Công tác dân tộc năm 2023: Thay đổi để phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 22:03, 04/01/2023
Đó là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022, sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 diễn ra ngày 4/1 tại Hà Nội.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022, sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2023) và triển khai nhiệm vụ năm 2023 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông, Y Vinh Tơr… cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương, UBND các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
Những kết quả ấn tượng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Lễ Tổng kết được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo Bộ trưởng: “Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Đời sống của người dân, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi bị ảnh hưởng nặng nề”.
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm qua chuyển biến tích cực; công tác dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn.
Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 8 chương trình, đề án, chính sách dân tộc. Ủy ban Dân tộc đã xây dựng và ban hành 7 Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm để hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, Ủy ban Dân tộc đã tổng hợp, xây dựng dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 (trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc đã ban hành 2 Thông tư để hướng dẫn thực hiện chương trình.
Cũng trong năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã cùng 15 bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia, đã hoàn thành 32/33 văn bản hướng dẫn; 60 văn bản trao đổi, quy trình… đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh, thành phố; Ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố luôn chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào DTTS, kịp thời hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2022, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn của vùng đồng bào DTTS, những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện công tác dân tộc, triển khai chính sách dân tộc và bổ sung nội dung giải pháp cụ thể. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Dân tộc quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện một số chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi liên quan đến việc phân bổ vốn; hướng dẫn định mức vốn; các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng…
Đặt tiêu chuẩn cao hơn đối với cán bộ làm công tác dân tộc
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2022, để Chương trình công tác năm 2023 và các năm tiếp theo đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc; Tổ chức thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021 - 2025...
Theo Bộ trưởng, mới đây nhất, ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 25 đề án, chính sách được các bộ, ban, ngành triển khai. Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Bộ trưởng cho biết, cần phải tính toán, đề xuất và xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại về thôn, bản, xã vùng đồng đồng bào DTTS và miền núi vùng đồng bào DTTS một cách hợp lý hơn. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dữ liệu của công tác dân tộc, công tác nắm tình hình, kỹ năng tổng hợp, phân tích đánh giá để tham mưu, đề xuất, kiến nghị chính sách dân tộc còn hạn chế.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu: "Đã đến lúc phải thay đổi chứ không thể theo lối mòn. Có nhiều nhiệm vụ rất cụ thể, liên quan đến pháp luật, quản lý tài chính, ngân sách… Nếu chúng ta không triển khai được chính sách thì người dân không thụ hưởng được. Còn nếu chúng ta không có kỹ năng, kiến thức mà làm sai thì Nhà nước cũng thiệt hại mà người dân cũng thiệt hại".
Yêu cầu của Bộ trưởng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn đối với cán bộ làm công tác dân tộc, đó là, cán bộ phải có kiến thức sâu rộng và kỹ năng công tác nhuần nhuyễn; nắm vững chính sách và pháp luật; phải luôn nêu cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trong tham mưu, phối hợp, tổ chức triển khai; đặc biệt, cần sâu sát với dân, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân và những vấn đề nảy sinh để làm công tác tham mưu cho chính xác.
Bộ trưởng đồng thời mong muốn các cấp, các ngành đồng tình ủng hộ, các địa phương triển khai quyết liệt cùng với sự kiểm tra, giám sát của các bộ, ban, ngành Trung ương, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao nhất.