Phát triển bền vững lựa chọn tất yếu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:48, 01/01/2023

(TN&MT) - Phát triển bền vững là đích đến quan trọng của thế giới và Việt Nam là một mảnh ghép trong bức tranh chung đó. Hơn lúc nào hết, phát triển xanh, bền vững phải là mệnh lệnh của cuộc sống hiện tại và tương lai.

Hiện thực hóa trong kế hoạch hành động

Phát triển bền vững chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người đều nhận thức đã phát triển là phải bền vững. Từ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế đến phát triển bền vững, không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói khác đi, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.

Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 gồm 3 Điều, trong đó, nội dung chính là danh mục Lộ trình cập nhật các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 bao gồm 122 chỉ tiêu được phân bổ trong 76/115 mục tiêu cụ thể thuộc 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững Việt Nam ban hành tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.

Không nằm ngoài quỹ đạo vận động chung của thế giới, tại Việt Nam, phát triển bền vững đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là mục tiêu chiến lược, lâu dài. Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế là một trong những mục tiêu đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện thực hóa bằng một loạt hành động, trong đó, có Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Trong giải pháp thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua hệ thống thuế, chính sách thuế; tiết kiệm chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Nội hàm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng yêu cầu phải lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan; lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, các quy hoạch phát triển của ngành và địa phương giai đoạn 2021 - 2030.

Nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu

Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Điều này càng thể hiện rõ nét ngay tại Hội nghị COP27 vừa diễn ra tại Ai Cập, Đoàn Việt Nam đã gửi Bản đóng góp quốc gia tự quyết định - NDC cập nhật đến Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy, nỗ lực của Việt Nam cả về thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, nhấn mạnh những tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra và dự báo tác động trong tương lai.

Thực tiễn tại Việt Nam, nhiều năm qua, nội dung thích ứng BĐKH luôn song hành với giảm phát thải khí nhà kính trong các chủ trương, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch về BĐKH và thực hiện các cam kết quốc tế của Đảng, Chính phủ. Các văn bản mới đây, nhất là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021); Luật Bảo vệ môi trường (2022); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (2022); Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2022); Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia (2022)… Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách này, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục ban hành các kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, tăng trưởng xanh, thực hiện Thỏa thuận Paris và lồng ghép trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Các chương trình, dự án thích ứng với BĐKH tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực giúp tăng khả năng phòng chống từ xa, tăng sức chống chịu trước thiên tai như: Giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nước; xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với BĐKH; bảo vệ, phát triển bền vững rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Báo cáo cũng khẳng định, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc huy động đầu tư cho thích ứng với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Điều này thể hiện qua tỷ trọng nguồn vốn trong nước cao hơn nguồn ODA, bên cạnh đó, nguồn tài chính tư khu vực tư nhân có xu hướng tăng dần trong thời gian qua.

NDC 2022 đưa ra cụ thể những thiếu hụt trong lĩnh vực thích ứng hiện nay và xác định mục tiêu thích ứng trong thời gian tới. Đó là giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động tiêu cực của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng và nước biển dâng do BĐKH; thúc đẩy lồng ghép thích ứng với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch.

Chú trọng yếu tố môi trường

Khi các yếu tố về môi trường, phát triển bền vững được chú trọng và đặt đúng vị trí, tầm mức, sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển, trong cả lĩnh vực kinh tế, cũng như đời sống xã hội và văn hóa.

6-7-1-.jpg

Phát triển bền vững chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người đều nhận thức đã phát triển là phải bền vững

Nhìn trên bình diện quốc gia, sau hơn 30 năm đổi mới và thực hành phát triển bền vững, Việt Nam được đánh giá là đã đạt được những thành tựu quan trọng, thay đổi diện mạo đất nước, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những thành tựu phát triển đó chủ yếu được ghi nhận theo chiều rộng, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lợi thế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ như hiện nay đang chạm mức giới hạn. Hệ lụy là càng phát triển, càng làm suy giảm, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, môi trường.

Trong bối cảnh đó, phát triển xanh/ phát triển hợp sinh thái đang là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn, nhằm duy trì sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên và được các nhà khoa học khuyến nghị nên áp dụng ở Việt Nam, càng sớm càng tốt. Cùng với nỗ lực tăng cường thể chế, chính sách nói chung về phát triển bền vững và về phát triển xanh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nói riêng, cần chú trọng xây dựng, triển khai các mô hình sinh thái xanh, khuyến khích thực hành lối sống xanh, theo tư duy sinh thái, đạo đức sinh thái và tiếp cận sinh thái; tích hợp, lồng ghép khả năng chống chịu thiên tai, BĐKH, ô nhiễm môi trường vào công tác lập kế hoạch phát triển; chú trọng phát triển ngành năng lượng đa dạng, sạch và an toàn. Và cần nỗ lực nâng cao nhận thức xã hội cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển xanh. Đó là con đường bền vững để đưa đất nước phát triển, vững vàng vượt qua những thách thức ngày càng phi truyền thống.

Phương Anh