Chào năm mới 2023

Thời sự - Ngày đăng : 23:21, 31/12/2022

(TN&MT) - Những ngày cuối năm 2022 bận rộn trong thời tiết giá lạnh nhưng đầy ắp những sự kiện mới mẻ, ấm áp, tốt lành!

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từ ngày 30/10 đến 1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Từ ngày 4 đến 7/12/2022, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Hàn Quốc.

Từ 9 đến 15/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ. Các chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp, góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam với thế giới. Lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mong muốn Việt Nam là đối tác quan trọng để cùng nhau đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Các bạn đều khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, tin tưởng Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng.

2-3-1-.jpg

Đó là những tín hiệu tốt đẹp từ đối ngoại hiện tại. Nhìn vào lịch sử, chúng ta tự hào về những năm Mão mang tính bước ngoặt, mở ra những bước đi vẻ vang mới cho dân tộc, đoá laâ sûác maånh nöåi sinh lúán lao laâm tiïn đề cho những thành tựu mới.

Năm Tân Mão 931, nghĩa quân Dương Đình Nghệ khởi nghĩa thắng lợi, lật đổ chính quyền đô hộ Nam Hán. Năm Đinh Mão 967, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thái Bình, quốc hiệu Đại Cồ Việt.

Năm Ất Mão 1075, Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường đầu tiên chọn nhân tài, mở ra quan niệm “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Năm Quý Mão 1483, Lê Thánh Tông cho biên soạn và ban hành Bộ Luật Hồng Đức, bộ luật đầu tiên của đất nước.

Năm Tân Mão 1771, anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa.

Năm Đinh Mão 1927, Bác Hồ viết Đường kách mệnh - một tác phẩm lớn mang tầm nhìn văn hóa vượt thời đại, vạch ra con đường đi đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Năm Tân Mão 1951, Đảng ta quyết định triệu tập Đại hội lần thứ II đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, một quyết định chính trị sáng suốt, kịp thời.

Năm Quý Mão 1963, Chiến thắng Ấp Bắc chứng minh khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của quân xâm lược Mỹ.

Năm Ất Mão 1975, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, đất nước thống nhất mở ra kỷ nguyên mới Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội...

Cả quá khứ và hiện tại đều cho thấy những dự cảm tốt lành, những triển vọng tươi sáng trong năm Quý Mão 2023 với nhiều thành công mới!

Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức", tại Hà Nội, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5” được khai mạc ngày 17/12 trong bối cảnh chuẩn bị bước sang năm 2023 - năm bản lề để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030.

Thông tin từ Diễn đàn cho biết, năm 2022 vừa qua, trong khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định. Những con số “biết nói” như những ánh lửa làm sáng thêm bức tranh kinh tế - xã hội 2023 với bao hân hoan, phấn chấn, hy vọng: Kinh tế Việt Nam 2022 dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đã tăng hơn 13,4%; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%... Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư về triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Là nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, tính đến hết năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt gần 400 tỷ USD, đã ký kết 15 Hiệp định thương mại với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

Tính đến ngày 15/12/2022, Việt Nam đạt tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 700 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam xuất siêu khoảng hơn 10 tỷ USD. Trong bối cảnh có phần ảm đạm của kinh tế thế giới, những thành tựu của Việt Nam được quốc tế khẳng định, khâm phục!

Quốc hội, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát trong năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chính là: GDP tăng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Lấy thực tế những năm qua làm căn cứ, nhất là những thành quả trong năm 2022, chúng ta đủ niềm tin để hy vọng sẽ hoàn thành tốt đẹp những mục tiêu ấy. Với thị trường nội địa 100 triệu dân, lại đã có kinh nghiệm thâm nhập các thị trường quốc tế, đặc điểm của nền kinh tế sản xuất ít bị ảnh hưởng so với kinh tế dịch vụ giúp chúng ta chủ động hơn, lại chủ yếu là xuất khẩu hàng tiêu dùng nên vẫn tiêu thụ được khi thế giới gặp khó khăn. Đó là thế mạnh riêng mà ít quốc gia khác có được. Dự kiến, mức thặng dư thương mại trong năm là 10,4 tỉ USD nhưng đã đạt đến 12,0 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối sẽ đạt khoảng 102 tỉ USD vào cuối năm 2023 (mức hiện tại là 89 tỉ USD). Với cái nhìn tổng quan mà thận trọng, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới kỳ vọng, GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng 6,7%.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta coi nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Những ngày cuối năm 2022, ở cấp Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều Hội thảo quan trọng về văn hóa, coi đó như là những động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ngày 29/11, tại Hà Nội, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức. Ngày 17/12, tại Bắc Ninh diễn ra Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Ngày 18/12, tại Hải Phòng, Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chủ đề “Sống mãi với thời gian”... Các Hội thảo, sự kiện có nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII với những quan điểm chỉ đạo cốt lõi: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...

Cùng nhịp đi với hội nhập văn hóa toàn cầu, Đảng, Nhà nước ta coi văn hóa là tài sản quốc gia, là hành trang để đối ngoại văn hóa thành công hơn nữa. Niềm tin đáp lại niềm tin. Tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 (từ 2 - 7/12 tại Hà Nội) Việt Nam giành trọn bộ 3 Huy chương Vàng. Từ 20/7 đến 20/8/2023, World Cup nữ 2023 sẽ diễn ra tại hai quốc gia Australia và New Zealand. Cả thế giới sẽ ngước nhìn những cô gái vàng Việt Nam - những sứ giả văn hóa mang thông điệp hòa bình, niềm tin hữu nghị, sự khát khao chiến thắng, tinh thần thể thao cao thượng ra với năm châu.

Dịp này 60 năm trước, ngày 1/1/1963, trong “Thiếp mừng năm mới” của Bác Hồ có câu: “Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi!”. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta đã gặt hái những mùa vàng bội thu với những kỳ tích đi vào lịch sử thế giới. Chưa bao giờ vị thế đất nước lên cao, mạnh mẽ và kiêu hãnh như hôm nay. Ước mơ của Bác Hồ đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” đang dần được hiện thực hóa. Với tất cả niềm tin và hy vọng, chúng ta cùng chờ đón những thành tựu mới!

  Chào năm mới 2023 - năm của thành công, năm của nhiều thắng lợi!

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú