Đổi mới công tác dự báo thủy văn theo hướng đồng bộ, liên thông theo lưu vực sông

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:57, 27/12/2022

(TN&MT) - Năm 2022 tiếp tục là năm với nhiều loại hình thiên tai thủy văn, xuất hiện trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản ngay trong những tháng đầu của mùa mưa lũ ở khu vực Bắc Bộ; mưa lũ trong năm 2022 tiếp tục tác động lớn gây ngập lụt sâu rộng tại nhiều tỉnh thành tại khu vực miền Trung, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân trong khu vực.
z3990492161699_27af96af60187f9af5e3712e1a4ac71d.jpg
Năm 2022, công tác dự báo thủy văn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình thiên tai

Trong bối cảnh thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sự phối hợp của các phòng dự báo nghiệp vụ của Trung tâm, các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, công tác dự báo thủy văn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình thiên tai, đặc biệt trong các trận mưa lũ lớn tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, đầy đủ phục vụ công tác PCTT, giảm thiểu thiệt hai do thiên tai gây ra.

Hạn chế về công nghệ

Theo ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, mặc dù đã đạt được những kết quả trên, nhưng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thủy văn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh đang triển khai công nghệ dự báo thủy văn hiện tại theo hướng đồng bộ, tập trung. Tuy nhiên còn nhiều lưu vực sông chưa có công nghệ đồng bộ, chưa có hệ thống công nghệ giám sát, hỗ trợ dự báo hoàn chỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo thủy văn và công tác dự báo phục vụ quy trình vận hành liên hồ chứa.

Trước thực tế đó, trong năm 2022, các đơn vị dự báo đã triển khai Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) vào nghiệp vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, bước đầu tổng hợp bộ dữ liệu dùng chung, thay đổi quy trình, sử dụng triệt để các sản phẩm để tin cảnh báo phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, trong các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, phạm vi cảnh báo rộng và tỷ lệ cảnh báo khống (có cảnh báo nhưng không xảy ra) còn cao. Do hạn chế về công nghệ nên công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất còn chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ và những đòi hỏi thực tiễn.

Để khắc phục những hạn chế trên và phát triển công tác dự báo, cảnh báo thủy văn đáp ứng được yêu cầu của xã hội và phát triển kinh tế xã hội, ông Phùng Tiến Dũng đề xuất định hướng phát triển công tác dự báo cảnh báo thủy văn trong thời gian tới với nhiều mục tiêu. Cụ thể, xây dựng được mô hình tổ chức công tác dự báo, cảnh báo thủy văn tập trung theo các lưu vực sông, các quy định, quy trình kỹ thuật hướng dẫn, phân công trách nhiệm dự báo, cảnh báo thủy văn cho từng lưu vực sông; hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, tích hợp các mô hình, công nghệ dự báo thủy văn và triển khai thực hiện dự báo theo mô hình lưu vực sông trên toàn quốc.

Ngoài ra, xây dựng một tổ chức có chức năng nghiên cứu, phát triển về cảnh báo lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó, có sự tham gia của các đơn vị có liên quan; tổ chức hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ Trung ương đến địa phương, xây dựng quy chế phối hợp giữa các Đài KTTV tỉnh với các đơn vị PCTT địa phương trong công tác cảnh báo và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.

Hướng tới xây dựng công nghệ hỗ trợ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Nhằm đạt được những mục tiêu trên, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đề xuất giải pháp xây dựng mô hình tổ chức công tác dự báo, cảnh báo thủy văn tập trung theo lưu vực sông (có sự tham gia của dự báo viên cả 3 cấp từ trung ương đến địa phương); xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cập nhật và phát triển, hoàn thiện mô hình, công nghệ phục vụ dự báo, cảnh báo thủy văn có tính liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; phát triển công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất độ phân giải cao và công nghệ cảnh báo tác động đối với một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, xã hội.

Đồng thời, tổ chức bộ phận phát triển hệ thống công nghệ dự báo, cảnh báo thủy văn dùng chung cho các lưu vực sông có sự tham gia của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực/tỉnh thực hiện nhiệm vụ: Kiến trúc công nghệ giám sát, dự báo, cảnh báo thủy văn; phát triển mô hình hóa dự báo, cảnh báo quá trình thủy văn, thủy lực, ngập lụt và hồ chứa; rà soát, thống kê và đề xuất nhu cầu về năng lực tính toán đảm bảo đầu tư trang bị hệ thống máy tính đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của hệ thống dự báo cảnh báo; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, tự đào tạo nâng cao trình độ của các dự báo viên, làm chủ được các mô hình, công nghệ dự báo đảm bảo yêu cầu công tác dự báo, cảnh báo cho nhiều lưu vực sông.

Trong năm 2023, công tác dự báo thủy văn sẽ triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch năm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình KTTV trên các khu vực phụ trách và thực hiện các nhiệm vụ trên theo lộ trình. Theo đó, xây dựng được mô hình tổ chức công tác dự báo, cảnh báo thủy văn tập trung theo các lưu vực sông, các quy định, quy trình kỹ thuật hướng dẫn, phân công trách nhiệm dự báo, cảnh báo thủy văn cho từng lưu vực sông; tổ chức hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ Trung ương đến địa phương, xây dựng quy chế phối hợp giữa các Đài KTTV tỉnh với các đơn vị PCTT địa phương trong công tác cảnh báo và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.

Nhiệm vụ năm tới cũng gồm xây dựng công nghệ hỗ trợ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Công nghệ được kỳ vọng hỗ trợ các dự báo viên tác nghiệp thuận lợi hơn. Dự kiến sẽ triển khai trong nghiệp vụ vào tháng 6/2023. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả dữ liệu từ hệ thống phần mềm tích hợp dữ liệu và hỗ trợ dự báo (CDH) phục vụ công tác dự báo thủy văn và tổ chức cập nhật công nghệ dự báo, cảnh báo trước hết đối với các lưu vực sông lớn.

Mai Đan