hay khoảng 8 triệu trong số 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vẫn "phải di dời khẩn cấp", vì nước lũ vẫn chưa rút ở một số khu vực. Trong số những nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay, ông Hashmi liệt kê nhà ở, nông nghiệp và sinh kế là những nhu cầu lớn nhất.

Theo Liên Hợp Quốc, cần khoảng 16 tỷ USD để giúp phục hồi và tái thiết Pakistan trong thời gian dài. Phát biểu qua video từ thủ đô Islamabad, ông Syed Haider Shah, người đứng đầu bộ phận Liên Hợp Quốc tại Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết: “Đây không chỉ là một dự án kéo dài một năm. Các nhu cầu đã được phân loại thành bốn mục tiêu phục hồi chiến lược và chúng giải quyết vấn đề xây dựng năng lực của Chính phủ, tái thiết toàn diện, các vấn đề về giới và sinh kế”.

Các thông tin cập nhật về tình hình Pakistan được đưa ra trước thềm diễn ra Hội nghị quốc tế về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Pakistan do Chính phủ Pakistan và Liên Hợp Quốc đồng tổ chức. Sự kiện dự kiến diễn ra tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 9/1 tới, với sự tham dự của Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Hội nghị nhằm tập hợp sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân để huy động hỗ trợ tài chính và hỗ trợ từ quốc tế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, đồng thời xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hại theo cách thích ứng với khí hậu sau trận lũ lụt lịch sử tại Pakistan trong năm 2022.

Mai Đan