Phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch Quốc gia

Du lịch - Ngày đăng : 23:59, 04/01/2023

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Định hướng phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, hoàn thành 50% các điều kiện công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2040, tổ chức công nhận vùng lòng hồ thủy điện thành Khu du lịch quốc gia.

1.jpeg

Sơn La định hướng phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện thành Khu du lịch quốc gia.

Dự kiến đến năm 2030, sẽ đón trên 1,3 triệu lượt khách, trong đó, có 80.000 khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch sẽ đạt gần 7.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 32.000 người lao động. Đây sẽ là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La. Là vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa, trải nghiệm gắn với lòng hồ, tham quan Nhà máy thủy điện Sơn La. 

Các sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Du lịch Golf và thể thao; Du lịch sự kiện, lễ hội. Không gian phát triển gồm 3 phân khu du lịch và 3 trung tâm dịch vụ du lịch. Trong đó, phân khu du lịch biển hồ Quỳnh Nhai là phân khu du lịch động lực, tạo nên thương hiệu, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp theo mô hình các khu du lịch phức hợp với đa dạng các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao và golf, du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng.

Phân khu du lịch nghỉ dưỡng Mường La là phân khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp theo mô hình các resort vừa và nhỏ, đa dạng về loại hình và các phong cách kiến trúc, dịch vụ. Phân khu du lịch gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Mường La là phân khu du lịch bổ trợ, là phân khu du lịch sinh thái, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học.

a4(1).jpg

Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Được biết, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nằm trên địa bàn 3 huyện Mường La, Quỳnh Nhai và Thuận Châu. Từ năm 2014, tỉnh Sơn La đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng lòng hồ thủy điện đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Song, do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, nguồn lực đầu tư phát triển du lịch hạn chế… hoạt động du lịch trong vùng du lịch lòng hồ thủy điện chưa đạt được kỳ vọng, chưa trở thành động lực du lịch của tỉnh. Thị trường khách du lịch chủ yếu là du khách từ các tỉnh giáp Sơn La và các tỉnh vùng Đông Bắc. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu, chủ yếu là du lịch tham quan.

Trên cơ sở tài nguyên du lịch, tiềm năng và lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện, tỉnh Sơn La tiếp tục xác định vùng lòng hồ thủy điện là trọng điểm du lịch của tỉnh, gắn với mục tiêu đưa "lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch Quốc gia", đây là một trong trong những nhiệm vụ chủ đạo để phát triển du lịch trong giai đoạn đến năm 2030. Phát triển du lịch sẽ gắn với việc tôn tạo và gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường theo hướng du lịch xanh, bền vững.

Trong quá trình triển khai, để bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của dân cư, khách du lịch về bảo vệ môi trường nói chung và nguồn tài nguyên nước nói riêng. Nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng gió và hạn chế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Các khách sạn, nhà hàng lớn có thể nghiên cứu xây dựng hệ thống sản xuất khí sinh học biogas….

Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu, điểm du lịch... Theo đó, dự kiến sẽ xây dựng 6 trạm cấp nước với tổng công suất 21.600m3/ngày đêm, nâng cấp 2 trạm cấp nước với tổng công suất 7.600m3/ngày đêm. Xây mới 4 nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp 1 khu xử lý chất thải rắn Quỳnh Nhai, xây dựng mới bãi rác các xã Cà Nàng, Chiềng Khay, Mường Chiên, Mường Giôn, Mường Giàng, Mường Sại, Nậm Ét, Hua Trai, Nậm Păm với tổng quy mô 10,34ha.

Nguyễn Nga