Đời sò tích nắng đại dương

Xã hội - Ngày đăng : 11:14, 29/12/2022

(TN&MT) - Ăn sóng nói gió, nước da tích nắng đại dương - đặc điểm dễ nhận ra ở họ - những người đàn ông tự nguyện thu gom và thả giống sò lông phục hồi bãi biển ở Thuận Quý. Họ nói cười rổn rảng về mọi chuyện, về thực trạng bãi ngang cần cấp bách phục hồi, về vòng sinh trưởng của đời sò, về những ý tưởng manh nha ban đầu, về thành công bước đầu và cả những điều còn đau đáu, chưa kịp thực hiện trong năm 2022.

Vùng bãi biển Thuận Quý dài khoảng 4,2km này vốn có nguồn lợi sò lông rất dồi dào, trữ lượng khoảng 25.000 tấn/năm. Đến năm 1997, còn dưới 1.000 tấn và đến năm 2014 thì đã chạm mức báo động, trữ lượng chỉ còn ở mức không đáng kể. Không chỉ sò lông, các loài nhuyễn thể hai mảnh trước đây cũng phát triển phong phú trên vùng bãi cạn này như vòm nâu, bàn mai, nghêu lụa, sò điệp… Do khai thác vô tội vạ không chú trọng đến tái tạo nên hậu quả tất cả đều cạn kiệt là điều tất yếu. “Thời huy hoàng nay còn đâu!”, một “kình ngư” lặn sò lão luyện đã thốt ra câu ấy cùng với tiếng thở dài.

13-2-.jpg

Tác giả và thợ lặn Dương Chí

Trong những ngày giáp Tết này, tôi tìm gặp ông Phạm Cường - người đầu tiên viết đơn gửi chính quyền, đề xuất được nuôi thí điểm sò lông sinh sản, sò lông thành phẩm để phục hồi bãi biển đang bị tàn phá bởi các hình thức đánh bắt tận diệt phi pháp như giã cào bay, giã cào nhám và các loại chất nổ. Ông Cường vóc người vạm vỡ, vòm ngực đá tảng, giọng nói vang lộng, ông cho biết mình gốc dân đảo Phú Quý lâu đời, dù vào đây đã mấy chục năm rồi nhưng biển vẫn luôn là một phần máu thịt với ông. “Ở đảo, mình sinh ra mở mắt đã thấy biển, chập chững bước đi đầu tiên cũng trên cát biển, tuổi thiếu niên đã lên ghe chuyên dụng ra khơi, mười sáu tuổi đã “xì tai”, mang chì tập lặn sâu. Mình vốn là thợ lặn sò lặn điệp trên vùng đảo Trường Sa. Suốt thời gian dài mưu sinh dưới đáy biển, mình hiểu lắm những mất mát của biển do con người mang lại.

Ngoài những người đàn ông trong nhóm tự nguyện thả sò phục hồi sinh thái biển, chúng tôi còn gặp rất nhiều “kình ngư” khác ở Thuận Quý. Họ kể lại những cái Tết ngoài khơi xa, những con sóng cao bằng ba bốn tòa nhà, những câu chuyện ma mị về loài tảo ma quyến rũ… Và chuyện gom giống thả sò được bàn rôm rả hơn cả. Họ tâm đắc với việc mình đang làm, đã làm. Cả cuộc đời họ đã gắn bó với con sò, con điệp, họ đã không biết bao nhiêu lần lặn xuống đáy biển và thu nhặt sò các loại mang lên ghe từng giỏ, từng tấn, từng chục tấn trong suốt cuộc đời làm nghề mưu sinh, nên hơn ai hết họ biết việc họ đang làm mang ý nghĩa như thế nào. Họ háo hức với kết quả từ mười mấy điểm chà mới mở rộng, (ban đầu cũng khoảng chừng ấy điểm chà thí điểm). Từ những ngày đầu năm 2015, với ý tưởng ban đầu của ông Phạm Cường, với sự đồng lòng ủng hộ của chính quyền Thuận Quý, được sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (UNDP-GEF SGP), dự án "Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam" đã được triển khai trên diện tích khoảng 16km2 vùng biển ven bờ biển Thuận Quý.

Nhóm của ông Cường có 50 thành viên là đại diện các hộ ngư dân hành nghề khai thác thủy sản tại xã Thuận Quý, (toàn xã chỉ có 12 tàu ghe, 68 thúng chai lắp máy với hơn 200 lao động biển).

“Người ta nói “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nhưng ăn của biển cũng rưng rưng chớ!”. Ông Nguyễn Thắng - một thợ lặn kỳ cựu tâm sự như thế.

Anh Trần Tư tâm tư: “Tui một vợ hai con, đó là “món lời” lớn nhất sau mấy chục năm làm nghề. Thu nhập tháng cao nhất là 30 triệu đồng, bình thường khoảng 5 - 7 triệu đồng mà một năm chỉ làm được sáu tháng, thời gian rảnh rỗi tôi phải đi làm mướn thêm”.

Anh Dương Chí, sinh 1965, thợ lặn từ năm 1981. Anh có 5 đứa con, phải chạy vạy lúc lặn biển xa, lúc tranh thủ lặn bờ thêm mới đủ cho con ăn học. Anh kể, mình cũng làm cho chủ một chiếc ghe lớn, 6 lốc, trên ghe có trang bị máy lặn hơi Đại Đồng 14, có thể phân hơi cùng lúc cho 6 - 7 vòi lặn, tức là cho 12 - 14 người, mỗi cặp một ống hơi, (một người canh hơi, một người lặn gọi là một cặp). Anh nói, lúc còn thanh niên anh lặn mức nước 16 - 17 sải tay (khoảng 20m), bây giờ chỉ dám lặn mức nước 10 sải, từ (12 - 15 m), xuống sâu nữa dễ bị biển ép, may mà bây giờ có máy dò độ sâu khá chính xác nên anh mới còn trụ với nghề.

Anh bảo: “Tui đi lặn từ hồi mới “bể tiếng” tới giờ, hơn ba chục năm, cặm cụi miết dưới đáy biển nên vô bờ là ham nói lắm. Ở dưới đáy biển có gì vui cũng đâu có nói được. Nghề này, vui buồn gì cũng chỉ biết “nuốt” vào bụng”.

Còn với anh Ngô Khính thì “Từ ngày nhảy xuống nước “xì tai” lần đầu đến nay cũng đã hơn 20 mùa biển. Hơn năm lần bảy lượt bị nước chảy xiết làm trôi đứt đai chì, gần trăm lần lên ghe rồi phải nhảy ngay xuống nước để giảm áp vì nghe như tay chân mình rã rời, qua nhiều lần tưởng chết đi sống lại vậy mà vẫn trụ tới giờ”.

13-1-.jpg

Đổ sò giống xuống biển

Làm việc năm, bảy tiếng đồng hồ liên tục dưới đáy biển quả không đơn giản. Đó là chưa kể những giai thoại của nghề lặn lưu niên đã ám vào tâm trí những con người làm việc dưới đáy biển này. Nào là những đám rong ma, lỡ lạc vào là một đi không trở lại. Nào những vùng ngải biển cấm kỵ…

Tiếp xúc với “kình ngư” Nguyễn Văn Mười, chúng tôi rất xúc động nghe anh kể lại câu chuyện tai nạn nghề nghiệp của mình:

… “Em bắt đầu làm nghề từ năm 1986 đến năm 1996 thì bị “biển ép”. Em lặn xong rồi, sau năm giờ lặn liên tục dưới mức nước 19 sải (khoảng 24m), em lên ghe, chợt nghe vùng tim nhoi nhói, vội nhảy xuống biển trở lại để giảm áp. Lên ghe lần nữa thì nghe cả cơ thể rân rân, cuối cùng là hai chân tê xuội không nhúc nhích gì được… Chủ ghe lật đật rút neo chạy vào bờ. Nửa năm điều trị em được đưa về nhà, tay chân bất động, em phải tập mãi mới được như ngày nay…”.

Tôi hỏi về những bạn lặn bị tai nạn có nhiều không? Mười nói, nhiều không kể hết, mỗi khi đi biển vào, thấy ba bốn cái rạp che tạm ngoài bãi, người bu đen bu đỏ, là biết có chuyện không hay với thợ lặn. Có trường hợp đầu tư đóng ghe mới, mướn sáu thợ lặn ở xa đến xin việc. Nhưng ngay chuyến biển đầu tiên đã gặp chuyện, người chủ mới đã phải bán ghe, bỏ nghề luôn…

Những câu chuyện của họ cứ ám ảnh tôi mãi, mỗi góc xóm thợ lặn cha truyền con nối ở đây đều đọng chứa trong đó tầng tầng, lớp lớp mồ hôi nước mắt, nỗi buồn thương của những cuộc chia ly mà họ gọi tên nó là sinh nghề tử nghiệp.

Có biết biển, thương biển như một phần sinh mệnh của mình thì mới hiểu việc làm đầy ý nghĩa của nhóm ngư dân Thuận Quý. Họ - những người nhận nghĩa vụ kép, vừa làm việc vì kế sinh nhai, vì đời sống gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Giờ đây, trong không khí ngày hết Tết tới, họ tâm sự cũng bằng đúng giọng “ăn sóng nói gió” của mình: “Chỉ lấy của biển mà không lo phục hồi là không được đâu! Sống sao cho cháu con sau này đừng trách chúng ta! Chừng ấy điểm chà nuôi sò lông phục hồi nền biển chưa là gì, mấy trăm tấn giống bỏ xuống cũng chưa là gì, cả xã hội phải chung sức mới được!...”.

Tôi xúc động lắng nghe từng lời ruột gan của nhóm ngư phủ. Nhìn những khuôn mặt sạm nắng, tôi nghĩ đời họ cũng chính là đời sò lầm lụi, cần mẫn tích nắng tích gió đại dương.

Ghi chép của nhà văn Nguyễn Hiệp