Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 21:14, 31/12/2022
Do đó, yêu cầu phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai để Nhà nước đạt được mục tiêu “nắm chắc”, “quản chặt” đất đai và để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
219/705 huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước nói chung và trong quản lý đất đai nói riêng phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia hàng đầu làm nền tảng, công cụ quản trị quốc gia hiện đại đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo điều hành.
Theo Bộ TN&MT, một trong những quan điểm xây dựng Dự thảo Luật Đất đai là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các địa phương trên cả nước, sự chỉ đạo tập trung của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các điều kiện cần thiết, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công về đất đai.
Kết quả đến nay, tại Trung ương, đã hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu Đất đai do Trung ương xây dựng bao gồm: Dữ liệu Thống kê, Kiểm kê Đất đai cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ quy hoạch 2010 - 2020 cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Giá đất (Dữ liệu Giá đất xây dựng theo Khung giá đất giai đoạn 2015 - 2019, giai đoạn 2020 - 2024); Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai đã xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá thoái hóa đất, đánh giá chất lượng đất, đánh giá tiềm năng đất cấp vùng và cả nước; Dữ liệu tổng hợp địa chính Trung ương đã thống nhất bàn giao mẫu tổng hợp, phần dữ liệu đang được xây dựng trên cơ sở kết quả do địa phương tổng hợp.
Tại địa phương, đến nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó, có 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng, điển hình một số tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm.
Bên cạnh đó, 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai. Về kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế: 24/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện.
Về thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia: hiện có 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện. Đồng thời với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, việc kết nối, chia sẻ, khai thác các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan tư pháp... đã bước đầu thực hiện chia sẻ rất hiệu quả, đặc biệt là những thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
Cụ thể như việc trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất đã triển khai cho 24 tỉnh/thành phố và 61 tỉnh/thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia. Việc thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng Dịch vụ công quốc gia tính từ đầu 2022 đến nay có hơn 414.000 giao dịch với số tiền 2.000 tỷ.
Ưu tiên nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ TN&MT phối hợp với các địa phương triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, khối lượng xây dựng cơ sở dữ liệu sau điều chỉnh dự án là 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới cơ sở dữ liệu là 160 huyện và chuyển đổi cơ sở dữ liệu là 90 huyện). Kết quả, đến nay có 69/250 huyện đã hoàn thành nghiệm thu, thực hiện đối soát, tích hợp và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Dự kiến đến 31/12/2022, hoàn thành 180 huyện, đến tháng 6/2023, hoàn thành nốt 250 huyện.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, Bộ TN&MT cho rằng, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh tiến độ và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ đất đai và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông gắn với chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt là bảo đảm kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Các cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên bố trí đủ kinh phí hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia ở trung ương, địa phương theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, UBND các tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn thu từ đất hằng năm, đảm bảo “Hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông” theo đúng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.