Thị trường BĐS 2023: Nhiều triển vọng phục hồi và phát triển

Bất động sản - Ngày đăng : 10:25, 05/01/2023

(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhờ việc tháo gỡ thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản (BĐS), cùng với các cơ quan chức năng nhìn nhận những khó khăn và vai trò của thị trường BĐS, từ đó có các chính sách giải quyết kịp thời, sẽ là cơ sở rất lớn để thị trường BĐS trong năm 2023 kỳ vọng khởi sắc.

Quá nhiều “điểm nghẽn”

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), năm 2022, thị trường BĐS tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung ghi nhận nhiều khó khăn khi sức mua, thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền bị nghẽn, nguồn cung khan hiếm. Nhưng thiếu vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS, mà pháp lý của dự án chính là điểm nghẽn lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án. Lỗ hổng quản lý cũng tạo cơ hội khiến một số cá nhân, tổ chức đầu cơ, gây nhiễu loạn thị trường.

“Năm 2023, kỳ vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc hơn và sẽ là giai đoạn phục hồi của thị trường địa ốc trong trung và dài hạn. Thời gian tới, với sự dịch chuyển của dòng vốn FDI cùng chính sách điều tiết của Chính phủ sẽ là động lực để BĐS bứt phá”.

Ông Neil MacGregor -

Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, tổng cung BĐS nhà ở 9 tháng năm 2022 đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 77,9% so với năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 43%. Riêng quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh so với quý 1 và quý 2/2022, chỉ đạt 33,5%. Nguồn cung BĐS hiện cũng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Hiện, phân khúc nhà ở đang khan hiếm nguồn cung ở cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (bán lại từ nhà đầu tư, người dân).

Số liệu của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, cả nước chỉ có khoảng 20.000 sản phẩm từ các dự án mới được đưa vào thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong quý 3/2022, nguồn cung cũng chưa có nhiều cải thiện do 2 - 3 năm qua, các địa phương rất thận trọng trong việc phê duyệt dự án đầu tư do lo ngại vướng mắc quy định pháp luật. Một nguyên nhân nữa kéo nguồn cung sụt giảm là khó khăn về dòng vốn. Theo đó, tín dụng cho BĐS và phát hành trái phiếu doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Doanh nghiệp thiếu vốn dẫn đến hoạt động đầu tư phát triển các dự án chậm lại.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea) cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường BĐS trầm lắng là do gặp phải một số điểm nghẽn pháp lý, nguồn vốn tín dụng và các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và kênh dẫn vốn khác trục trặc. Ngoài ra, niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường đang bị sụt giảm. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không sớm tháo gỡ các điểm nghẽn này, sẽ không thể thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo nhận định của các chuyên gia, chưa bao giờ thị trường BĐS Việt Nam gặp khó khăn như hiện nay. Song, việc các doanh nghiệp đã chủ động vượt khó, tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, hướng mục tiêu vào phân khúc có nhu cầu thực của người dân… đã mang tới kỳ vọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn là một điểm sáng, tạo niềm tin và sự tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

10.jpg

Dự báo năm 2023 thị trường BĐS sẽ bớt khó khăn hơn, “ánh sáng” sẽ xuất hiện vào cuối năm 2023

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia Kinh tế cho rằng, "ánh sáng" của thị trường BĐS và các doanh nghiệp địa ốc có thể sẽ xuất hiện vào cuối năm 2023. Còn trước mắt, thị trường BĐS có sớm ổn định hay không phụ thuộc vào việc sớm xử lý các yếu tố quan trọng về vướng mắc pháp lý của dự án, dòng tiền, tái cấu trúc của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp BĐS cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi, nhất là các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ...; đồng thời, phải có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 2023 - 2024; đa dạng hóa nguồn vốn về tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư...

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNRea nhận định, trong quý 1/2023, thị trường BĐS cả nước sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý cần thêm thời gian. Bước sang quý 2 và 3/2023, thị trường dần phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về pháp lý; các vướng mắc về vốn, pháp lý dự án sẽ dần được tháo gỡ.

Thục Vy