Petrovietnam: Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa dầu khí được quán triệt sâu sắc
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:33, 05/01/2023
Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm vụ bảo vệ môi trường không đơn thuần như các ngành khác bởi trong hoạt động dầu khí phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như: ứng phó sự cố tràn dầu; xử lý dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; quản lý chất thải đối với các hoạt động dầu khí trên biển; xử lý khí thải, nước thải trong công nghiệp lọc - hóa dầu, đạm, hóa phẩm dầu khí, công nghiệp sản xuất điện; xử lý nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; xử lý môi trường khi thu dọn mỏ…
Để bảo vệ môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Tổng lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, ngay từ những mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện năm 1992, trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật Bảo vệ môi trường, Tập đoàn vẫn chủ động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; tiến hành các đợt khảo sát môi trường cơ sở và môi trường sau khi khoan, trong quá trình khai thác dầu khí.
Đến nay, tất cả các dự án dầu khí ngoài khơi đều tuân thủ các quy định của pháp luật như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC); kế hoạch bảo vệ môi trường; giám sát định kỳ và liên tục các nguồn thải; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, biện pháp ứng phó sự cố hóa chất; thực hiện quan trắc môi trường trước và sau khi thực hiện thu dọn mỏ; thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí… Các đơn vị cũng thường xuyên cập nhật các nguồn thải từ hoạt động của mình, từ đó xác định rõ những rủi ro và tác động môi trường để thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp.
Đối với công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, các nguồn thải, tại đầu ra của hệ thống xử lý nước khai thác đều lắp đặt thiết bị đo hàm lượng dầu liên tục (online monitor), khi hàm lượng dầu lớn hơn giới hạn, hệ thống sẽ tự động đưa nước khai thác quay trở lại cyclone để xử lý lại. Các loại nước thải khác (nước rửa sàn, nước mưa…) được thu gom và xử lý bằng thiết bị tách dầu trong nước để bảo đảm hàm lượng dầu trong nước thải ra môi trường biển nhỏ hơn hoặc bằng 15mg/l theo quy định của Marpol. Tại các giàn khoan đều được trang bị thiết bị xử lý mùn khoan như sàng rung, máy quay ly tâm, máy sấy khô để bảo đảm xử lý hàm lượng dầu bám dính trong mùn khoan nhỏ hơn 9,5 trọng lượng khi thải xuống biển, tuân thủ QCVN 36:2010/BTNMT.
Đồng thời, các chất thải rắn nguy hại gồm cặn dầu, cặn dung dịch gốc tổng hợp, bùn nhiễm dầu, nước nhiễm dầu, hóa chất gốc dầu, giẻ nhiễm dầu, acquy, pin thải… được thu gom phân loại vào các thùng có dán nhãn riêng sau đó được vận chuyển về bờ để xử lý.
Đi tiên phong trong lĩnh vực an toàn, môi trường
PVN luôn đặt mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe môi trường (ATSKMT) lên hàng đầu. Vì vậy, PVN luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm kiểm soát, hướng dẫn các đơn vị cơ sở, các đối tác nước ngoài thực thi tuân thủ quy định pháp luật về ATSKMT. Tại Việt Nam, PVN là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực an toàn, môi trường.
PVN đã tổ chức bộ máy quản lý công tác ATSKMT thống nhất và xuyên suốt từ Công ty Mẹ đến các đơn vị cơ sở. Ban ATSKMT của PVN được tổ chức thành 3 phòng gồm: Phòng An toàn & Sức khỏe lao động, Phòng Bảo vệ Môi trường và Văn phòng Trực tình huống khẩn cấp. Các thành phần và các quy trình chính được công bố trong Sổ tay Hệ thống quản lý ATSKMT đóng vai trò là các yêu cầu thiết yếu cho mọi hoạt động.
Để triển khai chính sách ATSKMT Tập đoàn đã ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và quản lý định hướng hoạt động cho các đơn vị cơ sở cũng như công tác quản lý và kiểm tra của Tập đoàn; xây dựng Kế hoạch Ứng cứu khẩn cấp và Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp trong các hoạt động dầu khí; hướng dẫn quan trắc và phân tích môi trường biển khu vực lân cận các công trình dầu khí ngoài khơi Việt Nam; hướng dẫn quan trắc môi trường xung quanh và giám sát nguồn thải của các công trình dầu khí trên đất liền.
Có thể khẳng định, đến nay phương châm “Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa dầu khí” đã được các đơn vị quán triệt sâu sắc. Tại các nhà máy của PVN bảo vệ môi trường được thực hiện bằng tinh thần và trách nhiệm. Đơn cử như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc – Hóa dầu Bình Sơn - BSR) đã tuân thủ nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy được đầu tư 27,8 triệu USD, theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước G7; tại Nhà máy Đạm Cà Mau, hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7, cụm tách CO2 sử dụng công nghệ của BASF với hiệu suất phân tách cao, tiêu hao năng lượng thấp và ít gây tác hại đến môi trường….
Hiện nay PVN đã có 15 đơn vị cơ sở có Hệ thống quản lý ATSKMT được các công ty độc lập đánh giá và cấp chứng chỉ quốc tế, gồm: PTSC, PV GAS, PVFCCo, PV Trans, PVD, PVC, DMC, VSP, PVEP, PVPower, BSR, DQS, BDPOC, PVCFC và PV Oil. Hệ thống quản lý ATSKMT của Tập đoàn được xây dựng và duy trì đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả theo các tiêu chuẩn OHSAS 18001, ISO 14001 và ISO 9001.
Hướng về phát thải ròng bằng “0”
Để đồng hành với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 tại Glasgow về đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net-zero) tại thời điểm năm 2050, PVN đang rà soát, cập nhật Kế hoạch Hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đã ban hành năm 2018, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng và giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong toàn Tập đoàn phù hợp với cam kết của Chính phủ.
Theo xu hướng phát triển chung của thế giới hướng về phát thải ròng bằng “0”, các đơn vị của Tập đoàn đang quan tâm đến các giải pháp phát triển bền vững như: Phát triển điện gió ngoài khơi tại khu vực thăm dò khai thác, để thay thế cho các nguồn điện sử dụng nguyên liệu DO và khí; giảm phát thải CO2 bằng cách áp dụng các kỹ thuật CCS và CCUS, sử dụng CO2 để gia tăng hệ số thu hồi dầu khí; sản xuất hydrogen xanh và phối trộn với khí thiên nhiên… Các hoạt động này sẽ góp phần vào cam kết của Chính phủ tại COP26 đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia trung hòa Carbon cao vào năm 2050.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, nhất là thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mong muốn được xem xét chấp thuận điều chỉnh Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó định hướng để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển đổi thành Tập đoàn năng lượng, thân thiện với môi trường; cho phép Tập đoàn Dầu khí phát triển các nguồn nhiên liệu tái tạo, năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, hydro…
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ có liên quan tiếp tục xây dựng các cơ chế, khung pháp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn để khơi thông, thúc đẩy nguồn tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực tái chế nhựa trên cơ sở tận dụng hạ tầng, thế mạnh trong lĩnh vực chế biến dầu khí của Tập đoàn; đẩy mạnh liên kết chuỗi để sử dụng tài nguyên có hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường…