Thừa Thiên – Huế: Phấn đấu thu hút 10 - 12 dự án vào các khu kinh tế và công nghiệp năm 2023
Kinh tế - Ngày đăng : 15:35, 06/01/2023
Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế, số liệu tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) tỉnh đã cấp mới 11 dự án với tổng vốn đăng ký là 4.683 tỷ đồng, tăng 41,5% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.300 triệu USD, đạt 100% kế hoạch; doanh thu đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so cùng kỳ; thu ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công gần 219 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,27% và giải ngân nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 412 tỷ đồng, đạt 92,4%...
Ông Lê Văn Tuệ - Trưởng ban Ban Quản lý cho biết, năm 2023, tuy đứng trước dự báo tình hình kinh tế - xã hội sẽ có nhiều khó khăn thách thức lớn, đơn vị vẫn phấn đấu thu hút thêm 10 - 12 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng vốn khoảng 4.000 – 6.000 tỷ đồng; hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công; nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài giai đoạn III và IV khoảng 25%, KCN Phong Điền khoảng 35% và các KCN còn lại trên 30%; 100% các dự án đi vào hoạt động thực hiện đầy đủ thủ tục về môi trường; các KCN có nhà đầu tư hạ tầng 100% có hệ thống xử lý nước thải; kim ngạch xuất nhập khẩu 1.300 triệu USD; nộp ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương cho rằng, những dự án đã được triển khai ở các KCN, KKT là động lực để phát triển kinh tế xã hội, tạo đà tăng trưởng, thu hút các dự án đầu tư, góp phần xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và đề nghị các đơn vị triển khai, hoàn thành các đồ án quy hoạch các dự án trên địa bàn các KKT, KCN. Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương; xúc tiến đầu tư, đưa các dự án được cấp phép vào hoạt động. Tập trung triển khai các dự án, đảm bảo công tác giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra...
Thừa Thiên – Huế đã có 6 KCN với diện tích 2.393 ha, tháng 11/2022 vừa qua khởi công thêm KCN Gilimex quy mô hơn 460 ha; hiện có 2 KKT (KKT Chân Mây-Lăng Cô diện tích 27.108 ha; KKT cửa khẩu A Đớt diện tích 10.184 ha).
Thời gian qua, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại các KKT, KCN ở Thừa Thiên – Huế ngày càng tăng, chủ yếu là các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore... Trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên tập trung kêu gọi đầu từ các lĩnh vực công nghiệp, đầu tư cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp và các dự án du lịch có quy mô lớn.