Mùa Xuân giục bước những mùa xanh
Thời sự - Ngày đăng : 23:21, 31/12/2022
Nhìn lại năm 2022, một năm đầy khó khăn thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành; với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ TN&MT đã theo sát tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời trong phản ứng chính sách để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của ngành. Khép lại một năm 2022 với nhiều thành tựu nổi bật.
Toàn ngành đã hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; kịp thời trong phản ứng chính sách, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng thể chế, tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; Chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như quỹ đất, nguyên liệu, vật liệu, nguồn nước cho sản xuất kinh doanh, công nghiệp khai khoáng, tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng;
Khai thác tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển được phát huy đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển và các trung tâm năng lượng tái tạo;
Hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%);
Kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 54 tỉnh/thành phố; đang triển khai ở 9 tỉnh, thành phố; số hóa dữ liệu địa chính của 219 đơn vị hành chính cấp huyện, đang triển khai tại 250 đơn vị hành chính cấp huyện; số hóa dữ liệu nền địa lý ở các tỷ lệ 1:25.000 và 1:50.000.
Chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, độ tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, báo, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan; Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng sạch; Tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và các cơ hội thâm nhập thị trường các nước G7, EU của hàng hóa Việt Nam trước việc áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), huy động sự hỗ trợ của các định chế tài chính…
Nhưng, vẫn còn đó những thách thức khi triển khai số hóa dữ liệu đất đai còn cần có sự quyết tâm và quan tâm đầu tư từ UBND các tỉnh, thành phố và hỗ trợ từ Trung ương; Công tác quản lý, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên còn nhiều thách thức; Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải thực hiện các cam kết về môi trường đòi hỏi lộ trình để nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; lộ trình chuyển đổi công nghệ các cơ sở sản xuất lạc hậu gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Sự gia tăng của chất thải, khí thải, nước thải áp lực lớn lên vấn đề môi trường sẽ chưa giảm trong thời gian ngắn.
Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng nhanh và phức tạp, khó lường; Tình trạng thiếu nước, hạn hán, thiên tai sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Để giảm phát thải khí nhà kính đến 27% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường, Việt Nam cần bổ sung vốn đầu tư ban đầu khoảng 68,8 tỷ USD.
Thành tựu đặt ra cho chúng ta động lực để đặt niềm tin, hướng tới. Khó khăn thử thách ý chí con người. Dẫu có nhiều đổi thay, dẫu còn bộn bề gian khó. Nhưng đoàn kết là kỷ cương, là sức mạnh; càng trong gian khó càng đòi hỏi sự chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, trên đà phục hồi để phát triển.
Bước vào năm 2023 - năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Tình hình thế giới năm 2023 dự báo vẫn tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu...
Trong nước, dù thời cơ, thuận lợi là rất lớn, song khó khăn, thách thức đan xen không hề nhỏ. Trong bối cảnh ấy, ngành TN&MT đặt trọng tâm năm 2023 tiếp tục chủ động, tăng cường hội nhập, đẩy mạnh sáng tạo, đề ra quyết tâm, hành động quyết liệt và hiệu quả, mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực TN&MT cho tương lai bền vững.
Với 10 nhóm mục tiêu cụ thể, 3 nhóm giải pháp đột phá, Ngành TN&MT đặt quyết tâm chủ động vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Sẽ là cuộc thử thách ý chí, quyết tâm của toàn ngành trong điều kiện khó khăn, thách thức mới, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu cao hơn. Nói như Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của toàn ngành thì: “Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Ngành TN&MT, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ TN&MT mong muốn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công năm 2023”.
Và khi đoàn kết đã trở thành truyền thống, tinh thần sáng tạo, chủ động đã được khơi dậy, ý chí quyết tâm đã được trui rèn, tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương và toàn ngành, Ngành TN&MT sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững;
Đổi mới đồng bộ thể chế, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy theo chức năng nhiệm vụ và tổ chức mới; thúc đẩy cải cách hành chính, hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật;
Hoàn thiện, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, dữ liệu, mạng lưới quan trắc; thực hiện chuyển đổi số ngành TN&MT. Hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát TN&MT; Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai;
Đặc biệt, chủ động ứng phó trước các thách thức của biến đổi khí hậu, tận dụng mọi thời cơ, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, vững vàng trước mọi biến động, đưa đất nước phát triển trên con đường xanh.
Phát triển xanh không chỉ là khát vọng mà còn là yêu cầu bắt buộc, là nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt và lâu dài. Ý Đảng đã gặp lòng dân. Khó khăn đã được chỉ ra, thuận lợi đang là động lực khơi mở. Một mùa xuân mới đang khởi động những mùa xanh, thôi thúc Ngành TN&MT bước tới.