Hướng đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

Biển đảo - Ngày đăng : 16:19, 05/01/2023

(TN&MT) - Chiều 5/1, tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo về Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế.

2.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Cảnh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của việc lập quy hoạch này nhằm hướng đến phát triển bền vững vùng bờ dựa trên sự nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, sử dụng tài nguyên theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cải thiện sinh kế và mức sống của cộng đồng dân cư ven biển gắn với bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa; giữ vững trật tự xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi và tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, tăng cường hợp tác quốc tế. Trong đó, nổi bật là Luật Quy hoạch, Luật Biển Việt Nam, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và ký kết các Hiệp định liên quan với các nước có chung đường biên giới biển.

33.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Đức Cảnh

Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trong phạm vi vùng bờ trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Đồng thời, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với bảo vệ môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững kinh tế biển trong phạm vi vùng bờ.

4.jpg
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Cảnh

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 20/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 27/CTr-TU ngày 20/3/2019 và UBND tỉnh đã có Quyết định số 4921/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 27/CTr-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó đặt ra mục tiêu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15-20% GRDP của tỉnh; kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85-90% GRDP của tỉnh.

Quảng Bình là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, có 6 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, cùng với đường bờ biển dài hơn 116 km, diện tích mặt biển lớn đã tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với nguồn lợi thủy sản dồi dào. Vùng ven biển của tỉnh là khu vực có nhiều danh lam thắng cảnh, có khu kinh tế và các cảng biển, cùng với triển vọng về điện gió là điều kiện quan trọng để Quảng Bình phát triển một số lĩnh vực kinh tế biển như: vận tải biển, nuôi trồng, khai thác hải sản xa bờ, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch biển đảo" - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là nhiệm vụ hết sức quan trọng và ưu tiên hàng đầu, vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng bền vững các giá trị của biển và hải đảo, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường biển; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, góp phần đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh; đồng thời, hạn chế được sự suy giảm nguồn lợi, tài nguyên và đa dạng sinh học; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh kế cộng đồng dân cư ven biển, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

5.jpg
Phó Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam Mette Moglestue phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Cảnh

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam Mette Moglestue cho biết, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng như đường bờ biển dài, cùng cam kết mạnh mẽ hướng đến phát triển kinh tế biển xanh. Trong đó, việc xây dựng được quy hoạch vùng bờ là rất quan trọng. Na Uy là một trong các quốc gia xây dựng quy hoạch vùng bờ rất sớm. Nhờ đó, các vùng bờ, vùng biển của Na Uy được quản lý thuộc nhóm quốc gia quản lý tốt nhất trên thế giới. Na Uy mong muốn chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với Việt Nam.

12.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Cảnh

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày những nội dung chính của Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chuyên gia từ Na Uy trình bày kinh nghiệm của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Na Uy về quy hoạch biển; nghe và thảo luận về chuyên đề “Hoàn thiện phân vùng vùng biển ven bờ trong triển khai Quy hoạch”; đồng thời thảo luận về nhiều vấn đề được quan tâm trong Quy hoạch.

Đức Cảnh - Thanh Tùng