Tập trung triển khai hiệu quả các dự án giám sát TN&MT bằng công nghệ viễn thám

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:43, 28/12/2022

(TN&MT) - Chiều ngày 28/12, tại Hà Nội, Cục Viễn thám quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
thu-truong.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Hoàn thành toàn diện các mặt công tác năm 2022

Ông Chu Hải Tùng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, trong năm 2022, Cục đã đẩy nhanh quá trình xây dựng các văn bản về quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực viễn thám; tiếp tục hướng dẫn và giám sát việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám tại các Bộ, ngành, địa phương; tích cực triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.

Trong năm 2022 Cục Viễn thám quốc gia đã công bố được sơ đồ thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám SPOT 6 và SPOT 7 từ tháng 01/2022 - 12/2022 trên trang thông tin điện tử của Cục theo địa chỉ http://rsc.gov.vn; xây dựng được 12 đơn hàng định kỳ, tổng số cảnh ảnh thu đã xử lý được là 3.140 cảnh ảnh (tương đương với khoảng 1.570 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ), trong đó số cảnh ảnh sạch (có độ che phủ mây nhỏ hơn hoặc bằng 10%) là 496 cảnh (tương đương với 248 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ), chiếm tỉ lệ 15.8% trên tổng số cảnh thu được và thu nhận được 1.376 ảnh SPOT 6/7.

img_8531rs.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, Cục Viễn thám quốc gia cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, phát triển nông nghiệp, quản lý, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, giám sát về môi trường biến động diện tích đất rừng, biển, hải đảo, các khu vực có nguy cơ sạt lở, giám sát khai thác mỏ trái phép; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giám sát biển, đảo, diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm ven biển; Cung cấp dữ liệu viễn thám quang học độ phân giải cao (VNREDSat-1, SPOT 6/7) phủ trùm lãnh thổ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh cho các Bộ ngành và địa phương.

Đồng thời, Cục đang tập trung tăng cường các hoạt động dịch vụ, sự nghiệp công viễn thám định hướng tiếp cận dần với chủ trương xã hội hóa.

Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường

img_8660.jpg
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, Cục sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, hoạt động sự nghiệp, nghiên cứu và đề xuất xây dựng quy trình cung cấp dữ liệu viễn thám, xây dựng dịch vụ công về viễn thám, hướng dẫn về xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng viễn thám; triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với CSDL tài nguyên môi trường.

Cùng với đó, Cục sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Đề án Giám sát tài nguyên môi trường bằng công nghệ viễn thám; Đề án “Ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”; Dự án Chính phủ: “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp phương pháp địa vật lý - hải dương xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam” và nhiệm vụ “Theo dõi, giám sát một số loại hình sử dụng đất bằng công nghệ viễn thám”.

Hoàn thành dự án đầu tư: Tăng cường năng lực giám sát tài nguyên môi trường cho cục Viễn thám quốc gia tại số 79 Văn Tiến Dũng; tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” tại Bình Dương (thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ); Phi dự án ODA hợp tác với Italia “Thiết lập và triển khai Hệ thống thông tin địa lý về Tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, Đánh giá rủi ro và Giám sát môi trường cho Việt Nam dựa trên Công nghệ viễn thám” nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thám quốc gia cụ thể là hệ thống các trạm thu: dữ liệu viễn thám SPOT6.7; Cosmokymed; dữ liệu ảnh viễn thám Ấn độ; dữ liệu ảnh viễn thám phân giải siêu cao Kompsat cung cấp cho các bộ ngành và địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

img_8597(1).jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành trao tặng Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho Cục Viễn thám quốc gia là tập thể dẫn đầu Khối thi đua số IV Bộ TN&MT và Trung tâm Giám sát TNMT và Biến đổi khí hậu là đơn vị dẫn đầu Cục Viễn thám quốc gia trong phong trào thi đua năm 2021

Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch giám sát nhanh các hiện tượng, sự cố bất thường do thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Cục Viễn thám quốc gia trong việc tham mưu, đề xuất triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Thứ trưởng đề nghị, Cục tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần tập trung rà soát, chú trọng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quản lý, ứng dụng viễn thám trên phạm vi cả nước; hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật của lĩnh vực viễn thám và tiến tới xây dựng bộ đơn giá của lĩnh vực để phục vụ cho việc khai thác, sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia và ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Cùng với đó, tăng cường các dự án đầu tư, có kế hoạch ngay từ đầu năm để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên giám sát TNMT phòng tránh thiên tai, cảnh báo lũ quét sạt lở đất.

Sắp tới, Việt Nam sẽ có kế hoạch phát triển vệ tinh, dự kiến năm 2023 sẽ phóng vệ tinh lên vũ trụ. Thứ trưởng đề nghị Cục Viễn thám quốc gia cần chủ động nghiên cứu, lên kế hoạch trước các nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám; tăng cường dự báo trước tình hình để có những nghiên cứu khoa học đi trước, đón đầu xu thế của thời đại.

chien-sy-thi-dua-co-so(1).jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành TN&MT cho ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia và bà Phạm Thị Hà Giang, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành trao tặng Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho Cục Viễn thám quốc gia là tập thể dẫn đầu Khối thi đua số IV Bộ TN&MT và Trung tâm Giám sát TNMT và Biến đổi khí hậu là đơn vị dẫn đầu Cục Viễn thám quốc gia trong phong trào thi đua năm 2021; trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành TN&MT cho ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia và bà Phạm Thị Hà Giang, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính; trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các tập thể, cá nhân của Cục Viễn thám quốc gia đã có thành tích xuất sắc trong năm 2021.

img_8632.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các tập thể, cá nhân của Cục Viễn thám quốc gia đã có thành tích xuất sắc trong năm 2021

Thủy Nguyễn