Thừa Thiên – Huế: Từng bước hoàn thiện quy hoạch, lựa chọn mô hình đô thị trực thuộc Trung ương
Tài nguyên - Ngày đăng : 12:34, 30/12/2022
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức hôi thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương.
Bàn phương án lập quận, huyện
Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, có 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương (kế hoạch vào năm 2025). Trong đó, phương án 1 gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Cụ thể, TP. Huế hiện nay sau khi sắp xếp, thành lập sẽ có 32 phường chia thành 2 quận: Quận phía Bắc gồm 13 phường, quận phía Nam gồm 19 phường. Ngoài ra, có quận Hương Thủy, thị xã Phong Điền, Hương Trà và 4 huyện.
Phương án 2 là từ phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy để chỉ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Về tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên- Huế đề xuất 2 phương án, trong đó phương án thứ nhất lấy tên là TP. Huế, phương án 2 là TP. Thừa Thiên- Huế.
Ngoài ra, còn dự kiến phương án tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, quận phía Nam dự kiến chọn 1 trong các tên gọi Thừa Thiên/ Thuận Hóa/ Ngự Bình, quận phía Bắc dự kiến chọn 1 trong các tên gọi Phú Xuân/ Thuận Hóa/ Hương Giang.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên- Huế, về chức năng đô thị thì quận phía Nam là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... của thành phố trực thuộc Trung ương, là nơi còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị và là nơi tập trung nhiều trụ sở các cơ quan hành chính quan trọng của thành phố. Đối với quận phía Bắc là nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn... nên định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn. Còn quận Hương Thủy được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế.
Tại hội thảo, sau khi tổng hợp các phiếu thăm dò về mô hình đô thị, phương án thành lập 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện có đa số phiếu đồng tình. Về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phương án đa số là TP. Huế. Đối với tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện, phương án quận phía Nam sông Hương tên là Thuận Hóa; quận phía Bắc sông Hương tên là Phú Xuân được đa số lựa chọn. Tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp thu và hoàn thiện phương án phù hợp; kết hợp các thủ tục lấy ý kiến theo quy định pháp luật hiện hành.
Hiện nay, Thừa Thiên - Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và một thành phố với 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn
Từng bước quy hoạch
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, công tác tổ chức lập quy hoạch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Văn Phương thông tin, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, tỉnh kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện; định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự phát triển của tỉnh trong tương lai có hiệu quả và bền vững; nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã góp ý về quy hoạch. Bên cạnh những ưu điểm, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện hơn nữa để nêu bật vai trò, thế mạnh của tỉnh.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Thừa Thiên - Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang chạy dọc bờ biển, đó là “di sản” mà cả Đông Nam Á thèm khát. Do vậy, quy hoạch tỉnh cần làm rõ để khai thác thế mạnh này, đồng thời cần hướng đô thị Huế về phía biển, và xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia; phát triển đô thị Chân Mây – Lăng Cô… Trên tinh thần là đô thị di sản, tỉnh phải có giải pháp cụ thể hóa các yếu tố văn hóa, sinh thái, trên cơ sở đó xây dựng Huế trở thành biểu tượng để cả nước, thậm chí thế giới hướng đến.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì việc quy hoạch, phát triển của tỉnh phải dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch. Trên cơ sở đó hình thành một đô thị mà đẳng cấp.
“Có thể nhìn nhận hai điểm, một là thành phố du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và thứ hai là thành phố như một trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe. Đô thị Huế sẽ tạo ra khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và khoa học công nghệ sẽ không tạo ra sự xung đột”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế nhìn nhận, hội thảo đã nhận diện được một số khó khăn, hạn chế và các lợi thế so sánh để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong kỳ quy hoạch tới.
Về phương án phát triển các ngành/lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển, các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lựa chọn phát triển các ngành/lĩnh vực có lợi thế; mở rộng không gian phát triển trên cơ sở cân đối các tiềm năng, dư địa để tạo tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội đảm bảo phấn đấu đạt các chỉ tiêu. Trong đó, chú trọng nghiên cứu quy hoạch phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, khu du lịch, các dự án đầu tư lớn, có tính đột phá,… Việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng tiếp tục hoàn thiện đảm bảo phương án gắn với quy hoạch hệ thống thoát lũ, quy hoạch thủy lợi và kịch bản có liên quan đến biến đổi khí hậu… Ngoài ra, quy hoạch tỉnh cùng với các quy hoạch khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành lập thành phố Trung ương.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu đơn vị tư vấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban ngành địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học,… tích cực hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo nhiệm vụ quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á...