Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Biển đảo - Ngày đăng : 20:27, 29/12/2022
Trong nửa đầu năm 2022 tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp tác động không nhỏ tới Việt Nam nói chung cũng như hoạt động quản lý Nhà nước của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, được sự quan tâm và chỉ đạo Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng của Bộ... Tổng cục đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ năm 2022 một cách toàn diện, góp phần trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Ông Trương Đức Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Trong công tác rà soát, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo năm 2022, Tổng cục đã triển khai nghiêm túc việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Cụ thể, về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tổng cục đã chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và các ý kiến tại Báo cáo thẩm định số 194/BCTĐ-BTPngày 01/11/2022 của Bộ Tư pháp. Đến nay, Tổng cục đã trình Lãnh đạo Bộ xem xét ký Tờ trình trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định tại Phiếu trình số 396/PTr-TCBHĐVN ngày 11/11/2022.
Trong nhiều năm qua, Tổng cục xác định công tác khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, giúp hỗ trợ và tăng cường nguồn lực, tri thức và công nghệ quản lý. Do vậy, Tổng cục đã đề ra nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý, tập trung hoàn thiện các quy chế, quy định, gắn trách nhiệm quản lý của các đơn vị, chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ, nâng cao năng lực thực hiện, xây dựng mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học, nâng cao chất lượng các hội đồng khoa học, bảo đảm được triển khai có hiệu quả, chất lượng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo.
Triển khai xây dựng chương trình công tác của Văn phòng Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia năm 2022; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kiểm tra các địa phương, đơn vị về công tác thực hiện Chiến lược phát triền bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điều phối các đơn vị liên quan của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 và các nhiệm vụ có liên quan.
Phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an xây dựng và tham mưu ký kết kế hoạch phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo vệ môi trường biển, hải đảo năm 2022 giữa Tổng cục và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Kế hoạch số 01/KH-TCBHĐVN-CSMT ngày 05/5/2022); Khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển tại một số cơ sở, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, cảng biển tại thành phố Đà Nẵng; tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển tại tỉnh Trà Vinh; Phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động bảo vệ môi trường biển, đảo năm 2022 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về tổ chức bộ máy Tổng cục đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tại Quyết định số 2988/QĐ-BTNMT ngày 04/11/2022 (hiệu lực từ ngày 01/01/2023) theo quy định tại Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với công tác hợp tác quốc tế Tổng cục đã thực hiện 1 đoàn tham gia Tập huấn khu vực về “Giám sát và đánh giá chất thải nhựa biển và hạt vi nhựa” từ ngày 25/7/2022 đến ngày 03/8/2022 tại Phuket, Thái Lan; Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 1 đoàn ra tham gia 2 khóa đào tạo tại Hàn Quốc trong khuôn khổ Dự án Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh ven biển Việt Nam...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Thứ trưởng đề nghị, Tổng Cục phát huy cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, Tổng cục cần tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp quản lý thông minh vào quản lý điều hành công việc.
Tập trung đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm tiếp cận, học hỏi… về công tác biển và hải đảo. Đặc biệt là khẩn trương kiện toàn bộ máy nhân sự theo yêu cầu mới; nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân trao tặng Cờ thi đua xuất sắc Cụm thi đua ngành tài nguyên và môi trường Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường cho 4 cá nhân thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vì đã có quá trình công tác đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường gồm: Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Ông Dương Văn Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đào; Bà Bùi Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đáo; Ông Đinh Văn Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Hải văn.